Nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm không chỉ có đường lối chiến lược, chiến thuật độc đáo, đúng đắn, mà còn phải kể đến nhân tố con người - quyết định trực tiếp đến thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhân tố con người được kết tinh bởi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tực lực tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam yêu nước. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, muôn người Việt Nam như một, đoàn kết một lòng “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” hay “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của một dân tộc yêu chuộng hoà bình đã chống lại mọi áp bá cường quyền và sự xâm lược của các thế lực ngoại quốc, bảo vệ nền độc lập chủ quyền. Phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của tổ tiên lên tầm cao mới thời đại Hồ Chí Minh, cùng với đề đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ, nghệ thuật mở đầu và kết thúc chiến tranh nhân dân, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại… Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - một bài học hết sức quý giá không chỉ làm nên thắng lợi của Đại thắng Mùa xuân năm 1975 mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với phát huy nhân tố con người vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chiến tranh không chỉ là thử thách khắc nghiệt đối với mỗi cộng đồng dân tộc mà đối với mỗi con người, thử thách còn khắc nghiệt gấp bội phần, vì mỗi người đều phải trực tiếp giải quyết các mâu thuẫn giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa sự sống và cái chết, giữa gia đình và Tổ quốc… nảy sinh từ chính cuộc chiến tranh. Và, trong mỗi con người Việt Nam, ý thức sâu sắc về vận mệnh của đất nước, sự tồn vong của dân tộc luôn được đặt lên hết thảy. Đó cũng là lý do trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mọi người Việt Nam từ hậu phương tới tiền tuyến đều nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình, đặt sang một bên quyền lợi riêng, lấy lợi ích và quyền dân tộc làm mục đích sống, phương châm chiến đấu!

Ở miền Nam, ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, Mỹ và tay sai đã tỏ rõ ý đồ không thực hiện Hiệp định, không thực hiện hiệp thương và tổng tuyển cử tự do, đồng thời ra sức củng cố quyền lực, triển khai chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” để dìm phong trào cách mạng vào trong biển máu. Với tinh thần bất khuất, kiên cường, cán bộ và đồng bào miền Nam đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, từng bước khôi phục, phát triển lực lượng, dấy lên phong trào Ðồng khởi, đẩy chính quyền tay sai vào thế lúng túng. Chính vì thế, đế quốc Mỹ phải đưa quân viễn chinh vào Việt Nam. Hàng triệu quân Mỹ và tay sai, hàng triệu tấn bom đạn được sử dụng, những loại vũ khí hiện đại nhất được huy động, các thủ đoạn chiến tranh thâm độc, tàn bạo nhất được tiến hành, sức mạnh kinh tế được huy động để tạo ra cuộc sống “phồn vinh giả tạo” nhằm mê hoặc đồng bào ở vùng tạm chiếm… nhưng đã không thể khuất phục, không thể lung lạc ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam.

Ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị tiền đề để cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quan điểm “người trước súng sau”, “vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn là con người vác súng”“Dù có bao khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững, quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì súng cũng bỏ đi[1] của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một vấn đề có tính nguyên tắc là: đối với chiến tranh giải phóng, vũ khí là quan trọng, những yếu tố con người luôn phải đặt lên hàng đầu và con người Việt Nam yêu nước -  một trong các yếu tố cơ bản quyết định sự thành bại của cách mạng. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của con người trong sự nghiệp cách mạng vào hoàn cảnh lịch sử, cụ thể cách mạng Việt Nam. Nhất là trong hoàn cảnh của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đặc biệt là cuộc chiến đấu không cân sức giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược. Điều này phản ánh, dân tộc ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh vượt trội gấp nhiều lần về quân sự, về kinh tế nên việc phát huy nhân tố con người phải trở thành một phương châm chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ cuộc kháng chiến.

Ðồng cam, cộng khổ, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng tới miền núi, không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo đã cùng đứng trong một đội ngũ, chủ động và sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả nhất, lập nên vô vàn chiến công hiển hách, làm kẻ thù phải kinh ngạc, khiếp sợ, chịu thất bại sau khi quân và dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong cuộc chiến đấu hào hùng ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trên chiến trường. Các anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Ngọc Dương, Mai Quốc Ca, Lê Anh Xuân… trở thành tấm gương tiêu biểu cho thế hệ con người Việt Nam mới, trung thành với lý tưởng cộng sản và hiến dâng thân mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại, giải phóng Tổ quốc.

Ở miền Bắc, suốt mấy chục năm, khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã ăn vào máu thịt, thôi thúc toàn dân vừa sản xuất vừa chiến đấu. Là công nhân hay nông dân, là trí thức hay thợ thủ công, là nam giới hay phụ nữ, là người cao tuổi hay là học sinh đang học tập dưới mái trường XHCN… mọi người đều nhận thức cụ thể, nghiêm túc về trách nhiệm và nghĩa vụ. Các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Ruộng đất là chiến trường, nhà nông là chiến sĩ” đã trở thành biểu tượng cho ý chí của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dù đời sống vật chất còn rất nhiều thiếu thốn, nhưng từ nhà máy, công trường tới ruộng đồng, mọi người đều cố gắng thi đua lập thành tích trong sản xuất để chi viện miền Nam. Cũng từ miền Bắc, hàng vạn, hàng vạn thanh niên ưu tú được giáo dục, đào tạo theo phương châm “vừa hồng, vừa chuyên” đã tiếp bước cha anh lên đường vào chiến trường, như câu thơ Tố Hữu từng viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, miền Bắc trở thành chiến trường ác liệt. Dưới mưa bom bão đạn, nhân dân miền Bắc vẫn sản xuất và chiến đấu nêu cao khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Vì miền Nam ruột thịt, miền Bắc làm việc bằng hai”. Với ý chí và nghị lực ấy, quân và dân miền Bắc vừa làm nên những “cánh đồng năm tấn” vừa bắn rơi hàng nghìn máy bay của không quân Mỹ, bắt sống hàng trăm giặc lái, làm nên những kỳ tích mà trận “Ðiện Biên Phủ trên không” là ví dụ điển hình cho nghị lực, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Bắc.

Con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là con người của truyền thống văn hóa Việt Nam, con người của lòng yêu nước và ý thức tự hào, tự tôn dân tộc. Lòng yêu nước và ý thức tự hào, tự tôn dân tộc đã trở thành một bộ phận cấu thành “cốt cách” dân tộc Việt Nam - đã được chứng minh suốt chiều dài lịch sử. Từ thuở Hùng Vương dựng nước, mỗi khi độc lập dân tộc bị xâm lăng, danh dự dân tộc bị xúc phạm cũng là lúc cả dân tộc Việt Nam sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, muôn người như một, vượt qua mọi khó khăn để làm nên những chiến công lẫy lừng từ Bạch Ðằng, Chi Lăng, Ðống Ða… tới Ðiện Biên Phủ đến Mùa xuân Đại thắng năm 1975. Con người dưới thời đại Hồ Chí Minh, dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng được tiếp thêm sinh lực từ lý tưởng tiên tiến của thời đại, truyền thống yêu nước của dân tộc đã được nâng lên một tầm cao mới, các phẩm chất cao quý của văn hóa, con người Việt Nam được kết tinh và phát huy đến mức cao nhất, trở thành động lực tinh thần của toàn dân, toàn quân cùng Ðảng và Bác Hồ vượt qua mọi gian khổ, đưa sự nghiệp giải phóng Tổ quốc đến đích thắng lợi cuối cùng. Vì vậy, khẳng định vai trò quyết định trực tiếp của yếu tố con người trong thắng lợi vĩ đại của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ IV của Ðảng khẳng định: “Ðó là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường và bền bỉ, anh dũng và thông minh, của nhân dân và quân đội cả nước, đặc biệt là các đảng bộ miền Nam, các cán bộ và chiến sĩ công tác ở miền Nam và hàng chục triệu đồng bào yêu nước đã chiến đấu trên tuyến đầu Tổ quốc đã nêu cao tấm gương kiên cường, bất khuất hơn ba mươi năm dưới ách quân xâm lược.

Ðó là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thắng lợi của đồng bào miền Bắc vừa tự xây dựng, vừa chiến đấu để bảo vệ căn cứ địa chung của cả nước, đồng thời động viên ngày càng nhiều sức người, sức của để đánh Mỹ, cứu nước ở miền Nam, một lòng một dạ vì miền nam ruột thịt”[2].

Chiến tranh đã lùi xa 39 năm, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, song ký ức về một thời Hoa -Lửa của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn không thể phai mờ. Ðối với thế hệ hôm nay, mỗi lần viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Ðường 9, tới Ðền thờ liệt sĩ Bến Dược, thăm Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi… đều cảm nhận được những gì cha anh đã trải qua, hiểu đất nước có ngày hôm nay là nhờ công lao và tinh thần hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố mà nền tảng là đường lối cách mạng của Ðảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ chủ nghĩa yêu nước, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, truyền thống và hiện đại, lấy sức mạnh tinh thần làm nền tảng để xây dựng sức mạnh mọi mặt, từ sức mạnh tinh thần khơi dậy ý chí chiến đấu, tập hợp và huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc, từ đó khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy mọi nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng. Ðó là một trong những bài học quý báu trong tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Ðảng ta, bài học đó vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với hôm nay, khi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo đà vững chắc để dân tộc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH đất nước. Thời cơ và thách thức trước mắt đang đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân vươn lên vừa khẳng định bản lĩnh trí tuệ Việt Nam giai đoạn cách mạng mới vừa để xứng đáng với thế hệ đi trước, đưa được sự nghiệp cách mạng mà thế hệ đi trước để lại đến bến bờ vinh quang!


Phạm Thị Nhung

Trường sĩ quan Lục quân 2

-----------------------

[1] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb CTQG, H.1993, tr.357-358.

[2] Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 37, Nxb CTQG, H.2004, tr.852.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất