Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Với phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, “giám sát là tiền đề của kiểm tra, để chủ động phòng ngừa vi phạm xảy ra. Cùng với việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát kịp thời, phù hợp, rõ ràng về địa chỉ, nội dung, Tỉnh uỷ chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tham mưu cho cấp ủy, đồng thời hướng dẫn cho cấp ủy và uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm, toàn khóa, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo.
Kết quả, uỷ ban kiểm tra các cấp của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc luôn hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đã đề ra. Từ năm 2010 đến tháng 6-2014, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.057 đảng viên và 371 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó: Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra 46 đảng viên, 15 tổ chức; Uỷ ban kiểm tra các huyện, thành, thị ủy kiểm tra 330 đảng viên, 142 tổ chức; Uỷ ban kiểm tra đảng ủy cơ sở kiểm tra 681 đảng viên, 214 tổ chức. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với 2.427 tổ chức đảng...
Đã giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 19 trường hợp. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giải quyết 1 trường hợp; Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giải quyết 4 trường hợp; ban thường vụ huyện ủy và tương đương giải quyết 6 trường hợp; uỷ ban kiểm tra huyện ủy và tương đương giải quyết 7 trường hợp; đảng ủy cơ sở giải quyết 1 trường hợp. Thi hành kỷ luật 616 đảng viên và 20 tổ chức đảng bằng các hình thức: Khiển trách 246 đảng viên, 15 tổ chức; cảnh cáo 207 đảng viên, 5 tổ chức; cách chức 39 đảng viên; khai trừ 124 đảng viên. Kiểm tra việc thu, nộp quản lý và sử dụng đảng phí đối với 2.984 tổ chức đảng. Trong đó, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra 92 tổ chức; uỷ ban kiểm tra huyện ủy và tương đương kiểm tra 496 tổ chức; uỷ ban kiểm tra đảng ủy cơ sở kiểm tra 2.396 tổ chức.
Giám sát đối với 6.299 đảng viên, 2.209 tổ chức. Trong đó, cấp tỉnh giám sát 443 đảng viên, 107 tổ chức; cấp huyện giám sát 2.321 đảng viên, 765 tổ chức; cấp cơ sở giám sát 3.535 đảng viên, 1.337 tổ chức. Công tác giám sát đã góp phần nắm bắt và giải quyết kịp thời những diễn biến tư tưởng nảy sinh trong cán bộ, đảng viên; giúp tổ chức đảng và đảng viên phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị…
Sự nỗ lực và những kết quả đạt được của uỷ ban kiểm tra các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Từ năm 2010 đến 2013, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc liên tục là một trong những đơn vị dẫn đầu khối thi đua được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tặng cờ vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác thi đua. Đặc biệt năm 2013, kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Ngành, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã vinh dự được được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo cấp ủy và uỷ ban kiểm tra cấp dưới quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Hướng dẫn số 10-HD/UBKTTW, ngày 4-9-2014 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ hai, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong các tổ chức đảng. Kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Đảng bộ tỉnh trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước về tư tưởng chính trị; nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; kinh tế, tài chính; công tác tổ chức cán bộ; việc lãnh đạo và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quy chế dân chủ…
Thứ ba, phối hợp với các ban tham mưu của Đảng giúp cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh chuẩn bị tốt nhân sự cấp ủy khóa mới và nhân sự đại biểu đi dự đại hội cấp trên, đảm bảo cấp ủy khóa mới gồm những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực thực hiện thắng lợi toàn diện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình đã đề ra.
Thứ tư, chỉ đạo cấp ủy cấp dưới và uỷ ban kiểm tra cấp dưới tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm để chỉ đạo thẩm tra, xác minh, kết luận, giải quyết triệt để trước khi tiến hành đại hội…
Thứ năm, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nguyễn Văn Thời
Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc