Đảng lãnh đạo đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một quá trình tất yếu để chuyển một nền nông nghiệp lạc hậu thành một nền nông nghiệp hiện đại. Trên thế giới, quá trình này diễn ra và đã thành công ở nhiều nước. Mấy thập kỷ gần đây, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở những nước công nghiệp mới (NICs) cũng được luận bàn, khái quát thành kinh nghiệm và mô hình hấp dẫn.
Bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, mạnh mún, lạc hậu. Bởi vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân ta, cả trước mắt cũng như lâu dài, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, làm cơ sở để ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố liên minh công nông, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Không thể đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong khi chưa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Và đây cũng là khát vọng chính đáng của đông đảo đồng bào ở nông thôn và của cả dân tộc ta. 
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà  nước, được hình thành và phát triển khá sớm trong quá trình đổi mới. Hội nghị Trung ương 7 (khóa VII) đã đưa ra những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa. Tiếp đến Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã xác định: “Đặc biệt chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng khóa IX đã xác định cụ thể hơn về nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) đã ra nghị quyết về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 – 2010.
Nhằm tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, Đại hội X của Đảng (4-2006) nêu rõ: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao”.
Mới đây nhất, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 05-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được coi như “luồng gió mới” cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết nêu rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng”.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã thể chế hóa thành cơ chế, chính sách đã và đang được vận hành vào thực tiễn. Các địa phương cũng đã tích cực triển khai thực hiện, bước đầu đã thu được một số kết quả.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang đứng trước nhiều thử thách lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu hơn. Mặt khác, về mặt lý luận cũng còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, nhất là về nội dung, mô hình, bước đi, tổ chức thực hiện ở cả Trung ương và địa phương.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn không đơn thuần là những vấn đề kinh tế, kỹ thuật mà còn là những vấn đề xã hội nảy sinh khi thực hiện mặt kinh tế của công nghiệp hóa, hiện đại hóa (chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn) và có tác động trực tiếp đến nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng, phát triển con người (trước hết và đông đảo là cư dân nông thôn, người nông dân).
Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra động lực mới để đưa kinh tế nông thôn phát triển lên một giai đoạn cao hơn và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hiện nay. Vì  vậy, việc Đảng lãnh đạo đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện  đại hóa nông nghiệp, nông thôn là vấn đề thời sự, cấp bách, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Quá trình Đảng lãnh đạo đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần chú ý những vấn đề sau:
Một là, Đảng lãnh đạo xây dựng quy hoạch tổng thể đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với chiến lược phát triển của đất nước. Ra các nghị quyết về phát triển các ngành, các lĩnh vực, các vùng, các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc trong nông nghiệp, nông thôn; xác định những vấn đề trọng điểm cần tập trung thực hiện trong mỗi giai đoạn.
Hai là, Đảng lãnh đạo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cân đối giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ sở kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển y tế, giáo dục, xây dựng môi trường thuận lợi tạo tiền đề thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển nông thôn. Xác định những vùng trọng tâm, trọng điểm.
Ba là, lãnh đạo khai thác nguồn lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát huy nội lực của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, lãnh đạo Nhà nước cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng thành chiến lược, chương trình, kế hoạch của Nhà nước về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong từng giai đoạn và hằng năm để xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn.
Năm là, .lãnh đạo các ban, ngành đẩy nhanh các hoạt động thực hiện nghị quyết của Trung ương về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội ở địa bàn nông thôn.
Sáu là, lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp, các ngành tích cực, chủ động, sáng tạo trong quán triệt nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước; xây dựng nghị quyết và tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết của cấp mình; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở trong đẩy nhanh công nghiêp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.   

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất