Cùng với đổi mới toàn diện đất nước, việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ luôn được Đảng ta xác định là vấn đề then chốt và xuyên suốt. Quán triệt tinh thần đó, để nhanh chóng khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém trong Đảng, không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Đảng nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật trước những vấn đề hạn chế, yếu kém trong Đảng và quyết tâm chính trị trong giải quyết những vấn đề bức thiết của công tác xây dựng đảng hiện nay.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, để tạo chuyển biến thực sự, rõ nét về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng hiện nay, trước hết vấn đề tự phê bình, phê bình trong Đảng phải thực là khâu mấu chốt, đột phá, quan trọng hàng đầu trong các giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, tự phê bình, phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên là giải pháp vừa cơ bản vừa cấp thiết, đồng thời là khâu mấu chốt nhất. Thông qua sự gương mẫu tự phê bình, phê bình của cấp trên, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên sẽ tự giác kiểm điểm và từ đó những hạn chế, yếu kém sẽ được phát hiện và tìm ra những biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Để tự phê bình, phê bình trong Đảng thực sự đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi toàn Đảng, cũng như mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải tự giác quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về quan điểm, chủ trương của Nghị quyết. Quyết tâm đưa tự phê bình và phê bình thực sự trở thành một phong trào sinh hoạt chính trị sâu sắc, rộng khắp, được triển khai thật sự nghiêm túc, kiên quyết, triệt để. Từng cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng phải thật sự nêu cao chí khí tiến công, tinh thần dũng cảm, thái độ thẳng thắn, tình cảm chân thành, công tâm, bao dung của người cộng sản, tất cả vì sự vững mạnh trong sạch của toàn Đảng, vì sự tiến bộ trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên để tự phê bình, phê bình, tự phân tích, mổ xẻ, nói đúng, nói hết mọi ưu điểm, khuyết điểm của bản thân mình và của đồng chí mình để cùng giúp nhau phát huy tối đa những ưu điểm, gột rửa tận gốc rễ những khuyết điểm, sai lầm. Với ý nghĩa ấy, trong quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về tự phê bình và phê bình trước hết cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Về mục tiêu: Thông qua tự phê bình, phê bình phải tạo được chuyển biến thực sự rõ nét về mọi mặt trên cơ sở làm rõ những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng, của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên; củng cố lòng tin và xiết chặt mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng.
Về phương châm chỉ đạo: Mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải quán triệt sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, đồng thời giữ vững nguyên tắc và quyết tâm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan trung thực, không nể nang, né tránh, không thổi phồng ưu điểm, thành tích, không bao che, giấu giếm hạn chế, khuyết điểm. Phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng phải có trọng tâm trọng điểm, có tính khả thi, kết hợp chặt chẽ giữa “chống và xây”, “xây và chống”, tập trung tìm và giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất. Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải nêu cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị, tính tiền phong, vai trò gương mẫu của cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt ở tất cả các cấp. Phải tiến hành kiên quyết, triệt để, kiên trì, thận trọng với bước đi thích hợp và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp. Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không chủ quan, nóng vội, không để các phần tử cơ hội và kẻ địch lợi dụng kích động phá hoại, gây chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.
Về nội dung biện pháp:
Tập trung quán triệt, giáo dục tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, động cơ, thái độ, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của từng cán bộ, đảng viên trong tự phê bình, phê bình. Thực tiễn chứng minh, nhận thức luôn là cơ sở tiền đề của hành động, chỉ trên cơ sở nhận thức đúng mới có động cơ, thái độ hành động đúng và mới có trách nhiệm cao đối với mọi việc. Để tự phê bình và phê bình hiệu quả, trước hết phải tạo được chuyển biến căn bản trong nhận thức, động cơ, thái độ trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trước vấn đề có tính quy luật trong xây dựng Đảng, phải coi tự phê bình và phê bình là công việc hàng ngày của Đảng. Như vậy, để thực hiện tốt tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, trước hết đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải tổ chức tốt việc quán triệt nội dung, giáo dục nhận thức, tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình; xây dựng động cơ, thái độ, tinh thần trách nhiệm đúng đắn, nêu cao dũng khí của người cộng sản, trung thực, khách quan, thẳng thắn, chân thành, công tâm trong tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh khắc phục thái độ dĩ hòa vi quý, hữu khuynh né tránh “im lặng là vàng”, hoặc tô hồng thành tích, bao che, dấu giếm khuyết điểm và mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng trong tự phê bình, phê bình.
Phát huy tính tiền phong, vai trò gương mẫu của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong tự phê bình, phê bình. Trong hoạt động thực tiễn, tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên luôn có sức mạnh cực kỳ to lớn, là những mệnh lệnh không lời có sức thuyết phục đối với cấp dưới và trước quần chúng. Trong tự phê bình và phê bình cũng như vậy, việc cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho quần chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi cấp trên thực sự có thái độ chân thành, cầu thị trong tự phê bình và tiếp thu phê bình, dám thẳng thắn, nghiêm khắc tự phê bình bản thân, dũng cảm nói thẳng, nói thật, nói hết và tự phân tích mổ xẻ sâu sắc hết thảy những ưu điểm cũng như những hạn chế, khuyết điểm của mình thì cấp dưới mới có thể dám mạnh dạn, thẳng thắn trong đóng góp phê bình cấp trên, phê bình đồng chí đồng đội và tự phê bình bản thân. Ngược lại, tất sẽ dẫn đến tình trạng dĩ hòa vi quý, bao che, né tránh khuyết điểm, biết đúng không cần bảo vệ, biết sai không dám đấu tranh. Bởi vậy, để sinh hoạt tự phê bình, phê bình thực sự có hiệu quả thiết thực, phải tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới, cấp trên gương mẫu làm trước, cấp dưới làm sau, cán bộ làm trước, đảng viên, quần chúng làm sau. Cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới về sự trung thực, dũng cảm, thẳng thắn, có gan thừa nhận khuyết điểm, đồng thời phải khiêm tốn tiếp thu mọi ý kiến phê bình với thái độ thực sự chân thành, cầu thị, không trù dập người phê bình và phải có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, ân cần chỉ bảo cấp dưới khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để cùng tiến bộ.
Tự phê bình, phê bình phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, mặt yếu. Tự phê bình, phê bình đòi hỏi phải toàn diện, tuy nhiên, cần phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu then chốt trong xây dựng Đảng đó là: chính trị - tư tưởng, tổ chức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của cấp ủy và người đứng đầu; quá trình tu dưỡng, rèn luyện cũng như việc thực hiện niệm vụ chính trị được giao của mỗi đảng viên.
Đối với tổ chức đảng, tự phê bình và phê bình cần tập trung trọng tâm, trọng điểm vào việc củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của các cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp; tinh thần đoàn kết, năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; việc duy trì thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; vấn đề tự phê bình, phê bình; việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ chủ trì, chủ chốt, của cấp ủy viên, đảng viên...
Tập trung trọng điểm vào các lĩnh vực nhạy cảm như: thực hiện dân chủ; quản lý tư tưởng nội bộ; tuyển dụng; công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; công tác chiêu sinh, tuyển sinh, đào tạo; công tác tài chính, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ bản, chính sách, thi đua khen thưởng; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình đào đạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học; tu dưỡng rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tư cách nhà giáo, nhà quản lý... Trong từng vấn đề cần làm rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, quy rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân các cấp ủy viên, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp đối với từng lĩnh vực; nhất là việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và năng lực giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
Mở rộng dân chủ nội bộ, có cơ chế, chính sách bảo vệ và khuyến khích quần chúng, cán bộ, đảng viên trung thực, dũng cảm, dám nói thẳng, nói thật, nói hết trong tự phê bình, phê bình. Đây là cơ sở, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho tự phê bình, phê bình đạt hiệu quả. Tự phê bình, phê bình chỉ được tiến hành thực sự hiệu quả khi đề cao và mở rộng dân chủ, đồng thời có chính sách bảo vệ và khuyến khích quần chúng, cán bộ, đảng viên dũng cảm tự phê bình, phê bình. Khi dân chủ nội bộ không được phát huy, những người thẳng thắn, trung thực, dũng cảm trong phê bình bị ức hiếp, trù dập thì hoạt động tự phê bình, phê bình dù có tiến hành cũng chỉ là hình thức, không đem lại hiệu quả trên thực tế, không thể tạo nên chuyển biến tích cực như mong muốn. Để tự phê bình, phê bình đạt hiệu quả như mong muốn cần phải đảm bảo cho mọi quần chúng, cán bộ, đảng viên có cơ hội tham gia, đóng góp ý kiến phê bình. Đồng thời, phải có cơ chế bảo vệ và chính sách động viên, khuyến khích quần chúng, cán bộ, đảng viên dũng cảm, trung thực dám nói thẳng, nói thật, nói hết trong phê bình góp ý cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Cần phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi lợi dụng phê bình để xuyên tạc, vu khống, đả kích nói xấu cán bộ, cũng như các hành vi trù dập, ứu hiếp quần chúng, cán bộ, đảng viên dũng cảm, trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh phê bình với những hiện tượng sai trái trong đơn vị.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tự phê bình, phê bình chặt chẽ, coi trọng sơ tổng kết, rút kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng cũng như cá nhân từng cán bộ, đảng viên cần phải nghiêm túc quán triệt nắm vững tinh thần cơ bản của Nghị quyết và cụ thể hóa trong kế hoạch sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình. Kế hoạch tự phê bình và phê bình phải hết sức cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết, xác định rõ những nội dung cần tập trung, phương pháp tiến hành, mục tiêu đạt đến, đồng thời phải xác định rõ quy trình tổ chức, có bước đi phù hợp để tự phê bình, phê bình mang lại hiệu quả thiết thực. Phải trên cơ sở thực tiễn tình hình đơn vị để xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm cần tập trung để tạo nên chuyển biến thực sự sau khi sinh hoạt tự phê bình, phê bình. Tránh tình trạng kế hoạch chung chung, hình thức, xa rời thực tiễn đơn vị. Sau khi kế hoạch được phê duyệt các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt phải nêu cao vai trò trách nhiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện; phải phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy viên trong triển khai thực hiện kế hoạch. Quá trình thực hiện kế hoạch phải nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp, của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát,đồng thời phải thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa được để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn để bảo đảm cho tự phê bình, phê bình thực sự đi vào chiều sâu, có nền nếp và đạt được mục tiêu đề ra. Đối với những trường hợp nhạy cảm hoặc cán bộ có khuyết điểm cần phải có chỉ đạo, gợi ý để tự phê bình, phê bình thì các cấp cần phải tiến hành chặt chẽ, kết hợp cả công tác tư tưởng và công tác tổ chức, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để tự phê bình, phê bình góp ý chính xác đúng người, đúng việc.
Đại tá, PGS,TS Phạm Xuân Mát
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng