Đồng chí Lê Đức Thọ với công tác xây dựng đảng

Đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 ở vùng ngoại ô thành phố Nam Định, trong một gia đình nhà nho, mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và đấu tranh cách mạng. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã hoà mình vào các hoạt động của học sinh ở địa phương (tham gia biểu tình, bãi khoá, đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh...). Với sự phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi, năm 18 tuổi, đồng chí Lê Đức Thọ vinh dự được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (10-1929). Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, đánh dấu sự chuyển biến từ một thanh niên yêu nước thành một chiến sĩ cộng sản.

Sau những hoạt động cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ ở địa phương, ngày 7-11-1930, đồng chí Lê Đức Thọ bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tù chung thân. Tuy nhiên, xiềng xích và gông sắt của nhà tù không lay chuyển được ý chí người cộng sản kiên cường. Đồng chí kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Toà Thượng thẩm thực dân phải giảm mức án xuống 10 năm khổ sai. Năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Bí thư chi bộ. Năm 1936, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân trong nước và phong trào Bình dân ở Pháp, thực dân ở Đông Dương đã trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về Nam Định, đồng chí tiếp tục bắt liên lạc với Đảng và xây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định; cùng một số đảng viên tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin; cùng tập thể cấp ủy Nam Định khéo léo lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đòi dân sinh, dân chủ, v.v...

Năm 1939, biết rõ đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt và khép tội “phần tử nguy hiểm cho an ninh”, kết án 5 năm tù đưa đi giam giữ ở Hà Nội, Sơn La và Hoà Bình. Trong lao tù của thực dân, bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết cách mạng, không khai báo hoạt động của Đảng. Năm 1944 ra tù, đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương Đảng cử về hoạt động ở ATK, phụ trách công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho ATK. Bằng kinh nghiệm hoạt động của mình, tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9-3-1945, đồng chí Lê Đức Thọ tích cực góp phần đề ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí đã cùng với các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng có công lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, xây dựng Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo đảm giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, v.v...

Năm 1948, được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Nam tham gia trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ, giữ chức Phó bí thư Xứ uỷ Nam bộ, đồng chí Lê Đức Thọ ngày càng có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng đảng.

Trên đường từ Bắc vào Nam, trước khi tới Đồng Tháp Mười - căn cứ của Xứ uỷ Nam bộ, đồng chí Lê Đức Thọ có những buổi làm việc với một số tỉnh uỷ, khu uỷ. Sau khi nghe báo cáo tình hình các mặt, bao giờ đồng chí cũng căn dặn: “Phải xây dựng, củng cố Đảng trong lực lượng vũ trang, trong công an, trong vùng bị địch tạm chiếm, phát triển Đảng phải luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng, phải dìu dắt đảng viên mới trong công tác thực tế, phải mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho họ. Phải luôn chăm lo củng cố chi bộ. Thực hiện phê bình và tự phê bình, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, đề phòng bọn địch chui vào Đảng, phá hoại Đảng từ bên trong”(1).

Khi tới Xứ uỷ Nam bộ, đồng chí bắt tay ngay vào nhiệm vụ được giao. Công việc đầu tiên là cùng với Thường vụ Xứ uỷ(2) rà soát lại cán bộ các cấp uỷ đảng ở các khu uỷ, tỉnh uỷ, đặc khu uỷ. Đây là việc làm hết sức quan trọng. Bởi cấp uỷ đảng các cấp là đầu não của phong trào cách mạng ở địa phương. Đầu não có trong sạch, vững mạnh thì phong trào địa phương mới vững mạnh. Qua việc rà soát này, đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị với Thường vụ Xứ uỷ một số biện pháp khẩn cấp nhằm chấn chỉnh, kiện toàn ngay một số cấp uỷ thuộc Xứ ủy. Quyết sách này đã mang lại những kết quả tích cực, qua đó nhanh chóng khắc phục được một số tồn tại, khuyết điểm ở một số cấp uỷ địa phương. Nhờ đó, các tổ chức đảng từ Xứ uỷ Nam bộ tới cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Số lượng, chất lượng đảng viên có sự chuyển biến rõ rệt, thực hiện được vai trò tiên phong trong việc thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng.

Năm 1958, đồng chí Lê Đức Thọ từ chiến trường miền Nam ra Bắc, được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức của Đảng. Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình công tác tổ chức, khẳng định những thành tựu, rút kinh nghiệm những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị nêu lên chủ trương chuyển hướng công tác tổ chức và công tác cán bộ theo yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới, phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà, tăng cường giáo dục về CNXH cho cán bộ, đảng viên, điều động, bố trí lại cán bộ, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới, nhất là về xây dựng và phát triển kinh tế... Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ thời kỳ mới, qua đó nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Sau thành công này, đồng chí Lê Đức Thọ trực tiếp chỉ đạo cán bộ trong Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị Dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày Báo cáo về xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Báo cáo khẳng định những thành tựu to lớn về xây dựng Đảng, phân tích sâu sắc những khuyết điểm trong xây dựng Đảng; tổng kết thực tiễn chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, những vấn đề về phê bình và tự phê bình, đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhân dân, v.v... Báo cáo nhấn mạnh: Trước tình hình mới, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Đảng là phải ra sức củng cố Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức, giữ vững và nâng cao hơn nữa tính chất giai cấp và tính chất tiên phong của Đảng để nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho Đảng có khả năng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo, quản lý kinh tế và văn hoá, xây dựng thắng lợi CNXH ở miền Bắc và làm tròn nghĩa vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Về mặt lý luận, đồng chí Lê Đức Thọ cũng có nhiều bài viết về công tác xây dựng đảng. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960), trên Tạp chí Học tập, đồng chí viết Những bài học chủ yếu về xây dựng Đảng, chỉ ra 5 bài học: 1- Gắn chặt công tác xây dựng đảng về tư tưởng và tổ chức với nhiệm vụ chính trị của Đảng; 2- Lấy việc xây dựng về tư tưởng làm chủ yếu trong công tác xây dựng đảng; 3- Giữ vững nguyên tắc tổ chức trong sinh hoạt nội bộ của Đảng; 4- Nắm vững tính chất Đảng trong việc phát triển và củng cố đội ngũ của Đảng; 5- Đi đường lối quần chúng trong tác phong lãnh đạo của Đảng. Tiếp đó, năm 1962, với bài Chuyển mạnh công tác tổ chức, nâng trình độ tổ chức lên kịp trình độ chính trị đăng trên Tạp chí Cộng sản, đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta cần làm cho toàn Đảng có ý thức làm công tác tổ chức của Đảng. Bản thân công tác tổ chức của Đảng là công tác quần chúng. Nó chỉ có thể được tiến hành thuận lợi khi nào thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên tích cực tham gia xây dựng Đảng. Công tác tổ chức của Đảng hiện nay còn bó hẹp trong một số ít người, một số ít cơ quan, chưa biến thành công tác của toàn Đảng, chúng ta phải thực hiện được khẩu hiệu toàn Đảng làm công tác tổ chức của Đảng. Và muốn như vậy, thì điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về Đảng cho mỗi cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người hiểu rõ những điều cơ bản về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, do đó mà có thể phát huy được tinh thần chủ động của cán bộ, đảng viên đóng góp vào công tác tổ chức của Đảng...”.

Sau Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục đảm trách nhiệm vụ chỉ đạo công tác nghiên cứu, tập hợp, biên soạn dự thảo các Văn kiện của Đảng tại các Đại hội IV, V và VI. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên CNXH. Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (1982), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ trình bày Báo cáo về xây dựng Đảng, khẳng định công tác xây dựng đảng có vị trí đặc biệt quan trọng và chỉ rõ nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng đảng là tiếp tục nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, làm cho Đảng ta luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, một Đảng thật sự trong sạch, có sức chiến đấu cao, gắn bó chặt với quần chúng... Đồng chí nêu rõ: Trong 5 năm tới phải đổi mới và tạo ra chuyển biến sâu sắc, căn bản về công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng theo các yêu cầu:

Một là, bảo đảm thấu suốt đường lối nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức về mọi mặt  kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, nhất là về kinh tế.

Hai là, cải tiến sự lãnh đạo của Đảng gắn với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và việc tinh giản bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Ba là, củng cố cho được cơ sở đảng gắniền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng huyện, quận, xã, phường…; xây dựng các tổ chức sản xuất kinh doanh, các đơn vị chiến đấu và phát động các phong trào quần chúng. Nâng cao sức chiến đấu của các cơ sở đảng, phát triển và củng cố đội ngũ của Đảng, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hoá, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Bốn là, theo quy hoạch, tiến hành đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đúng cán bộ và bảo đảm tính kế thừa trong việc xây dựng đội ngũ cốt cán, ra sức xây dựng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự vững vàng của Đảng trong mọi tình thế.

Năm là, giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng, thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến hành phê bình và tự phê bình thường xuyên trong sinh hoạt đảng.

Có thể nói, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc(3). Cùng với những lĩnh vực khác (quân sự, ngoại giao...), những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với công tác xây dựng đảng có ý nghĩa to lớn, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm mà đồng chí để lại, luôn được các thế hệ cán bộ làm công tác xây dựng đảng kế thừa, phát huy.

Lê Văn Phong

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

--------------

(1) Nhớ về anh Lê Đức Thọ, NXBCTQG, H.2000, tr.129. (2) Lúc này, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ uỷ Nam bộ. (3) Với những đóng góp to lớn của mình, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Nhà nước Căm-pu-chia tặng Huân chương Ăng-co. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí Lê Đức Thọ được Đại hội long trọng tuyên dương công trạng. 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất