Đồng chí Nguyễn Văn Cừ với tác phẩm “Tự chỉ trích” và báo Dân Chúng của Đảng
Chân dung Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Vũ khí lý luận của Đảng ta những năm 1936-1938
        
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tại Hội nghị này đồng chí đưa vấn đề lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Dân chủ), coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta trong giai đoạn mới.

Trung ương Đảng ta đề ra chủ trương Mặt trận Dân chủ có nhiệm vụ: Liên hiệp các tầng lớp nhân dân và lực lượng cải cách dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc… để chống phản động thuộc địa, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo, hoà bình. Trung ương Đảng hoàn toàn tán thành chủ trương này và tích cực thực hiện, đưa phong trào đấu tranh quần chúng tiến thêm một bước trong 2 năm 1938-1939, là những thời gian Đảng ta chớp thời cơ để củng cố các cơ sở cách mạng.


Những chủ trương sáng tạo nói trên được phân tích và phát triển trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường. Tác phẩm viết vào tháng 7-1939. “Tự chỉ trích” là tác phẩm phê bình sâu sắc của Trung ương Đảng về sự lãnh đạo của mình trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, có tác dụng to lớn thúc đẩy sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939) quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược “Bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”, bước vào giai đoạn đấu tranh quyết liệt những năm tháng sau đó.

Những quan điểm, lời tâm huyết về “Tự phê bình và phê bình” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong “Tự chỉ trích” đến nay vẫn còn tính thời sự sâu sắc, cần được vận dụng trong tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết: “…Người Bôn-sê-vích chân chính phải biết trọng uy tín của Đảng, coi đó là cốt yếu, luôn làm cho nó tăng gia… Người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình”. Đồng chí đã trình bày những nguyên tắc cơ bản về tự phê bình của Đảng, đồng thời vạch rõ những chính sách mặt trận của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, qua đó đấu tranh chống những nhận thức, tư tưởng sai trái để giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí của Đảng; đồng chí viết “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa chữa, chống những xu hướng thoạt đầu thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”.
          
Trong xây dựng Đảng, theo những nguyên tắc ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho rằng “Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bôn-sê-vích, nghĩa là huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng, dù cho đúng , đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”.
         
Và đồng chí khẳng định: Sự chỉ trích của người cách mạng phải là để tìm tòi những lỗi lầm của mình, nghiên cứu phương pháp để sửa đổi, để tiến lên và “phải đứng về lợi ích công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi hơn”. Về vấn đề phê bình lẫn nhau Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích miễn là sự thảo luận luôn theo tinh thần Bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng…
 
Hoạt động báo chí là vũ khí đấu tranh công khai tại Sài Gòn
       
Một hoạt động khác trong chỉ đạo phong trào cách mạng tại Sài Gòn- nơi Trung ương Đảng ta chọn là nơi đứng chân để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước những năm 1936-1940 - đó là tờ báo xuất bản công khai của Đảng trong thời kỳ này.

Những năm 1936-1938 khi phong trào dân chủ tại Sài Gòn có nhiều ảnh hưởng trong cả vùng Nam bộ, tờ báo “Dân Chúng” của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra đời và đặt trụ sở tại số 43 đường Hamelin, nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận I, TP. Hồ Chí Minh.   
       
Năm 1938, hòa trong phong trào Mặt trận Bình dân Đông Dương, sau khi ở Pháp Đảng Cộng sản Pháp thắng thế trên diễn đàn, thì báo Dân Chúng của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời vào năm 1938, tại nơi mà Trung ương Đảng đang đứng chân, tức TP. Sài Gòn. Chủ trương của Đảng ta lúc này là tạm thời gác khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc Pháp” và “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, thay vào đó là khẩu hiệu: “Tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình”, để phù hợp với tình hình lúc bấy giờ.
       
Phương pháp đấu tranh lúc này của Đảng ta là kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, bán hợp pháp với đấu tranh bí mật tại ngay các thành phố lớn. Tại Pháp, phong trào Mặt trận Bình dân do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt đang có thế mạnh để phát triển ra cả các thuộc địa Pháp, do đó những năm này, chính sách của Pháp đối với thuộc địa có sự thay đổi. Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhân cơ hội này, cho ra một số cơ quan ngôn luận để qua đó tuyên truyền cho đường lối cách mạng của Đảng. Vào những năm này, Trung ương Đảng mà trực tiếp là đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đã có mặt ở Sài Gòn, để chỉ đạo trực tiếp và cho ra báo Dân Chúng với thành phần Ban Biên tập là các đồng chí trí thức có tầm am hiểu sâu rộng trong Đảng ta tại địa bàn Sài Gòn, như: Trần Văn Kiết, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Kỉnh, Bùi Văn Thủ, Hoàng Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Trấn… Tại số nhà 43 đường Hamelin mà báo Dân Chúng lấy làm văn phòng, đồng thời cũng là trụ sở của báo Le Peuple - một tờ báo tranh đấu công khai của Đảng ta bằng tiếng Pháp.
        
Là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chủ trương phất cao ngọn cờ Mặt trận Dân chủ Đông Dương với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phát triển mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu để thu hút quần chúng và đẩy mạnh các phong trào đấu tranh. Cuộc đấu tranh về lý luận, tư tưởng chống xu hướng cải lương, tờ rốtkít cũng trở nên quyết liệt hơn. Và để có phương tiện đăng tải những bài về đường lối và lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới của cách mạng, Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã quyết định xuất bản công khai tờ báo Dân chúng, Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương - xuất bản ở ngay trung tâm Sài Gòn.
         
Là người chỉ đạo và trực tiếp viết bài, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp viết một số bài có tính chất định hướng lớn các nhiệm vụ của Đảng thời kỳ này đăng trên báo Dân Chúng.  Số đầu tiên báo Dân Chúng ra vào ngày 22-7-1938, số đầu báo ra không có giấy phép của nhà cầm quyền, nhưng báo của Đảng ra công khai giữa Sài Gòn được nhân dân đón đọc. Sau một năm họat động, báo Dân Chúng đã dùng những bài viết đầy tính chiến đấu để đả kích vào chính sách cai trị của bọn đế quốc, thực dân Pháp gây nên những chết chóc, khổ cực cho nhân dân các nước thuộc địa. Qua một năm, báo Dân Chúng đã tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Đảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít; đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-kít; cổ vũ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ủng hộ Mặt trận Dân chủ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đặc biệt là Tây Ban Nha, Trung Quốc, ủng hộ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp…đồng thời  phê phán chính sách cai trị của bọn đế quốc, thực dân Pháp gây nên những khổ cực cho nhân dân các nước thuộc địa
         
Qua 81 số báo, Dân Chúng luôn bị mật thám thực dân Pháp đe dọa, khủng bố, truy quét gắt gao. Bốn lần phải thay đổi người quản lý, là tờ báo công khai trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, song đây là tờ báo thứ 3 của Đảng phát hành được nhiều số nhất thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Và là tờ báo vinh dự được Nguyễn Ái Quốc gửi bài đăng số báo đầu tiên mà Người viết trong cuộc vận động dân chủ ở Đông Dương. Đây cũng là tờ báo của Đảng trước năm 1945 có số lượng in cao nhất, có  nhiều bạn đọc nhất. Báo Dân Chúng là mốc son trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng ta trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Nay di tích trụ sở báo Dân Chúng hiện là căn nhà số 43 đường Hamelin – sau giải phóng mang tên đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, ngày 16-11-1988 đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (tên cũ) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
     

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất