1. Trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực, bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước, bằng sự hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng một tổ chức mạnh mẽ, đoàn kết và mối liên hệ máu thịt với nhân dân.
Hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi cho tiến trình xây dựng, phát triển đất nước ta, cũng như cho công tác xây dựng đảng. Song, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo, sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do đó, tăng cường công tác xây dựng đảng trong giai đoạn hiện nay vừa là yêu cầu bức thiết của thực tiễn tiến trình xây dựng và bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước, đồng thời là đòi hỏi cấp bách đặt ra trong quá trình phát triển và hội nhập. Tăng cường công tác xây dựng đảng được tập trung vào bảy vấn đề then chốt: “xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị; tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng, lý luận; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng”[1]. Các hoạt động tăng cường công tác xây dựng đảng được thực hiện và tiến hành trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… về cả bề rộng lẫn chiều sâu, thông qua nhiều hình thức, phương thức đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, công tác xây dựng đảng thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế: Nhận thức về tầm quan trọng của việc tăng cường công tác xây dựng đảng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu quan tâm và thiếu nhiệt huyết trong cụ thể hóa thành hành động. Công tác xây dựng đảng ở một số nơi còn nể nang, né tránh, nặng bệnh thành tích, chưa thực sự chú trọng đến nâng cao chất lượng và phát triển Đảng về chiều sâu. Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân, sự tham gia của người dân trong xây dựng Đảng.
2. Tăng cường xây dựng Đảng đòi hỏi cần tiến hành đồng bộ giữa “xây” và “chống”, đặc biệt là phòng, chống tư tưởng, hành động tiêu cực phương hại đến vai trò lãnh đạo, sự tồn vong của Đảng, lợi ích nhân dân. Đồng thời, cần hết sức tỉnh táo, khéo léo, sáng tạo trong quá trình đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tăng cường công tác xây dựng đảng, cần xác định rõ:
Việc tăng cường công tác xây dựng đảng vừa là nhu cầu tất yếu do thực tiễn đặt ra, vừa là yêu cầu tất yếu của thời cuộc nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng, chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, nhân dân ta. Tăng cường công tác xây dựng đảng chính là nhằm huy động, củng cố đại đoàn kết toàn dân, tập trung ý chí, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam trong một khối thống nhất, đồng thuận, hướng đến đạt được mục tiêu xây dựng và bảo vệ, phát triển bền vững đất nước ta trong thời kỳ hội nhập.Bảo đảm phát triển hài hòa, đồng bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…; cần chú ý đến đặc thù văn hóa của mỗi vùng, miền, địa phương, gắn với gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc.
Trong xây dựng đảng cần coi trọng bậc nhất công tác cán bộ, có các cơ chế hữu hiệu tuyển dụng, tiến cử, đề bạt nhân tài. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ và cán bộ nguồn bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ hội nhập, cán bộ phải có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, biết sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ… Kịp thời khen thưởng, động viên nhằm khuyến khích các cá nhân, tập thể hăng hái thi đua làm việc, lao động, sản xuất;
Thúc đẩy mối quan hệ tương tác, gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo, chính quyền, cấp ủy các cấp với nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, để Đảng tìm hiểu, nắm bắt ngày càng sâu sát những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó có thể đề ra những chủ trương, đường lối thiết thực hơn nữa, kịp thời đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu thực tế đặt ra. Hoạt động này có thể được diễn ra dưới nhiều hình thức, như: đặt hòm thư góp ý ở các cơ quan, công sở… để người dân đóng góp ý kiến về hoạt động của lãnh đạo và cơ quan; tăng cường công tác luân chuyển cán bộ nhằm giúp đội ngũ cán bộ sâu sát thực tiễn và hiểu dân hơn.
Tăng cường thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng đến các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, con người Việt Nam trong nhận thức lý luận và tư tưởng. Đồng thời, giúp người dân không bị lung lay, bị kích động trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bên cạnh các hình thức, phương thức tuyên truyền truyền thống, cần chú trọng sử dụng mạng In-tơ-net và các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter… để tuyên truyền tới không chỉ người dân ở trong và ngoài nước, mà còn đến bạn bè quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ và tạo ra những cơ hội hợp tác, phát triển mới, cũng chính là góp phần khẳng định hiệu quả xây dựng và củng cố Đảng.
Thúc đẩy hơn nữa phát huy dân chủ bảo đảm lợi ích, quyền lợi của người dân thông qua lắng nghe, thu thập các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân được cống hiến và hưởng thụ một cách công bằng. Cấp ủy các cấp cần quán triệt hơn trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để việc phát huy dân chủ ngày càng đi vào chiều sâu và huy động hiệu quả sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… nhằm tạo sự minh bạch, đồng thuận trong hoạt động tăng cường công tác xây dựng đảng, góp phần đẩy lùi và hạn chế tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nạn tham nhũng, lãng phí…
Cần huy động rộng khắp các nguồn lực xã hội về cả vật chất và tinh thần để tạo thành nguồn “vốn” xã hội góp phần củng cố và lan tỏa vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong xóa đói, giảm nghèo, trong xây dựng, phát triển đất nước và con người Việt Nam… Đây là cơ sở quan trọng gắn kết dân với Đảng, Đảng với dân ngày càng bền chặt, tạo hiệu quả xã hội tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động trong nhân dân.
Thu hút sự ủng hộ của đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế nhằm mở rộng tiến trình hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước ta. Từ đó, góp phần không ngừng củng cố và khẳng định vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng như nâng tầm chất lượng, hiệu quả mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo thế trận lòng dân vững chắc đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
--------------
[1] Nguồn:http://www.vietnamplus.vn/bay-van-de-then-chot-trong-cong-tac-xay-dung-dang-hien-nay/304689.vnp.
ThS. Bùi Thị Như Ngọc
Học viện Báo chí và Tuyên truyền