1. Tầm quan trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng công tác tư tưởng của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1925, để tập hợp những người theo Chủ nghĩa Mác - Lênin đang hoạt động ở Trung Quốc trong tổ chức Tâm Tâm Xã, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ngày 21-6-1926, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Người sáng lập Báo Thanh Niên nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vạch mặt bọn xâm lược và bè lũ tay sai, nêu bật yêu cầu cấp thiết phải thành lập chính đảng cộng sản ở Việt Nam.
Ngay từ buổi đầu với nhiều gian khổ, hy sinh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người đã tích cực viết bài cho các tờ báo, tạp chí của Đảng như tạp chí Đỏ, báo Tranh đấu, báo Cờ vô sản… Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4-1959, Người căn dặn: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9-1962, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy, là vũ khí sắc bén của họ”. Theo Hồ Chí Minh: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”.
Quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng. Trong thập niên đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước, tháng 10-1997, Bộ Chính trị (khoá VIII) ra Chỉ thị số 22-CT/TW “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản”. Chỉ thị xác định: “Người hoạt động báo chí, xuất bản phải theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức sâu rộng, trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ ngày một nâng cao, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước”. Để đáp được yêu cầu này, Chỉ thị nhấn mạnh: “Khẩn trương quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống trường lớp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên, chú trọng đội ngũ cốt cán, các tổng biên tập, phó tổng biên tập, giám đốc, phó giám đốc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí chủ yếu là trong nước dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục... xây dựng bộ giáo trình chuẩn để đào tạo cán bộ báo chí, xuất bản”.
Nhiệm kỳ khoá IX, tại Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương đã ra Nghị quyết số 16-NQ/TW “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền - cổ động, báo chí - xuất bản, văn hoá - văn nghệ, thông tin đối ngoại”. Ngày 1-12- 2004, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 162-TB/TW “Về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình mới”, nêu rõ: “Quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ các nhà báo về nhận thức chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Tại Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khoá X) từ 5 đến 14 -7- 2007 đã thảo luận và ra Nghị quyết “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo”.
2. Yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí
Tính đến nay (5-2015), cả nước có hơn 840 cơ quan báo chí, hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành, sống chủ yếu bằng dịch vụ nghề báo. So với năm 1986 - thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng các cơ quan báo chí, số lượng báo, đài, tạp chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần. Nhìn trên tổng thể, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí tích cực tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới. Tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống thông tin, quan điểm sai trái; chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.
Bên cạnh những thành tích, ưu điểm, hoạt động báo chí của ta thời gian qua cũng bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm mà các văn bản của Đảng, Nhà nước đã nêu ra, chậm được khắc phục, có mặt, có lúc đáng lo ngại: Một bộ phận không nhỏ người làm báo, kể cả một số cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, văn học, nghệ thuật chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. Trong nhiều trường hợp, báo chí đưa thông tin không chính xác, không đúng, thậm chí xuyên tạc lịch sử. Một số cơ quan báo chí chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đoàn thể. Chưa quan tâm đúng mức đến việc nêu gương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Sa đà khi phản ánh về các vụ án, mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội, thậm chí tiết lộ bí mật quốc gia. Làm “nóng” các vấn đề kinh tế - xã hội một cách thiếu ý thức, thậm chí vô trách nhiệm chỉ vì mục đích câu khách, bán được nhiều báo...
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những yếu kém, khuyết điểm trên, trong đó có một nguyên nhân cơ bản là do năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí bất cập, hạn chế. Một số cán bộ được điều chuyển hoặc bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan báo chí chưa được đào tạo về nghề báo, về công tác lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí. Chưa có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí. Do công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, phóng viên, nhân viên ở một số cơ quan báo chí chưa tốt. Báo chí là một nghề đặc thù, người làm báo phải có những phẩm chất cao về nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Pháp luật ta không cho phép có báo chí tư nhân, tuy nhiên, việc tuyển sinh vào các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay chưa coi trọng yêu cầu đặc thù này. Việc tuyển chọn, đào tạo sinh viên báo chí được tiến hành cũng giống như bất cứ ngành học nào khác. Ngoài hệ chính quy, hệ tại chức, còn có cả hệ mở rộng, có cả khoa đào tạo báo chí ở trường đại học dân lập. Giáo trình, tài liệu, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu báo chí còn rất mỏng, thiếu hụt rất lớn. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về báo chí không theo kịp sự phát triển sôi động, phong phú, có phần phức tạp của báo chí. Các thế lực thù địch, phản động tác động, lợi dụng báo chí và một số nhà báo không vững vàng về bản lĩnh chính trị để xâm nhập, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, trong đó có các hoạt động dưới hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, hội thảo, nghiên cứu về báo chí....
3. Một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp
Để phát huy ưu điểm, thành tích mà báo chí nước ta đã đạt được, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm và một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí:
Trước hết, cần quán triệt quan điểm phát triển báo chí nước ta trước yêu cầu mới mà Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) đã nêu ra là: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của các hoạt động báo chí”. Về nhiệm vụ, Nghị quyết khẳng định: “Nắm vững, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, văn hoá, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ”.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 mà Hội nghị BCH Trung ương 10 (khóa XI) đã cho ý kiến chỉ đạo. Quá trình thực hiện Đề án cần đặc biệt chú ý đến công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ báo chí, ưu tiên người có tài, đức; kiên quyết xử lý, thay thế những người yếu kém về tư tưởng chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Thứ ba, đối với công tác đào tạo sinh viên báo chí, các học viện, nhà trường cần thực hiện nghiêm túc, bài bản quy trình tuyển chọn chất lượng đầu vào. Ngoài số điểm đạt được theo yêu cầu tuyển sinh thì sinh viên theo học ngành báo chí cần bảo đảm một số tiêu chuẩn, điều kiện nhất định về năng khiếu báo chí, tư cách đạo đức, nhận thức về chính trị, xã hội. Trong quá trình đào tạo, cần truyền đạt, củng cố cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định về đạo đức nghề nghiệp, thực tiễn hoạt động báo chí. Mặt khác, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nghệ đào tạo, chất lượng giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất - kỹ thuật của các cơ sở đào tạo báo chí.
Thứ tư, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí. Cần xây dựng một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí (một khoa, thậm chí một trường).
Thứ năm, đổi mới công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí các cơ sở đào tạo cán bộ báo chí gắn với đổi mới phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu, nâng cao chất lượng toàn diện các học viện, nhà trường. Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần tăng cường phối hợp, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí. Cần tiến hành đồng bộ các bước: lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; xét cử cán bộ đi học; chính sách hỗ trợ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; việc bố trí, sử dụng cán bộ sau quá trình đào tạo...
Thứ sáu, tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm đào tạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên với các nước trong khu vực và các nước có nền báo chí hiện đại. Ưu tiên cho các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ làm báo, công tác quản lý cơ quan báo chí, đạo đức nghề nghiệp...
PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương