Trong những năm qua, các tỉnh ủy ở Bắc Trung bộ đã luôn coi trọng đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo công tác cán bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ của các tỉnh có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH.
Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ, theo chúng tôi, trong những năm tới, tỉnh ủy các tỉnh Bắc Trung bộ tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Công tác cán bộ là một việc hệ trọng, khó, phức tạp và nhạy cảm. Tỉnh ủy các tỉnh ở Bắc Trung bộ là cơ quan trực tiếp thực hiện vai trò lãnh đạo công tác cán bộ. Các tỉnh ủy viên và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm liên quan cần nắm vững những yêu cầu chung cũng như đặc thù trong lãnh đạo công tác cán bộ của tỉnh uỷ. Phương thức lãnh đạo công tác cán bộ của các tỉnh ủy gồm các hình thức, phương pháp chủ yếu sau:
Lãnh đạo bằng chủ trương, nghị quyết, chiến lược, quy chế, quy định về công tác cán bộ. Đây là phương thức lãnh đạo quan trọng nhất, đồng thời là phương thức lãnh đạo đặc trưng của Đảng đối với công tác cán bộ. Do vậy, tùy theo từng nội dung cần lãnh đạo, đối tượng lãnh đạo cụ thể và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong từng thời kỳ, các tỉnh ủy xây dựng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các định hướng lớn lãnh đạo công tác cán bộ. Trong đó, nêu quan điểm, tư tưởng chủ đạo, chỉ ra mục tiêu cần đạt tới, phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ. Tuy nhiên, trong tỉnh uỷ có ba cơ cấu có thẩm quyền khác nhau: ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực nên phạm vi, cách thức ra chủ trương, quyết định về công tác cán bộ của mỗi cơ cấu này có khác nhau.
Lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục tổ chức đảng, đảng viên để thực hiện nghị quyết, chủ trương về công tác cán bộ. Khơi dậy và huy động tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, hướng vào xây dựng đội ngũ cán bộ là một nội dung quan trọng, có tác dụng to lớn để các tỉnh ủy ở Bắc Trung bộ lãnh đạo công tác cán bộ, phát huy sức mạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị và các định hướng lớn của các tỉnh ủy ở Bắc Trung bộ về công tác cán bộ.
Lãnh đạo thông qua phân công, phân cấp quản lý cán bộ, phát huy vai trò quản lý nhà nước của chính quyền tỉnh; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, người đứng đầu các tổ chức trong HTCT của tỉnh. Từ việc nắm chắc công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ trong tỉnh, tỉnh uỷ chi phối và điều khiển hoạt động của chính quyền, đoàn thể theo định hướng chính trị của Đảng.
Lãnh đạo công tác cán bộ bằng công tác tổ chức, xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ. Thông qua thiết kế các cơ cấu tổ chức, tỉnh ủy lãnh đạo công tác cán bộ các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp trong tỉnh như thông qua ban cán sự đảng UBND tỉnh để lãnh đạo công tác cán bộ của UBND, thông qua ban thường vụ tỉnh đoàn, đảng đoàn mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để lãnh đạo công tác cán bộ của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; thông qua việc xây dựng các quy chế, quy định, lề lối làm việc của cán bộ để lãnh đạo công tác cán bộ. Việc xây dựng các tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo công tác cán bộ của các tỉnh ủy.
Lãnh đạo thông qua vai trò của tổ chức đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Bằng vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong cơ quan chính quyền, đoàn thể, nhất là đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền làm theo và thực hiện tốt định hướng chính trị theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát. Hoạt động kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, đặc biệt thông qua kiểm tra các cá nhân đảng viên giữ những trọng trách trong chính quyền, đoàn thể phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm cho Đảng nắm vững bộ máy nhà nước, đoàn thể chấp hành sự lãnh đạo của Đảng.
Trên cơ sở nội dung phương thức lãnh đạo công tác cán bộ nói chung, khi thực hiện sự lãnh đạo công tác cán bộ đối với từng loại tổ chức, tỉnh uỷ sẽ có hình thức, phương pháp lãnh đạo đặc thù:
Đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ diện tỉnh ủy quản lý, tỉnh ủy vừa chỉ đạo vừa trực tiếp quyết định các nội dung quản lý, thực hiện quản lý cán bộ theo phân cấp của Trung ương. Một mặt, tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đặt ra về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; mặt khác, thực hiện quản lý đội ngũ này theo chỉ đạo, quy định của Trung ương, trước hết là theo tinh thần Quyết định 67 của Bộ Chính trị.
Đối với công tác cán bộ chính quyền tỉnh, tỉnh ủy lãnh đạo thông qua đảng đoàn HĐND tỉnh và ban cán sự đảng UBND tỉnh. Đội ngũ cán bộ chính quyền trên địa bàn tỉnh có số lượng tương đối lớn, căn cứ vào nhu cầu thực tế, định biên, sự định hướng, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng đủ về số lượng, phù hợp chuyên môn được đào tạo, có kinh nghiệm thực tiễn, thích ứng với điều kiện đổi mới và hội nhập hiện nay.
Đối với công tác cán bộ thuộc trách nhiệm các huyện, thị, thành ủy trực thuộc, tỉnh ủy lãnh đạo bằng nghị quyết, chủ trương, quy chế, quy định, quyết định.
Đối với các cơ quan nội chính, các ngành có đặc thù, tỉnh ủy lãnh đạo công tác cán bộ bằng cơ chế hiệp y, hiệp quản. Hoạt động của khối nội chính và một số ngành có tính đặc thù theo sự chỉ đạo quản lý về chuyên môn và nhân sự theo hệ thống dọc từ Trung ương, tỉnh ủy cùng chịu trách nhiệm về quản lý, nhận xét cán bộ định kỳ theo quy định, có ý kiến nhận xét về cán bộ trước khi bổ nhiệm.
Đối với công tác cán bộ của cơ quan mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tỉnh ủy lãnh đạo thông qua đảng đoàn mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh (trừ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh ủy lãnh đạo thông qua ban thường vụ tỉnh đoàn).
Đối với cán bộ đảng do bầu cử. Cán bộ đảng bầu cử các cấp trên địa bàn tỉnh bao gồm cán bộ bầu cử tại cấp tỉnh, huyện, thị và tương đương; xã, phường và tương đương được bầu thông qua đại hội hoặc hội nghị. Đối với đối tượng cán bộ này, tỉnh ủy lãnh đạo bằng Điều lệ Đảng, quy chế bầu cử trong Đảng, bằng các quy định của Đảng. Cán bộ bầu cử trong nhiệm kỳ 2015-2020, việc bầu cử tại đại hội đảng các cấp thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban chấp hành Trung ương.
Đối với cán bộ chính quyền do bầu cử như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, tỉnh ủy lãnh đạo thông qua các quy định của pháp luật, các quy định của cơ quan bầu cử. Với đội ngũ cán bộ này, trên cơ sở cơ cấu và định hướng của tỉnh ủy, thực hiện bầu cử theo Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức HĐND và UBND. Các quy chế, quy định của pháp luật đối với việc bầu cử và quản lý đội ngũ cán bộ này thường xuyên được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế trong lộ trình đổi mới hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp hiện nay.
Đối với cán bộ bổ nhiệm, cán bộ bổ nhiệm các cấp trên địa bàn tỉnh bao gồm cả cán bộ trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp tỉnh. Với đội ngũ này, tỉnh ủy lãnh đạo thông qua quy chế giới thiệu cán bộ ứng cử và bổ nhiệm cán bộ.
Đối với tuyển dụng cán bộ, tỉnh ủy lãnh đạo thông qua thông báo, quy định… về tuyển dụng cán bộ đối với các cơ quan của Đảng, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, thông qua quy chế thi tuyển cán bộ.
Hai là, tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý và sử dụng cán bộ, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, các tổ chức, người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Quản lý cán bộ là một khâu rất quan trọng có quan hệ mật thiết với các khâu khác của công tác cán bộ. Quản lý tốt cán bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu khác của công tác cán bộ đạt chất lượng, hiệu quả. Ngược lại, các khâu của công tác cán bộ được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cán bộ đạt chất lượng hiệu quả, tạo nên chất lượng chung của công tác cán bộ. Vì vậy, phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ của tỉnh ủy các tỉnh ở Bắc Trung bộ phải gắn với việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý và sử dụng cán bộ, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, người đứng đầu các tổ chức của HTCT trong công tác cán bộ.
Ba là, cụ thể hóa, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình thực hiện các khâu công tác cán bộ vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy, mở rộng dân chủ; thực hiện tốt chủ trương bầu cử có số dư, mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Cụ thể hóa, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình thực hiện các khâu công tác cán bộ trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ gắn với công tác kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương lấy phiếu tín nhiệm cán bộ; bầu cử có số dư; mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là những chủ trương lớn nhằm từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ, do đó, các tỉnh ủy ở Bắc Trung bộ cần đặc biệt quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện tốt để đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ ở địa phương.
Bốn là, xây dựng ban tổ chức tỉnh ủy thực sự vững mạnh, tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với công tác cán bộ.
Việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy ban tổ chức tỉnh ủy theo hướng tinh gọn, tập trung vào việc xác định rõ lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của ban chấp hành đảng bộ tỉnh, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy; giữa lãnh đạo ban và các vị trí công tác thật sự rõ ràng, tránh quy định chung chung, dễ dẫn tới tình trạng chồng chéo, phân tán, chia cắt trong thực hiện nhiệm vụ, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động có tính liên tục và hệ thống của tổ chức bộ máy, ảnh hưởng đến phương thức lãnh đạo công tác cán bộ của tỉnh ủy các tỉnh ở Bắc Trung bộ.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, giúp đỡ của các ban, ngành Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo công tác cán bộ của các tỉnh ủy.
Thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nhất là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp, thường xuyên là hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương. Các tỉnh ủy ở Bắc Trung bộ là cấp ủy trực thuộc Trung ương, việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương là thực hiện nguyên tắc tổ chức của Đảng: Nguyên tắc tập trung dân chủ trong khâu then chốt là công tác cán bộ, lĩnh vực liên quan đến vận mệnh của cán bộ và tác động trực tiếp đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các đảng bộ tỉnh ở Bắc Trung bộ, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của HTCT dưới sự lãnh đạo của Đảng.
ThS. Võ Mạnh Sơn
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sầm Sơn, Thanh Hóa