Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Sự sa sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, thờ ơ về chính trị, thói vô cảm, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa hoa, xa rời quần chúng… đã làm giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đây là một thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn đang đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cho cán bộ, đảng viên được đặt lên hàng đầu, đi trước một bước. Các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn hệ thống chính trị coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao để thực hiện.
Trong điều kiện hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên của các cấp ủy, tổ chức đảng phải gắn với việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã xác định. Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ đảng viên, phát hiện những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ để có biện pháp xử lý kịp thời. Quan tâm giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống, tác phong cho cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đối với một số vấn đề nổi cộm trong đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, phân tích rõ đúng, sai, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn việc kiểm điểm thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật với thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Thông qua sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy phải đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống vào nghị quyết của chi bộ, thành nội dung sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng, nhất là giám sát chặt chẽ đối với cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, xây dựng cơ bản… Tập trung khắc phục những thiếu sót khuyết điểm như: một số tổ chức đảng chưa thường xuyên quan tâm tới giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Nội dung sinh hoạt đảng còn nghèo nàn, nhiều nơi trong sinh hoạt chi bộ chỉ phổ biến, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật, chưa chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, kiểm tra việc thực hiện đạo đức của cán bộ, đảng viên; chưa vận dụng, cụ thể hóa trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo. Tuyên truyền lý luận chính trị còn xơ cứng, thiếu chiều sâu, thiếu hấp dẫn. Nhiều nội dung lý luận chưa được cập nhật, chưa phù hợp với sự thay đổi của thực tế. Nội dung, phương thức giáo dục đạo đức, lối sống có mặt chưa phù hợp, truyền đạt một chiều, chưa hình thành được tinh thần tự giác thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh ở một số tổ chức đảng còn hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thường xuyên, thiếu biện pháp thiết thực, cụ thể; hiệu quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức chưa cao. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở nhiều tổ chức đảng còn thiếu chặt chẽ; xử lý cán bộ tiêu cực chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa có tác dụng “răn đe”. Về mặt tổ chức, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa xây dựng được hệ thống chuẩn mực đạo đức để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, bồi dưỡng; tổ chức đảng căn cứ vào đó để đánh giá, thực hành tự phê bình và phê bình. Còn thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa vận động tư tưởng với biện pháp hành chính; giữa tuyên truyền, thuyết phục với chính sách xã hội phù hợp... để tạo ra các điển hình tiên tiến và xây dựng những mẫu hình đạo đức của thời kỳ mới.
Để tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò và sự cần thiết, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng đối với việc tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay. Nâng cao nhận thức về vai trò to lớn của đạo đức cách mạng và sự cần thiết phải tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên không chỉ trong cấp ủy, tổ chức đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn trong cấp ủy cấp trên. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng về giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa; Nghị quyết Trung ương 6, lần 2 (khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX); Nghị quyết Trung ương 5, 6 (khóa X); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, trong đó nhấn mạnh vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là: Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xác định nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp uỷ, đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giáo dục; định hướng và tuyên truyền đạo đức cách mạng theo hướng chủ động, hiệu quả. Trước mắt, cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh, làm cho cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần tấm gương của Người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, từ đó, triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí... bằng các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cụ thể. Có các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình, tấm gương của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Tạo sự chuyển biến thực sự về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ba là, phát huy tinh thần tự học, tự rèn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên tự học, tự rèn. Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tạo môi trường thuận lợi, chú trọng phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên để có điều kiện cọ sát, rèn luyện, thử thách. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập, tu dưỡng, rèn luyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành hành động tự giác, tự nguyện, tự thân trong mỗi người cán bộ, đảng viên. Phải thật sự là một tấm gương mẫu mực trong học tập, công tác cũng như trong cuộc sống để quần chúng noi theo. Trong giai đoạn hiện nay, tự học tập, tu dưỡng rèn luyện phải trở thành nhu cầu trực tiếp, thói quen hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận, cập nhật những thông tin mới, những tri thức mới cũng là một biểu hiện suy thoái về đạo đức.
Bốn là, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống; đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong tự phê bình và phê bình phải thể hiện trách nhiệm cá nhân, có thái độ thực sự cầu thị, biết lắng nghe ý kiến phê bình của người khác; phải bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu cao, giúp cho cán bộ, đảng viên sau mỗi lần phê bình và tự phê bình trưởng thành hơn về nhận thức, tư tưởng, có tinh thần đoàn kết, ý thức tích cực trong đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, về tự học, tự rèn nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Kiểm tra, giám sát quá trình rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, về tự học, tự rèn của cán bộ, đảng viên sẽ tạo điều kiện cho họ thường xuyên làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải xây dựng môi trường công tác của cơ quan, đơn vị, trong sạch, tích cực làm cho cán bộ, đảng viên có nếp sống lành mạnh, có đạo đức trong sáng; cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng, nói và làm đi đôi với nhau.
Sáu là, thường xuyên làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt. Tuyên truyền và nhân rộng những tấm gương điển hình, tiên tiến; có chế độ, chính sách thoả đáng với những người có công trong phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, hoặc có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính; đồng thời xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
TS. Trịnh Thanh Tâm
Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh