Tình nghĩa Việt - Lào vững bền hơn núi, hơn sông

Sau hơn một giờ bay, chuyên cơ đưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vạt-tày, thủ đô Viêng Chăn trong nắng sớm mát dịu, thanh bình. Dọc hai bên đường từ sân bay về khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn, rồi đến Phủ Chủ tịch, có khoảng bốn nghìn người dân thủ đô Viêng Chăn và kiều bào, học sinh Việt Nam đang học tập tại nước bạn, vẫy cao cờ hoa, hân hoan chào Ðoàn. Lễ đón chính thức do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít chủ trì diễn ra tại Phủ Chủ tịch, trang nghiêm theo nghi thức cao nhất, nhưng rất dễ nhận ra một bầu không khí thân tình, gần gũi, thắm tình anh em. Trong các sự kiện như lễ đón, chiêu đãi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào đều ra tận xe ô-tô đón người lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước ta; đến tận khách sạn để tiễn khi Ðoàn kết thúc chuyến thăm.

Một ngày rưỡi trên đất nước của xứ sở hoa Chăm pa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhiều hoạt động quan trọng, với nội dung thiết thực, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện quan hệ hai nước. Các cuộc gặp diễn ra thân thiết như anh em một nhà, vừa ôn lại những trang sử truyền thống thủy chung "hạt gạo bẻ đôi, cọng rau chia nửa", chung một chiến hào chống giặc ngoại xâm, vừa bàn chuyện tiếp tục xây dựng đất nước, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp của hai dân tộc.

Trong buổi chiêu đãi trọng thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít bày tỏ sự vui mừng, vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm, đã đem tình hữu nghị, đoàn kết, yêu thương thắm thiết của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đến với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác cùng các đồng chí Việt Nam anh em, tăng cường và vun đắp truyền thống đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam đã trải qua thử thách bằng xương máu và thời gian trong nhiều thập kỷ để mãi mãi bền chặt và đơm hoa kết trái. Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít và Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Y-a-tho-tu đều khẳng định quyết tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, Lào cũng luôn làm hết sức mình để giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào,...

Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng gần một thế kỷ đã qua, để cùng cảm nhận sâu sắc và tự hào về quá trình hình thành và phát triển của quan hệ đoàn kết đặc biệt, mẫu mực, thủy chung trong sáng, hiếm có trên thế giới và đã trở thành quy luật phát triển, nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Ðảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, vun đắp và truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau. Trong điều kiện mới, hơn bao giờ hết, hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước càng phải siết chặt tay nhau, chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, vững bước đi lên theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thủy chung, gắn bó lâu đời, nhất là những khi khó khăn, gian khổ. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng quân dân Lào chiến đấu bảo vệ quê hương. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến đặt vòng hoa, tưởng niệm tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Lào, có một số cán bộ quan chức của thủ đô Viêng Chăn đón và tham dự. Trong khi chờ Ðoàn, chúng tôi nói chuyện với Tiến sĩ Ðào-sa-vản Khêu-a-my-xay, Phó Chánh Văn phòng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, từng học tập, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam. Theo anh, Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Lào là nơi tri ân công lao của những người con quê hương đã hy sinh vì Tổ quốc, và trong trái tim mỗi người dân Lào còn có một đài tưởng niệm, khắc ghi tên tuổi những anh bộ đội Việt Nam vì nhân dân Lào mà chiến đấu, đã hy sinh, nằm lại trên đất nước yêu thương này.

Việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ được hai nước phối hợp tích cực và đã tìm thấy gần 34 nghìn hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh khi sang công tác, giúp bạn. Không ít câu chuyện cảm động về tình quân dân Việt - Lào mà chúng tôi được đồng nghiệp kể lại. Và trong số đó, câu chuyện về người mẹ Kan-chia ở bản Phon, huyện La-mam, tỉnh Xê-koong thật cảm động. Không thể nhớ chính xác tuổi của mình, song mẹ Kan-chia vẫn nhớ như in việc dành phần sữa của mình để cứu sống một bộ đội tình nguyện Việt Nam cách đây hơn 40 năm. Theo phong tục của người Lào, sữa như dòng máu chỉ để cho con, việc cho người khác là điều kiêng kị, nhất là với một cô gái trẻ mới ở tuổi 18 như mẹ Kan-chia thời điểm ấy. Mẹ Kan-chia nói, trước đó, bà chưa từng biết nước Việt Nam ở đâu, nhưng khi thấy bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp đất nước mình thì bà thương và yêu quý vô cùng. Bà chỉ nghĩ, bộ đội Việt Nam đến ở làng mình, chiến đấu, hy sinh xương máu vì mình, nếu mình không chăm sóc khi họ ốm đau thì còn gì là tình nghĩa nữa.

Không chỉ có sự gần gũi láng giềng, núi sông liền một dải mà hai dân tộc cùng chung sự hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập dân tộc, nay lại chung chí hướng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hội đàm, hay các cuộc hội kiến, hai bên khẳng định không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai bên và coi đây là quy luật phát triển, nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Với phương châm tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Lào đã chứng kiến lễ ký chín văn bản hợp tác về tài chính; phát triển các công trình năng lượng điện, mỏ; xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; sửa chữa, nâng cấp Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khăm-muộn; đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ Ðài phát thanh quốc gia Lào...

Những năm qua, các chương trình, dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nước bạn và góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt. Ðến tháng 12-2018, Việt Nam có 409 dự án đầu tư sang Lào với tổng số vốn 4,1 tỷ USD; một số dự án lớn đã hoàn thành tiếp tục được khai thác, vận hành tốt, như thủy điện Xê-ca-mản 1, khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn, Crown Plaza; dự án của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel. Về giao thông vận tải, hai bên đã đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối trong khuôn khổ hợp tác song phương và tiểu vùng; tiếp tục phối hợp tìm kiếm các nguồn vốn triển khai các dự án quan trọng mang tính chiến lược, trong đó có hai dự án lớn: Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn dài khoảng 725 km; tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà-khẹc - Viêng Chăn,… Hai bên cũng đặc biệt quan tâm hợp tác về giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam tiếp tục cử giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ, học sinh, sinh viên tại 28 cơ sở giáo dục của Lào; hỗ trợ ngành giáo dục Lào xây dựng sáu công trình phục vụ dạy và học. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục dành 1.271 suất học bổng cho bạn. Ðến nay, số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 14.686 người,…

Với mong muốn hợp tác, giúp bạn việc nào phải làm thật tốt việc đó hơn làm cho chính mình, ngay sau hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Y-a-tho-tu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhân chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2016. Ðây là công trình có ý nghĩa về chính trị, biểu tượng sâu đậm của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, được giao cho Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng Việt Nam làm tổng thầu. Ðến nay, dự án đã hoàn thành thi công phần móng và tầng hầm. Xem kỹ từng hạng mục đang thi công, thăm nhà ở, nói chuyện với cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng động viên mọi người, với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, coi việc giúp bạn là tự giúp mình, tích cực lao động, thực hiện đúng tiến độ, nhất là bảo đảm tuyệt đối chất lượng công trình.

Những ngày qua, trên các tờ báo của Lào như Vientiane Times (ấn phẩm tiếng Anh), Pasaxon, Pathetlao, Laophatthana… đều đăng trang trọng tiểu sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên trang nhất, phản ánh các hoạt động của Ðoàn, thành quả hợp tác của hai nước Lào - Việt Nam. Nhiều bài viết ôn lại quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước; phân tích sâu sắc những câu nói của các lãnh tụ, như một lời nhắn nhủ đến các thế hệ hôm nay, như: "Việt - Lào, hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay câu nói của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản: Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông. Chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lần này, ghi thêm một dấu mốc mới, một bước phát triển mới để tình nghĩa Việt - Lào vững bền hơn núi, hơn sông.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất