Kinh nghiệm tiến hành thi đua khen thưởng
Chiến sĩ Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) luyện tập võ thuật.

Hoạt động thi đua, khen thưởng khơi dậy tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo, đua sức, đua tài trong từng cá nhân, tập thể và toàn xã hội khi thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đã được đề ra. Thi đua, khen thưởng vì thế là động lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bài nói chuyện tại Đại hội các chiến sĩ Thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952, Bác Hồ khẳng định: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(1). Đối với quân đội ta, Bác dạy: Các cháu phải ra sức thi đua luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức cách mạng của người quân nhân cách mạng cho vững vàng.

Những năm qua, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp ở Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 thường xuyên giáo dục, quán triệt quan điểm về thi đua, khen thưởng của Đảng, tư tưởng thi đua ái quốc của Bác. Để công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua quyết thắng đi đúng hướng, mang lại hiệu quả cao, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong Sư đoàn đã làm tốt việc giáo dục động cơ, xác định chủ đề, nội dung, chỉ tiêu, định mức thi đua phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị. Hội đồng và tổ thi đua, khen thưởng các cấp đã thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, hoạt động ngày càng nền nếp, chất lượng, kịp thời tham mưu ra các quyết định đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng; duy trì tốt chế độ kiểm tra, đánh giá, chấm điểm thi đua, xét đề nghị khen thưởng... Trong tổ chức phong trào thi đua, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các đơn vị đã thực hiện tốt 3 trực tiếp: trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch; trực tiếp tổ chức phát động thi đua; trực tiếp kiểm tra đánh giá kết quả và bình xét khen thưởng.

Trên cơ sở nghị quyết của cấp uỷ và chỉ tiêu thi đua chung, từng đơn vị cụ thể hoá thành các chương trình hành động, gắn thi đua thường xuyên với thi đua đột kích. Đồng thời vận dụng sáng tạo nhiều hình thức, biện pháp thi đua phong phú như: hội thao, hội thi, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tham quan, kiểm tra chéo... Phát động phong trào thi đua quyết thắng của các cấp ở từng giai đoạn, từng năm, từng nhiệm vụ, từng đợt đều gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Nhờ đó, phong trào thi đua luôn được duy trì nền nếp, có chất lượng, góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Kết quả cụ thể: trong 3 năm liền (từ 2014 đến 2016 và 6 tháng đầu năm 2017) 100% cán bộ, chiến sỹ trong Sư đoàn luôn vững vàng, quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu có 100% cán bộ, chiến sỹ được huấn luyện thực chất theo phân cấp; kết quả kiểm tra huấn luyện định kỳ, đột xuất, hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trên 83% khá, giỏi; giữ vững 100% cán bộ tự huấn luyện được theo phân cấp, trong đó trên 90% cán bộ tiểu đoàn, 85% cán bộ đại đội, 80% cán bộ trung đội huấn luyện đạt khá, giỏi; thường xuyên nâng cao chất lượng quản lý, chấp hành kỷ luật, tỉ lệ vi phạm kỷ luật thông thường trong toàn Sư đoàn giảm xuống dưới 0,2%, không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, mất an toàn trong huấn luyện, lao động và tham gia giao thông. Năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp có sự tiến bộ không ngừng; vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ trong sinh hoạt; chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ được nâng lên rõ rệt. Kết quả rà soát chất lượng hằng năm có trên 93% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, có trên 85% đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không có đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý; các tổ chức quần chúng đạt vững mạnh, xuất sắc; 100% cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị.


Công tác khen thưởng luôn được Sư đoàn và các đơn vị thuộc Sư đoàn chú trọng đúng mức; gắn khen thưởng thường xuyên với khen thưởng đột xuất; khen thưởng trong phong trào thi đua với khen thưởng của tổ chức đảng và tổ chức quần chúng. Chủ động làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tập trung vào những đơn vị, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác ở những nơi khó khăn, gian khổ, giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, cháy rừng... Tiêu biểu cho phong trào thi đua quyết thắng của Sư đoàn là các đơn vị: Trung đoàn bộ binh 209, Trung đoàn bộ binh 141, Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 18 và các tập thể, cá nhân khác. Đến nay, Sư đoàn đã có 8 tập thể và 11 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 1 trao tặng. Năm 2014, cấp sư đoàn khen thưởng cho 121 tập thể và 186 cá nhân, cấp trung đoàn khen thưởng cho 156 tập thể và 295 cá nhân. Năm 2015, cấp sư đoàn khen thưởng cho 93 tập thể và 135 cá nhân, cấp Trung đoàn khen thưởng cho 198 tập thể và 285 cá nhân. Năm 2016, cấp sư đoàn khen thưởng cho 111 tập thể và 126 cá nhân, cấp trung đoàn khen thưởng cho 112 tập thể và 265 cá nhân trong. 6 tháng đầu năm 2017 cấp sư đoàn đã khen thưởng cho 29 tập thể và 74 cá nhân, cấp Trung đoàn đã khen thưởng cho 41 tập thể và 95 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua thường xuyên, trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất; các đợt thi đua đột kích, cao điểm; các cuộc hội thi, hội thao; trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy ở cấp đại đội, tiểu đoàn chư­a quan tâm đầy đủ, tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng chất lượng không cao, không tạo động lực thúc đẩy các hoạt động của đơn vị và quản lý, giáo dục quân nhân tiến bộ. Một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị xác định mục tiêu và động cơ thi đua không rõ ràng, định mức, chỉ tiêu thi đua không cụ thể; nội dung, biện pháp thi đua chung chung; chưa hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các khâu yếu, mặt yếu. Việc duy trì nền nếp hoạt động thi đua có đơn vị thực hiện chưa thường xuyên, liên tục, còn nặng hình thức, sau mỗi đợt thi đua có biểu hiện xả hơi; tổ chức phong trào thi đua còn nặng về biện pháp hành chính, chưa phát huy được tính chủ động, tự giác tích cực, tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết tham gia của cán bộ, chiến sĩ. Việc chấm điểm, đánh giá thi đua của tổ thi đua, khen thưởng có thời điểm chưa sát với quy chế, có nội dung đánh giá còn chưa khách quan. Cá biệt, có đơn vị còn biểu hiện chạy theo thành tích, che giấu khuyết điểm hoặc không kịp thời báo cáo khuyết điểm. Công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm các đợt  thi đua, phong trào thi đua có thời điểm chưa kịp thời. Tổ chức tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến cũng như nêu tên những tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm và chất lượng hiệu quả công việc thấp trên hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin thi đua chưa thường xuyên, chủ động.

Từ những ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm đã nêu trên, để công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tới đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực hơn nữa, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Trước hết, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, hội đồng, tổ thi đua, khen thưởng các cấp cần
tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức thi đua, khen thưởng, là cách để mỗi cán bộ chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ của cá nhân, góp phần quan trọng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị. Cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, phương pháp, trong đó cần coi trọng các hình thức giáo dục thông qua học tập chính trị cơ bản, giao ban, hội ý, sinh hoạt các cấp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của đơn vị; kết quả thực tiễn thực hiện nhiệm vụ; sơ kết, tổng kết, rút kinh nhiệm; thông qua Đại hội thi đua quyết thắng. Thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa thi đua, khen thưởng với công tác chính trị tư tưởng; làm tốt việc khơi dậy lòng tự hào về truyền thống đơn vị, quân đội; truyền thống quê hương, gia đình để kích thích, hình thành động lực, nhu cầu tự giác thi đua ở mỗi cán bộ, chiến sĩ. Cần thường xuyên quan sát, phát hiện và xử lý nghiêm những lệch lạc, động cơ thi đua không trong sáng, không đúng mục đích, có biểu hiện chạy theo bệnh thành tích, ganh đua.
          

Hai là, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp.

Căn cứ vào đặc điểm nhiệm vụ, tình hình đơn vị, kết quả thực hiện phong trào thi đua quyết thắng đã đạt được, cấp ủy cần đưa nội dung, chỉ tiêu thi đua vào nghị quyết lãnh đạo, vào kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy; kết hợp chặt chẽ giữa việc duy trì nền nếp, chế độ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua quyết thắng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Thực hiện tốt quy trình: trước mỗi đợt thi đua, chuẩn bị đầy đủ, kỹ từ truyên truyền, giải thích ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung, chỉ tiêu biện pháp, định mức khen thưởng, xử phạt đến kiểm tra, xem xét kỹ kế hoạch của từng cấp, từng đơn vị, chú trọng kiểm tra về chỉ tiêu, định mức, nội dung, biện pháp tiến hành. Trong quá trình thi đua, theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, nhắc nhở, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Sau đợt thi đua tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương người tốt, tập thể tốt, khen thưởng đúng người, đúng việc, công khai, công bằng, khách quan, đồng thời nhắc nhở, uốn nắn, giúp đỡ những cá nhân, tập thể có kết quả thi đua hạn chế. Xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân che giấu khuyết điểm, chạy theo thành tích...Công bằng trong thi đua, khen thưởng làm cơ sở tạo động lực để nuôi dưỡng, đẩy mạnh phong trào thi đua.

Ba là, kế hoạch thi đua phù hợp, tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phong trào thi đua quyết quyết thắng phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn mỗi đơn vị.

Khi xây dựng kế hoạch, nội dung thi đua phải tỉ mỉ, cụ thể, thiết thực, không chung chung, đại khái. Kế hoạch thi đua của từng cá nhân, tập thể, đơn vị phải được bàn bàn kỹ, mọi người thấu hiểu và vui vẻ thực hiện. Nội dung thi đua bám sát nội dung, chỉ tiêu thi đua của cấp trên, sát với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu, đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị. Chỉ tiêu, định mức thi đua phải phù hợp khả năng, điều kiện và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Tuyệt đối không đặt chỉ tiêu, định mức quá cao hay quá thấp dẫn đến khó thực hiện hoặc chủ quan, nóng vội. Nội dung thi đua cần tập trung chú trọng vào những khâu yếu, mặt yếu, các vấn đề nổi cộm chưa giải quyết. Các nội dung trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm an toàn trong huấn luyện và tham gia giao thông của đơn vị. Các phong trào thi đua phải gắn kết chặt chẽ với nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các cuộc vận động, phong trào thi đua của các ngành, tổ chức. Thường xuyên đổi mới và vận dụng linh hoạt các hình thức thi đua, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích.


Bốn là, gắn chặt thi đua với khen thưởng, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Thi đua là cơ sở của khen thưởng. Chính trên nền tảng của phong trào thi đua yêu nước sôi nổi có thể lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu, xứng đáng, đầy đủ và kịp thời cho việc khen thưởng. Khi tiến hành đánh giá sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tiến hành khen thưởng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phải xem xét đánh giá, khen thưởng thật sự khách quan, công tâm, công bằng, đúng người, đúng việc, đúng thành tích, đồng thời thật thà phê bình và tự phê bình những cá nhân, tập thể kết quả thi đua còn hạn chế, khuyết điểm, để tạo sự công bằng, tin tưởng và động lực để thúc đẩy phong thi đua phát triển. Chủ động, tích cực phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng điển hình tiên tiến thật chính xác, phản ánh đúng thực tế và dân chủ. Các cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy cần nắm chắc điển hình toàn diện và điển hình trên từng mặt công tác để thường xuyên động viên, bồi dưỡng, xây dựng động cơ, trách nhiệm và quyết tâm cao đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém để khắc phục, sửa chữa. Kịp thời tuyên truyền gương điển hình trong tập thể để tạo sức lan tỏa và nhân rộng những việc làm tốt, tạo khí thế và động lực đua đuổi vượt nhau hướng tới giành nhiều đỉnh cao trong thi đua.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng.

Thi đua là trách nhiệm chung của mọi người, mọi tổ chức, cá nhân trong đơn vị. Thi đua phải là một phong trào quần chúng rộng rãi, của tất cả mọi người cùng tham gia. Do đó, cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chính trị, Hội đồng, Tổ thi đua, khen thưởng, các cơ quan, tổ chức, các lực lượng khác trong đơn vị. Những cán bộ, đảng viên điển hình tiên tiến phải là người kiểu mẫu, là những đầu tàu để giúp đỡ và lôi kéo những người khác cùng thi đua, cùng tiến lên. Kịp thời bảo đảm điều kiện vật chất, nguồn lực cho hoạt động thi đua, khen thưởng được duy trì thường xuyên. Chủ động quan tâm, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ tự giác, tích cực thực hiện các nội dung, chỉ tiêu thi đua, tham gia có hiệu quả các đợt, các phong trào thi đua để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

---------
(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H. 2000, t 6, tr. 473; t. 8, tr. 525.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất