Kỷ luật của Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Đảng phải giữ kỷ luật nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động nhất trí. Kỷ luật này do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
Tuy nhiên, kỷ luật của Đảng không chỉ đòi hỏi tính tự giác mà còn mang tính bắt buộc đối với những cá nhân, những bộ phận chưa ý thức đầy đủ nhiệm vụ của người đảng viên. Bắt buộc là một nội dung tất yếu của mọi hình thức kỷ luật. Sự giác ngộ càng cao thì tính bắt buộc càng ít và càng mang tính tự giác cao. Đảng viên tự giác chấp hành những điều khoản trong Điều lệ đã được họ thảo luận dân chủ và thống nhất ý kiến trước khi được chính thức thông qua tại các kỳ đại hội đảng.
Mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật thích đáng.
Nhiệm kỳ khoá XI, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.389 tổ chức đảng (giảm 22,5% so với nhiệm kỳ X) và 56.572 đảng viên (tăng 0,8% so với nhiệm kỳ X), trong đó: Ban Bí thư thi hành kỷ luật khiển trách đối với 1 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 17 đảng viên, bằng các hình thức: Cảnh cáo 1, cách chức 9 và khai trừ 7 trường hợp. Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.388 tổ chức đảng, bằng các hình thức: Khiển trách 1.106, cảnh cáo 281, giải tán 1 tổ chức. Thi hành kỷ luật 56.555 đảng viên, bằng các hình thức: Khiển trách 36.754, cảnh cáo 15.007, cách chức 2.468, khai trừ 2.326 trường hợp.
Uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật 17.325 đảng viên (giảm 23,5% so với nhiệm kỳ X). Trong đó: UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 đảng viên (giảm 39% so với nhiệm kỳ X), bằng các hình thức: Khiển trách 14; cảnh cáo 12, cách chức 1 trường hợp. UBKT các địa phương, đơn vị đã thi hành kỷ luật 17.298 đảng viên; bằng các hình thức: Khiển trách 5.435; cảnh cáo 4.930; cách chức 518; khai trừ 6.415 trường hợp.
Nội dung vi phạm chủ yếu là: Những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống; vi phạm về đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tham nhũng, cố ý làm trái... Qua thực tiễn cho thấy, nhận thức của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT và đảng viên về thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng còn hạn chế, có những cấp uỷ buông lỏng nhiệm vụ thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, có nơi "khoán trắng" cho UBKT, ngược lại có cấp uỷ lại chưa tạo điều kiện thuận lợi cho UBKT hoạt động, còn can thiệp "quá sâu" vào các vụ việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của UBKT.
Đảng viên khiếu nại kỷ luật đảng ngày càng phức tạp, khiếu nại lên cấp Trung ương ngày càng nhiều; khiếu nại kỷ luật thường liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; khiếu nại vượt cấp, vừa khiếu nại, vừa tố cáo, vừa báo cáo, kiến nghị ngày càng nhiều. Quá trình thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng còn gặp không ít trở ngại, cam go, phức tạp. Nhiều vụ khi thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, UBKT và cán bộ kiểm tra các cấp phải chịu rất nhiều áp lực, thử thách, bản lĩnh và quyết tâm của tập thể ủy ban, từng thành viên và của đoàn kiểm tra. Xu hướng đảng viên, tổ chức đảng không chỉ vi phạm các nguyên tắc, quy định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng tăng, mà vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, "lợi ích nhóm" ngày càng tăng đang làm suy thoái một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhưng việc phát hiện và xử lý kỷ luật chưa tương xứng với tình hình vi phạm. Đây là một thực tế và đã trở thành nguy cơ lớn, thách thức uy tín và sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Do vậy, củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải là để xử lý kỷ luật cho nhiều đảng viên, mà chủ yếu là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành luật pháp, phải đi đầu trong cuộc đấu tranh tăng cường pháp chế XHCN. Đảng nghiêm cấm các tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo các cấp tuỳ tiện đề ra những quy định trái pháp luật.
Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác thì phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Dân chủ và kỷ luật trong Đảng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Có mở rộng và tăng cường dân chủ trong Đảng thì mới bảo đảm được kỷ luật và có bảo đảm được kỷ luật thì mới tăng cường được dân chủ. Đảng cho phép mọi đảng viên được tự do tư tưởng, được đề đạt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến riêng của mình lên đến cơ quan cao nhất của Đảng. Đảng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong cả lời nói và việc làm. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về các chi bộ đảng. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia đầy đủ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để một cán bộ, đảng viên nào được đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng gây chia rẽ, bè phái trong Đảng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đây là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một thực thể của xã hội. Đảng sinh ra từ xã hội, sống trong lòng xã hội, bị xã hội chi phối và đến lượt bản thân Đảng cũng chi phối lại xã hội. Nhiều căn bệnh ngoài xã hội thường xuyên lây ngấm vào Đảng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội chậm được củng cố và đổi mới. Các căn bệnh đó Đảng ta đã chỉ ra từ lâu và chỉ ra nhiều lần, chỉ ra một cách rõ ràng hơn, chẳng hạn, Đảng ta cho rằng, không những suy thoái tư tưởng chính trị, mà còn suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Đó đúng là sự thật.
Căn bệnh trong Đảng khá nặng, cần được chữa trị kịp thời. Trong việc chữa trị, đáng chú ý nhất là nhằm vào đối tượng tổ chức đảng cấp trên, mà cụ thể là cấp Trung ương; đối với cán bộ là cán bộ chủ chốt nhất là cán bộ chủ chốt cấp Trung ương. Bài học từ sự đổ vỡ của Đảng Cộng sản Liên xô và các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu cuối những năm 80 đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước đã cho chúng ta rõ điều đó. Chỉ cần một vài biểu hiện thoái hóa thực sự ở cấp chiến lược là cấp BCH Trung ương Đảng, mà trong đó thể hiện ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư là ảnh hưởng ngay đến sự tồn vong của cả một Đảng. Cấp chiến lược là cấp có tính chất quyết định sống còn của bản thân Đảng ta. Chăm lo xây dựng cấp này luôn luôn vững mạnh là điều kiện tiên quyết trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) nói riêng và các nghị quyết về xây dựng Đảng nói chung. Một sự đúng đắn hay một sự sai lầm từ cấp này, chứ không phải từ cấp cơ sở sẽ có tác động mang tính quyết định, làm rung chuyển bộ máy, mọi thành quả cách mạng mà Đảng ta và nhân dân ta đã tốn biết bao xương máu giành được trong những năm qua sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển.
Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi đau xót, nhưng là việc không thể không làm. Thực tế xử lý kỷ luật cán bộ cao cấp vi phạm vừa qua, cho thấy, nhìn một cách tổng thể, công tác cán bộ của Đảng được quy định rất chặt chẽ và khoa học, nhất là việc đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải qua nhiều bước, nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương xem xét, thẩm định. Do đó, không thể có lỗ hổng về quy trình, quy định. Phải chăng lỗ hổng ở đây là do tổ chức, cá nhân thực hiện các quy trình, quy định đó tạo ra, là sự thiếu trách nhiệm, nể nang, né tránh, là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của những người có thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá, nhận xét, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ ? Vì thế, tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, để phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót khuyết điểm khi mới manh nha; bảo đảm cho Đảng ta, trước hết là các cơ quan lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo của Đảng luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng, có phẩm chất cách mạng tốt, ngăn chặn, đẩy lùi được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.
Cách thức tiến hành của UBKT Trung ương trong xem xét vụ việc và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có khuyết điểm liên quan vừa qua được dư luận và cán bộ, đảng viên đánh giá cao. Việc công khai thông tin thể hiện sự cương quyết, trách nhiệm và thẳng thắn xử lý cho dù đó là cán bộ cấp nào, đương chức hay nghỉ hưu nếu mắc sai phạm. Cách thức công khai như thế cũng cần áp dụng cả ở cấp địa phương khi xem xét xử lý cán bộ sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân. Qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và UBKT Trung ương rất dứt khoát, chặt chẽ trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Nếu không kịp thời chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng ta đã xác định rõ điều này và đang làm quyết liệt. Sự việc này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong vấn đề làm trong sạch nội bộ Đảng. Đây là quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống sự suy thoái, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc làm này tuy khó khăn, nhưng phải làm từng bước và phải có thời gian. Đấu tranh chống cái xấu trong nội bộ cực kỳ khó khăn; cần hiểu và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cả công dân để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Hơn nữa, trong điều kiện là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà không được giám sát chặt chẽ, rất dễ lộng quyền, lạm quyền và làm giảm lòng tin của nhân dân, tất yếu sẽ dẫn đến tiêu cực, quan liêu, tham nhũng. Đó là những nguy cơ bên trong làm suy yếu, thậm chí làm tan rã Đảng. Đây là điều cần được cảnh báo để chúng ta thấy rõ và kiên quyết tìm mọi biện pháp khắc phục cho bằng được. Đối với tổ chức càng cao càng cần phải được giám sát chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh; người giữ quyền hành càng lớn càng phải giám sát nghiêm ngặt, tiến hành giám sát đối với quyền lực, phòng ngừa lạm dụng quyền lực, thực hiện lấy quyền lực chế ước quyền lực.
UBKT Trung ương đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các nội dung xử lý kỷ luật vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ, chú trọng xử lý kỷ luật đảng viên không gương mẫu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tự ý quyết định hoặc không có thẩm quyền nhưng đồng ý với đề xuất của địa phương, đơn vị về công tác cán bộ; đảng viên thiếu trung thực, không gương mẫu, biết mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách để được tiếp nhận, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm đối với mình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc bố trí đúng cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trước nhất là cấp chiến lược, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp chiến lược kiên định vững vàng, năng động, sáng tạo, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới là vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản, vừa lâu dài, cụ thể như sau:
Một là, cần thực hiện tốt Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành theo Quyết định số 58-QĐ/TW ngày 7-5-2007 của Bộ Chính trị, thay thế cho Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 53-QĐ/TW ngày 5-5-1999 của Bộ Chính trị khóa VIII. Đặc biệt chú trọng thực hiện Quy định số 211-QĐ/TW ngày 8-11-2013 về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Những quy định đó cũng là nhằm trước hết bảo đảm không đảng viên nào có đặc quyền vượt quá Điều lệ Đảng cho phép, trong nội bộ Đảng thì mọi đảng viên đều bị giám sát; đều bị theo dõi, quan sát, xem xét, nhận xét, đánh giá hoạt động; mọi đảng viên có quyền bình đẳng, trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định và quản lý công việc trong Đảng.
Hai là, xem xét đơn thư tố cáo, không phân biệt có ký tên hay không ký tên, vì đây là một đầu mối, một nguồn thông tin, còn vấn đề quyết định đúng, sai của thông tin này là ở công tác kiểm tra của UBKT và các cơ quan có trách nhiệm. Điều này càng khẳng định, dân chủ là cơ sở để thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ, mở rộng dân chủ là điều kiện cốt yếu để tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật nội bộ Đảng hiện nay.
Ba là, phải đặc biệt coi trọng tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nhất là các đồng chí ủy viên Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội XII, phải hết sức gương mẫu về đức tính liêm khiết của người lãnh đạo, không tham nhũng, thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhất định sẽ có hiệu quả hơn, tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, lãng phí.
UBKT Trung ương thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, kể cả các đồng chí là cán bộ cấp cao, không để người thân lợi dụng chức quyền của bố mẹ anh em để chạy dự án, môi giới chạy chức, chạy quyền, làm ảnh hưởng tới uy tín của các đồng chí đó. Cán bộ cấp cao phải thực sự là tấm gương sáng, thực sự là người tiêu biểu của Trung ương, của toàn Đảng và toàn dân, do vậy, càng phải tăng cường kiểm tra, giám sát các đồng chí này, như lời nhắn gửi của đồng chí Tổng Bí thư đối với Ngành Kiểm tra: “Ra quân mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa. Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải hành động, nói phải đi đôi với làm, không nói lý thuyết, đạo lý chung chung”.
TS. Trần Duy Hưng
Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương