Thành công của Tân Tiến (Vị Thanh, Hậu Giang) cũng chính là thành công của mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Tấn Sơn, Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã khẳng định Tân Tiến có được ngày hôm nay chính là bởi xã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các ban, ngành trong tỉnh. Đảng bộ xã đoàn kết nhất trí. Đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ.
Tân Tiến - xã nông thôn mới của TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang mới được thành lập và đi vào hoạt động từ 1-1-2007. Đảng bộ xã có 14 chi bộ với 125 đảng viên. 1.690 hộ dân gồm ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, có không ít tín đồ Cao Đài, Thiên chúa giáo, Phật giáo.
Qua hơn hai năm thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch, xã Tân Tiến đạt được những kết quả rõ nét: Từ một xã trung bình trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Xã được công nhận là xã Nông thôn mới theo 13 tiêu chí của tỉnh và là xã đứng đầu của tỉnh đạt 15 tiêu chí quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,3 triệu/năm/người, dự kiến cuối năm 2011 đạt 32 triệu/năm/người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 21%, tăng 5,2% so với năm 2007. Thu ngân sách đạt 2,65 tỷ, đạt 104% chỉ tiêu, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,2% (theo tiêu chí cũ). Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuyệt đại đa số đảng viên tự viết bản đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện bằng những việc làm thiết thực như tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí… Đảng bộ xã luôn đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, 96,4% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thành công của Tân Tiến cũng chính là thành công của mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Tấn Sơn, Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã khẳng định Tân Tiến có được ngày hôm nay chính là bởi xã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các ban, ngành trong tỉnh. Đảng bộ xã đoàn kết nhất trí. Đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ. Và một nguyên nhân cơ bản nhất mà đảng viên và nhân dân Tân Tiến khẳng định, đó là sự đam mê công việc đến quên thời gian, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tư tưởng vững vàng, biết hoà mình, lắng nghe, chia sẻ với nhân dân của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND.
Các đồng chí ở Tân Tiến khẳng định thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch có ưu điểm, nhược điểm. Nhưng ưu điểm là cơ bản. Đó là: Đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp trên được tổ chức triển khai và thực hiện nhanh chóng. Mọi chương trình, kế hoạch đều nhất quán thành công việc chung của đảng uỷ và UBND, không có sự chồng chéo. Người đứng đầu trực tiếp nắm được từ diễn biến tư tưởng cán bộ đến quá trình tổ chức, phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả tốt hơn, nhanh hơn. Thể hiện rõ hơn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Nội bộ đoàn kết. Nhược điểm của mô hình là người đứng đầu mất nhiều thời gian cho các cuộc họp do cấp trên triệu tập, ảnh hưởng đến thời gian đi sâu nghiên cứu, nhất là công tác kiểm tra, giám sát cơ sở.
Thực tiễn ở Tân Tiến cho thấy yếu tố bảo đảm thành công của mô hình là công tác cán bộ, lựa chọn người đứng đầu chuẩn. Tiêu chuẩn quan trọng nhất phải có tâm trong sáng, có năng lực thực tiễn, uy tín, quy tụ được cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vừa là bí thư đồng thời là chủ tịch trong khi đồng chí phó bí thư thường trực, phó chủ tịch thừờng trực xã đi học nhưng đồng chí Nguyễn Tấn Sơn vẫn bảo đảm lãnh đạo đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là do đồng chí đã động viên, thu hút được cán bộ, đảng viên khác chung tay đoàn kết, làm việc hết mình vì công việc chung. Đồng thời bản thân đồng chí vững bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Từ thực tiễn, Tân Tiến đề xuất:
1. Với Trung ương, nên tiếp tục nhân rộng mô hình bí thư đồng thời làn chủ tịch UBND. Xây dựng quy chế mẫu về hoạt động của bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, trong đó quy định khi nào ở “vai” bí thư, khi nào ở “vai” chủ tịch. Trên cơ sở đó từng đơn vị căn cứ vào thực tế của đơn vị mà xây dựng quy chế hoạt động của mình.
2. Với cấp tỉnh và thành phố, cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cân đối về chuyên môn và chính trị, có đủ năng lực điều hành và bản lĩnh chính trị để khi vào việc có đủ bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước dân và Đảng. Khi bố trí, cần chọn lựa kỹ cán bộ không chỉ đạt chuẩn về trình độ mà còn phải chú ý đến tác phong, đạo đức, có uy tín, biết thu hút lực lượng xung quanh, có bản lĩnh dám làm dám chịu trước nhân dân và đồng nghiệp. Cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, nhất là kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ để tránh tình trạng chuyên quyền, độc đoán. Chỉ đạo bằng văn bản để giảm bớt các cuộc hội họp, giảm áp lực thời gian cho bí thư đồng thời là chủ tịch.
Lan Phương