Một năm nhiều đổi mới

Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” .

Năm 2017 đi qua với những thuận lợi và thách thức đan xen, tác động nhiều đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác tổ chức xây dựng đảng. Các cấp ủy đảng, ban tổ chức cấp ủy các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, kịp thời có các chủ trương, biện pháp hợp lý, sáng tạo, với tinh thần chủ động, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực...

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Với yêu cầu kiểm điểm, tự phê bình, phê bình năm 2016 và 2017 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các tỉnh, thành ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tổ chức kiểm tra, kiểm điểm bổ sung đối với những địa phương, đơn vị khi tiến hành kiểm điểm năm 2016 chưa gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nội dung kiểm điểm bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, đi sâu phân tích, kiểm điểm những vấn đề hạn chế, bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị, gắn với trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Từng đảng viên đã thực hiện Bản cam kết, xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra khi tiến hành tự phê bình và phê bình, xem đây là căn cứ quan trọng để kiểm điểm, đánh giá xếp loại cuối năm. Một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông… đã gợi ý kiểm điểm bổ sung ở một số địa phương, đơn vị trực thuộc và cá nhân cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra sai sót.

Các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác chính trị tư tưởng; xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh học và làm theo gương Bác; ban hành nghị quyết về cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ. Các địa phương cũng tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức - cán bộ; quan tâm đến tạo nguồn cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số. Đổi mới phương thức lãnh đạo; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy; xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy dân chủ và thực hiện chất vấn trong Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, hướng về cơ sở.

Một số địa phương đã có cách làm hay, mô hình mới, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết hiệu quả hơn. Tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn đàn “Vai trò của chi bộ đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh thực hiện quy định “Về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”… Nhiều địa phương đã đẩy mạnh xử lý những cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, đồng thời sắp xếp, bố trí lại cán bộ các cấp cho phù hợp hơn.

Triển khai đồng bộ việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025

Công tác quy hoạch cán bộ đã được các địa phương chủ động triển khai, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ các bước; rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng về quy trình, cơ cấu, tiêu chuẩn, hồ sơ nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch trước khi thực hiện quy trình lấy phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch; chú trọng nguồn cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số và quan tâm hơn đến việc thẩm định tiêu chuẩn chính trị của nhân sự được giới thiệu vào quy hoạch.

Điểm mới trong quy hoạch cán bộ ở nhiệm kỳ này là kiểm tra “đầu vào” ngay từ khi bắt đầu làm quy hoạch. Cán bộ theo dõi địa bàn của Ban Tổ chức Trung ương đã bám sát các địa phương, hướng dẫn và cùng với ban tổ chức cấp ủy rà soát về quy trình, hồ sơ nhân sự và chỉ tham mưu, đề xuất đối với những nhân sự bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tiêu chuẩn theo quy định. Vì vậy, kết quả quy hoạch cán bộ thực chất hơn, chất lượng được nâng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Kết quả quy hoạch đối với cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và 2021-2026 như sau: 1.131 đồng chí được quy hoạch vào BCH (hệ số 1,87); BTV 310 đồng chí (hệ số 1,57); bí thư 41 (hệ số 3,15); phó bí thư 90 (hệ số 2,90); chủ tịch HĐND 40 (hệ số 3,07); chủ tịch UBND 40 (hệ số 3,07). Hầu hết các đồng chí được quy hoạch đều có trình độ đại học trở lên, nhiều địa phương trên 90% có trình độ sau đại học. Tỉ lệ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số (chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên) được quy hoạch vào BCH, BTV cấp ủy cơ bản đáp ứng theo quy định. Riêng các chức danh chủ chốt như bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND thì tỉ lệ nữ, trẻ còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Các địa phương đã chú trọng sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, rà soát lại số lượng và chất lượng đội ngũ lãnh đạo cấp phó của các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp; đổi mới phương thức quản lý, vận hành các đơn vị sự nghiệp để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả và bền vững theo hướng thống nhất và tinh gọn đầu mối quản lý, giảm bộ máy gián tiếp; thí điểm hợp nhất một số chức danh ở cấp huyện có điều kiện phù hợp về tổ chức và cán bộ.

Nhiều địa phương đã giải thể, sắp xếp các tổ chức đảng cho phù hợp với cấp ủy cấp trên trực tiếp; giải thể BCH Công đoàn Giáo dục cấp quận, huyện và chuyển các công đoàn cơ sở trường học về trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp quận, huyện. Xây dựng Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất một số chức danh tương đồng về chức năng, nhiệm vụ ở cấp huyện như: chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; xây dựng Đề án sắp xếp, thành lập mới chi bộ tổ dân phố và khuyến khích thực hiện nhất thể hóa các chức danh không chuyên trách dưới xã, phường ở những nơi đủ điều kiện (như Đà Nẵng đã giảm được 2.812 người)...

Các địa phương đã tập trung xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức ở cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện. Các đề án đã xây dựng 4 nhóm vị trí việc làm gồm nhóm lãnh đạo, quản lý, điều hành; nhóm giúp việc lãnh đạo, quản lý; nhóm chuyên môn, nghiệp vụ và nhóm hỗ trợ phục vụ; xác định được cơ bản vị trí việc làm với biên chế phù hợp; đề ra mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế khối đảng, đoàn thể (riêng năm 2017 đã tinh giản được 240 biên chế).

Tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đánh giá được mặt mạnh, mặt hạn chế trong công tác cán bộ

Các địa phương đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức đảng, cấp ủy trực thuộc tiến hành tổng kết từ cơ sở, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc theo đúng nội dung yêu cầu và kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Sau 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, các địa phương đã có nhiều nỗ lực đổi mới trong các khâu của công tác cán bộ. Những chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá đã được nhiều địa phương tiến hành (Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, Quảng Trị, Khánh Hòa…). Tiến cử, giới thiệu cán bộ trẻ; lập đề án tạo nguồn cán bộ cấp xã và các chức danh chủ chốt cấp xã hay đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thi tuyển lãnh đạo, quản lý; ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực hay chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi… đã và đang phát huy hiệu quả. Đội ngũ cán bộ các cấp ở các địa phương có những chuyển biến tích cực, rõ nét cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bấp cập trong từng khâu của công tác cán bộ: Đánh giá cán bộ vẫn chưa thực chất; cơ cấu đội ngũ cán bộ của nhiều địa phương, đơn vị, nhiều cấp, ngành vẫn chưa thực sự cân đối, cán bộ nữ, trẻ ở một số nơi chưa bảo đảm yêu cầu; luân chuyển cán bộ đôi lúc chỉ là “giải pháp tình thế” chưa tập trung vào rèn luyện, thử thách đối với cán bộ trong diện quy hoạch; nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ ở một số nơi còn bị buông lỏng, thậm chí bị vi phạm, nhất là biểu hiện “dân chủ hình thức”.

Công tác chuyên môn về tổ chức - cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, công tác chuyên môn thường xuyên cũng được thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Đã chủ động hơn trong kiện toàn, bổ sung cán bộ chủ chốt ở những nơi còn thiếu, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, phẩm chất đạo đức kém. Nhiều địa phương đã chủ động thực hiện quy trình “5 bước” trong đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh diện ban thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý. Qua đó, đã lựa chọn, giới thiệu, đề nghị chỉ định bổ sung 8 ủy viên BCH, bầu bổ sung 4 ủy viên BTV tỉnh ủy, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu 636 lượt cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị.

Công tác củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCCSĐ và công tác đảng viên luôn được quan tâm. Các địa phương đã kết nạp được 27.136 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn khu vực lên 660.213 người, chất lượng đảng viên ngày càng nâng cao. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được triển khai nghiêm túc, bảo đảm đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương; việc rà soát chính trị nội bộ, thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ và phát triển đảng viên được thực hiện có chất lượng hơn. Đã quan tâm nhiều hơn trong quản lý, sử dụng cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị; thường xuyên phối hợp tốt trong nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa ban tổ chức cấp ủy với các cơ quan liên quan. Công tác thông tin, tổng hợp phục vụ lãnh đạo được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm yêu cầu và có chất lượng.

Chuẩn hóa văn bản về công tác theo dõi địa bàn và phân công cán bộ theo dõi địa bàn

Việc phân công cán bộ của ban tổ chức tỉnh, thành ủy phụ trách, theo dõi các sở, ngành, đảng ủy trực thuộc đã được các địa phương thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, kể từ khi Ban Tổ chức Trung ương ban hành Quyết định số 1190-QĐ/BTCTW ngày 24-2-2017 về “Quy chế công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn của Ban Tổ chức Trung ương”, nhiều địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk… đã xây dựng Quy chế công tác theo dõi địa bàn cho địa phương, đơn vị mình; thực hiện lại việc phân công cán bộ theo dõi địa bàn, bao gồm cả các đồng chí lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy; quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách, theo dõi địa bàn. Qua đó, bước đầu đã có chuyển biến trong nắm địa bàn, tiếp cận, tham mưu, đề xuất nhanh hơn, chính xác hơn những vấn đề phát sinh từ cơ sở.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất