Đổi mới sắp xếp, cơ cấu và thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy phía bắc rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế, nhất là những hạn chế, yếu kém, bất cập. Trên cơ sở đó xây dựng đề án, ban hành nghị quyết chuyên đề về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; sắp xếp cơ cấu lại và thực hiện thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế.
Nhiều đề án được phê duyệt và thí điểm thực hiện phù hợp với thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực với các mô hình: (1) Hợp nhất cơ quan chuyên trách, giúp việc của cấp ủy đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền nhà nước cùng cấp, tương đồng nhiệm vụ. (2) Hợp nhất tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, chuyên môn cấp tỉnh và các phương án sắp xếp tổ chức, cán bộ. (3) Sắp xếp văn phòng cấp ủy phục vụ chung cấp huyện, cấp tỉnh, cơ quan tham mưu giúp việc chung khối mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện. (4) Hợp nhất văn phòng HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh. (5) Chuyển chức năng, nhiệm vụ của trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp huyện. (6) Sáp nhập một số sở thuộc UBND cấp tỉnh, phòng thuộc UBND cấp huyện. (7) Triển khai đề án sắp xếp ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư.
Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt, khắc phục khó khăn, đạt được kết quả bước đầu rõ nét. Tỉnh Quảng Ninh chuyển chức năng bồi dưỡng chính trị cấp huyện về ban tuyên giáo cấp ủy; chức năng tài chính, phục vụ về văn phòng cấp ủy. Thực hiện thí điểm việc hợp nhất cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện: cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra, ban tổ chức với phòng nội vụ. Đồng thời, thực hiện việc kiêm nhiệm chức danh trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ ở 14/14 huyện, thành, thị ủy. Thành lập văn phòng chung cấp ủy, HĐND, UBND ở 2/14 huyện (14,3%); lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh để thống nhất liên thông với cấp huyện, xã. Thí điểm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 99,3% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu, khối phố. Tỉnh Hà Giang thực hiện thí điểm sáp nhập Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ tỉnh, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh...). Tuyên Quang thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Thành phố Hà Nội sắp xếp bộ máy của 24 sở và tương đương, từ 204 phòng giảm xuống còn 158 phòng, giảm 26 trưởng phòng và 116 phó phòng; 30 quận, huyện, thị xã đã thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành đã sắp xếp lại và giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280, giảm 95 phòng, 45 trưởng phòng, 8 trụ sở làm việc của các đơn vị sự nghiệp. Sắp sếp các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm 206 đơn vị xuống còn 96. Tỉnh Vĩnh Phúc giảm 38 đầu mối cấp phòng thuộc cơ quan đảng, 102 đầu mối cấp phòng thuộc khối chính quyền, tinh giản 102 biên chế khối đảng, 1.414 biên chế khối chính quyền, 10.704 người hoạt động không chuyên trách, từ 1385 thôn, bản, tổ dân phố sáp nhập còn 753. Tỉnh Hà Tĩnh thực hiện giảm 17 phòng, ban và tinh giản 108 biên chế khối đảng, 775 biên chế khối chính quyền; sáp nhập Đảng bộ Khối Cơ quan và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành một đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; sáp nhập trung tâm văn hóa huyện với đài truyền thanh - truyền hình huyện ở 13/13 đơn vị. Tỉnh Lào Cai sát nhập Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng. Một số địa phương, đơn vị đã thực hiện mô hình thí điểm, sắp xếp tổ chức bộ máy khác có kết quả tích cực như Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Giang... Các tỉnh, thành ủy đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện, tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Đổi mới phát huy tính nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ
Thực hiện các văn bản của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các tỉnh ủy, thành ủy phía bắc đã đổi mới trong chỉ đạo việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức đảng, đảng viên, tập thể lãnh đạo và cá nhân cán bộ; gắn với việc phát hiện, gợi ý những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm để cấp dưới tổ chức kiểm điểm nghiêm túc. Nhiều nơi đã cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) bằng các tiêu chí nhận diện biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa. Các hội nghị kiểm điểm đã nghiêm túc và thẳng thắn hơn trong nhìn nhận, đóng góp và góp ý những hạn chế, khuyết điểm để đánh giá, xếp loại thực chất hơn. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa việc nêu gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú. Một số địa phương có những cách làm mới, sáng tạo và thực sự mang lại hiệu quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Hà Giang, Ninh Bình, Nam Định…).
Đổi mới trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
Thực hiện các văn bản của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các địa phương đã phê duyệt kế hoạch thực hiện theo đúng lộ trình đề ra. Nhiều tỉnh, thành ủy đã ban hành văn bản chấn chỉnh tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như quy định khung số lượng cấp phó, tạm dừng tuyển dụng công chức cấp cơ sở đến hết năm 2018. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện danh mục, bản mô tả vị trí việc làm của các cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.
Đa số các địa phương trong khu vực đã ban hành đề án về tạo nguồn cán bộ, quy định về luân chuyển cán bộ gắn với việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không là người địa phương. Chủ động tiến hành nghiêm túc việc rà soát công tác cán bộ từ tháng 6-2012 đến 31-3-2018, đã phân loại, xử lý và có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, sai phạm. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử. Các khâu trong công tác cán bộ đều được thảo luận dân chủ, thống nhất trong tập thể trước khi tổ chức thực hiện. Các tỉnh, thành ủy đã hoàn thành việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Một số tỉnh ủy chủ động đề xuất, phối hợp kịp thời trong kiện toàn các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như: bí thư tỉnh ủy (Thái Bình, Lai Châu, Phú Thọ); phó bí thư tỉnh ủy (Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh); chủ tịch UBND tỉnh (Thái Bình, Nghệ An), bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy (Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương); đề nghị chỉ định cấp ủy viên cấp tỉnh (Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn...). Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 thực hiện nghiêm túc, dân chủ. Trên cơ sở phê duyệt quy hoạch các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 của Trung ương, các địa phương từng bước triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Hạn chế, khó khăn
Một số tỉnh, thành ủy chưa mạnh dạn đổi mới công tác tổ chức xây dựng đảng, nhất là việc cụ thể hóa những chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới công tác cán bộ phù hợp với điều kiện, đặc điểm. Công tác quản lý đảng viên của các cấp ủy, nhất là ở cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nguồn cán bộ thay thế các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ở một số tỉnh, thành ủy còn khó khăn cần có lộ trình bồi dưỡng, rèn luyện để có thể thay thế từ nay đến cuối nhiệm kỳ và nhiệm kỳ sau. Một số địa phương chưa khắc phục triệt để những hạn chế, nhất là tiêu chuẩn, điều kiện trong đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử ở cơ sở. Còn có biểu hiện hình thức, chưa thực chất trong đánh giá, phân loại chất lượng tập thể, cá nhân.
Nguyên nhân là do quyết tâm chính trị của một số cấp ủy, của người đứng đầu chưa cao, chưa chủ động, mạnh dạn trong cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, áp dụng các mô hình mới, cách làm, sáng kiến cho phù hợp với điều kiện địa phương mình. Việc tham mưu của ban tổ chức cấp ủy có nơi còn bị động. Ý thức trách nhiệm, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn thấp, cá biệt còn có cán bộ tiêu cực. Việc ban hành các văn bản của Trung ương còn chậm, chưa đồng bộ, đôi khi chưa thống nhất dẫn đến khó khăn, lúng túng khi các cấp ủy địa phương triển khai thực hiện.
Kinh nghiệm
Thứ nhất, đổi mới phải bắt đầu từ thực tiễn. Phải tiến hành rà soát tổng thể, kỹ lưỡng tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đánh giá quá trình hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả đạt được bằng cách: Đơn vị tự đánh giá, cấp trên trực tiếp đánh giá, đội ngũ công chức làm việc tại cơ quan đánh giá, lãnh đạo cơ quan đánh giá. Sau đó là đánh giá của cấp ủy để thấy được những mặt mạnh, bất cập, chồng chéo, đan xen và cách tháo gỡ, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả, thống nhất tổ chức thực hiện.
Thứ hai, phải có quyết tâm chính trị cao và phải mạnh dạn đột phá. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy thực sự không đơn giản, khi thực hiện sẽ kéo theo nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo để giải quyết. Đó là: ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng do thay đổi môi trường làm việc, phải rời bỏ bộ phận mà công chức, viên chức đang làm, phải làm thêm nhiều việc hơn, làm những việc mới, lạ, chưa quen... Khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo sẽ giảm, nên việc sắp xếp đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, tránh gây tâm tư và mất động lực làm việc của cán bộ. Vấn đề chế độ, chính sách phải được xử lý một cách linh hoạt, đồng bộ. Đồng thời, khi thấy vấn đề đã chín muồi, thực tế kiểm nghiệm, lộ trình triển khai hiệu quả, có sự chuẩn bị nhân sự thì các tỉnh, thành ủy phải có quan điểm chỉ đạo rõ ràng, nhanh, dứt khoát, dứt điểm.
Thứ ba, phải tạo được sự đồng thuận. Trước hết phải đồng thuận về chủ trương từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Phải phân tích một cách thấu đáo về hiệu quả đạt được khi thay đổi tổ chức, những lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, người dân. Trong đó, cần phân tích sự hy sinh về quyền lợi cá nhân, nhưng nhất thiết phải giải quyết thấu tình đạt lý, ưu tiên chính sách cao nhất có thể, hoặc đề xuất cơ chế hỗ trợ riêng để cán bộ chia sẻ, đồng tình với tổ chức.
Thứ tư, phải kiên trì, bền bỉ thuyết phục. Mô hình hợp nhất chưa có trong tiền lệ, nên không có khuôn mẫu, không có hướng dẫn từ cấp trên, thậm chí mô hình mới có thể làm mất đi tổ chức mà ngành dọc đang chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh để từng bước hoàn thiện. Vì vậy, phải xây dựng đề án một cách cụ thể, chi tiết, đưa ra được hướng tháo gỡ những bất cập mới xuất hiện, tạo được sự thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, cá nhân.
Thứ năm, phải có lộ trình thực hiện khoa học. Khi hợp nhất các cơ quan, tổ chức phải nghiên cứu kỹ thời điểm hội đủ điều kiện hợp nhất, chú ý đến điều kiện của địa phương, ý chí người đứng đầu, năng lực đội ngũ... nên làm thí điểm trước, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai ra diện rộng.
Thứ sáu, phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Trước khi thực hiện hợp nhất phải thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu, đồng thời có lộ trình và lựa chọn cán bộ đủ tầm, xứng tầm đối với vị trí được giao. Chọn được cán bộ có phẩm chất, đạo đức để bố trí gánh vác “hai vai” là nhân tố quyết định.
Thứ bảy, xây dựng quy chế làm việc. Bộ máy mới, chưa có tiền lệ nên phải chú trọng xây dựng quy chế hoạt động bảo đảm vận hành đồng bộ, tránh sáp nhập một cách cơ học. Rõ quan điểm: Một người thực hiện nhiều nhiệm vụ; một nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính; xây dựng quy trình thực hiện nhanh, gọn, loại bỏ khâu trung gian.
Thứ tám, tạo sự khích lệ lan tỏa. Phải tiến hành sơ kết, đánh giá nghiêm túc, nếu có hiệu quả thì triển khai đồng bộ ngay ra diện rộng. Những nơi làm tích cực, sáng tạo cần có sự biểu dương, khen thưởng. Đồng thời, tổ chức tốt việc tuyên truyền để nhân rộng mô hình hay, hiệu quả.
Thứ chín, phải có sự chỉ đạo sát sao, giám sát việc thực hiện và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Trong quá trình triển khai thực hiện các tỉnh, thành ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và kịp thời hướng dẫn tháo gỡ, rút kinh nghiệm. Cần ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực, bằng cách phân định thẩm quyền giữa các cấp theo hướng tăng cường phân cấp. Chỉ đạo việc xây dựng quy chế mới, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng chức danh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới... Tăng cường giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp, ngành, cơ quan Trung ương cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nguyễn Mạnh Toản
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, BTCTƯ