Nhận diện văn hóa quản lý từ những lời dạy của Lênin

V.I.Lênin là lãnh tụ, người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô nhưng Người còn trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ.

 Với cương vị là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, V.I.Lênin đã tổng kết và chỉ ra những vấn đề cơ bản về văn hoá quản lý, mà theo chúng tôi, những chỉ dẫn đó vẫn đang là bài học có tính thời sự cấp thiết cho chúng ta hiện nay.

1. Văn hoá quản lý, sự tự ý thức của chủ thể.

Giành được chủ quyền quốc gia đã khó, giữ vững và kiến thiết quốc gia lại càng khó hơn. Khó khăn lớn nhất là ở chính ngay sự tự ý thức của chủ thể quản lý, trong nội bộ tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước.  Tự ý thức để đưa văn hóa vào quản lý, để thắng được những lạc hậu, tiêu cực, những cản trở - những “kẻ thù bên trong” như Lênin và Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Đó là, tính “kiêu ngạo cộng sản” của không ít đảng viên của đảng  cầm quyền. Họ “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình. Khi họ là đảng viên của một đảng chấp chính và là nhân viên công tác ở một cơ quan nhà nước nào đó, thì trên cơ sở đó họ nghĩ rằng điều đó làm cho họ có thể nói đến những kết quả…”(1).

Đó là, trình độ văn hoá thấp kém (văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý, văn hoá thực hành dân chủ). Sự thiếu hụt kiến thức đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của lãnh đạo và quản lý bởi nó không có triết lý, không có chính kiến nhất quán mà chỉ là sự chắp vá, sự lặp lại những kinh nghiệm của “ngày hôm qua” hoặc là sự bắt chước lố bịch. Đối với một xã hội dân chủ - mà chúng ta muốn xây dựng nó cao hơn chế độ dân chủ tư sản - nhưng lại thấp kém về văn hoá thì nhà lãnh đạo và quản lý chỉ có thể nhận được “những tin đồn đại, những chuyện nhảm nhí, những chuyện hoang đường, những thiên kiến, chứ không phải chính trị”(2).

Đó là, quan liêu xa thực tế, xa cấp dưới và xa dân, chỉ làm việc theo kiểu bàn giấy; là không biết “tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực”; là không chịu “chi tiêu tiết kiệm”, là “lười biếng”, “tham ô” và không “làm theo kỷ luật”(3). Chính vì vậy mà tệ tham nhũng và nạn hối lộ khuynh đảo cả bộ máy chính quyền các cấp, và rằng: “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được…” thì “mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”(4).

2. Văn hoá quản lý, năng lực và bản lĩnh của người thủ trưởng

Quản lý là một nghề, phải được đào tạo vừa theo chiều rộng (kiến thức chung về chính trị, kinh tế, xã hội), vừa theo chiều sâu (kiến thức chuyên ngành) để quản lý “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn” như Hồ Chí Minh vẫn nói. Nhà quản lý vừa  phải biết rõ lĩnh vực mình quản lý lại vừa phải biết chỉ huy, điều hành, hướng dẫn và kiểm tra công việc của cấp dưới. Quản lý phải dựa vào tổ chức và bộ máy nhưng người thủ trưởng phải tự mình kiểm tra những khâu, những việc trọng yếu và có dũng khí để chấn chỉnh, khi cần thì thay ngay những người không đủ uy tín và khả năng làm việc, tuyệt đối không được lề mề, thiên vị, vì nể cá nhân, bất kể người đó là ai, đã có quá khứ “oanh liệt” như thế nào. Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ, kiểm tra thấy nữ đồng chí Un-nich (đảng viên Đảng cộng sản (b) Nga từ năm 1909, những năm 1914-1924 là chuyên viên Ban thư ký của Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ) đã không chấp hành đúng quy chế lại tuỳ tiện thay đổi hình thức và chế độ làm việc; còn Xmô-lin Ni-cốp và Dăc-cơ - 2 cán bộ phụ trách Un-nich - thì làm việc tắc trách, thiếu kiểm tra đôn đốc chu đáo lại tự ý ra các quy định không đúng thẩm quyền, Lênin đã thể hiện một thái độ kiên quyết: “Tôi tuyệt đối không cho phép làm như thế. Chỉ có các Phó chủ tịch, cùng ký tên, mới có quyền ra lệnh và cho phép thay đổi… Nếu người nào có một sự thay đổi nào khác thì sẽ bị đuổi khỏi chức vụ”(5). Tiếp đó, Người ra lệnh cho các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm kiểm tra cụ thể công việc và báo cáo công việc một cách chính xác. “Nếu không chấp hành đúng đắn, những người này sẽ bị trừng phạt thẳng tay, bị bắt giam hoặc cách chức theo lệnh của các phó chủ tịch. Còn nếu Bộ trưởng dân uỷ không chấp hành nghiêm chỉnh thì sẽ bị cảnh cáo… Theo dõi công việc này - một cách thật nghiêm túc - là nhiệm vụ của Chánh văn phòng Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ và thế nào tôi cũng cách chức nếu việc này không được chấp hành nghiêm chỉnh một trăm phần trăm.

Nhiệm vụ là làm cho các bộ dân uỷ quen với tác phong đúng đắn, bằng cách tống vào nhà lao hoặc đuổi những người chấp hành không đúng đắn”(6). Người còn nói rõ đó là quy định chung cho tất cả các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

3. Văn hoá quản lý, nhận sai và sửa sai.

Nhà quản lý thông minh không phải là người không bao giờ mắc sai lầm, mà là người biết mau chóng nhận ra sai lầm đã phạm phải. Chính V.I.Lênin là người đã tự chỉ trích về những chủ trương thực hiện chính sách cộng sản chủ nghĩa ngay sau Cách mạng Tháng Mười 1917 và cả những thiếu sót khi điều hành bộ máy nhà nước. Cho tới nay, thực tiễn đã chứng tỏ rằng việc đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) là một quyết định sửa chữa sai lầm mang dấu ấn của một nhà lý luận thiên tài và một nhà quản lý vĩ đại. Trong việc đề bạt, sử dụng, thay thế cán bộ, V.I.Lênin cũng đã có nhiều lần tự nhận một cách công khai, minh bạch về những sai lầm của mình và sửa sai một cách khẩn trương để người tốt được minh oan, kẻ xấu bị thải hồi. Xin nêu một ví dụ: năm 1922 do đánh giá sai, Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ đã loại bỏ Xnô-sê-côp khỏi chức Thứ trưởng Bộ Tài chính vì đồng chí ấy có ý kiến mới về xây dựng tổ chức bộ máy trái với cấp trên, đề bạt An-xki, một cán bộ kém khả năng và không vững vàng về chính trị thay thế. Sau một thời gian, V.I.Lênin đã thẳng thắn phát biểu: “Theo tôi, cần phải đuổi An-xki (không dùng vào việc gì được cả); đưa Cra-xnô-sê-côp trở về. Đồng chí đó đúng… Đồng chí đó sẽ xây dựng bộ máy…”(7).

4. Văn hoá quản lý, tập thể bàn thảo, cá nhân phụ trách.

Nhiều lần V.I.Lênin nhấn mạnh: “Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người”(8). Người đặc biệt chú ý đến việc bàn thảo dân chủ, bởi vì “cách mạng thì không thể phát triển được nếu không trải qua một thời kỳ mà mọi người cùng nhau thảo luận rộng rãi về tất cả mọi vấn đề”(9).

Quyết định quản lý phải chính xác, không được phép đa nghĩa để tránh tình trạng mỗi người hiểu một khác vì đó chính là kẽ hở để cấp dưới có thể vận dụng tuỳ tiện. Hội họp là thảo luận chung, làm rõ vấn đề để có quyết định chính xác. Quyết định đó là trí tuệ và ý chí của tập thể, nó sẽ trở thành chân lý để mọi người tự giác phục tùng. V.I.Lênin đã phê phán cách hội họp cho “phải phép”, rút cuộc ý định chủ quan của người đứng đầu (có thể sai) vẫn được “tập thể thông qua”. Do đó tình trạng, mà sinh thời Hồ Chí Minh gọi là, trong hội nghị thì im tiếng, ngoài hội nghị thì nhiều mồm, thầm thì bàn tán, lòng tin giảm, không tạo ra sự đồng thuận và phấn hứng khi thực thi quyết định. Nhà quản lý cũng phải biết “phân biệt được cái gì là cần thiết cho các cuộc hội họp thảo luận và cái gì là cần thiết cho việc quản lý… Đáng tiếc là… phần lớn các cuộc đại hội đều đã được tiến hành một cách không thực tế”(10).

Với cương vị là người giữ trọng trách cao nhất của Nhà nước Xô viết, Lênin đã công khai thừa nhận: “so với tất cả các nước trên thế giới, thì chúng ta chiếm kỷ lục về số lượng đại hội. Không một nước cộng hòa dân chủ nào lại họp nhiều đại hội như nước ta, vả lại họ cũng không cho phép họp nhiều đại hội như thế”(11).

Khi đã có quyết định thì phải thực thi một cách quyết liệt, chặt chẽ, dũng cảm. “Ở đây, không thể có thứ tình cảm uỷ mị nào cả. Tình cảm uỷ mị cũng tội lỗi không kém gì sự hèn nhát trong chiến tranh”(12).

Lênin phê bình các bộ trưởng: “Đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình, đáng lẽ phải đưa ra các quyết định lên Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ, với ý thức rằng chính mình là người chịu trách nhiệm, thì người ta lại nấp sau các ban. Đến thánh cũng không biết đâu mà lần trong các ban đó, không làm thế nào mà tìm ra được người chịu trách nhiệm cả; mọi cái đều rối tung và cuối cùng, người ta đưa ra một nghị quyết trong đó tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm”(13).

5. Văn hoá quản lý và cải cách hành chính.

Cải cách các thể chế và thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên, phải chú ý từ những chi tiết, tưởng chừng như “nhỏ nhặt” nhưng lại liên quan đến việc chấp hành các quyết định quản lý. Cần khắc phục tính rụt rè, thủ cựu, bảo thủ nhưng lại hay “nói to” những vấn đề “lý luận cách mạng” chung chung cao siêu, “xa rời thực tế”. “Trong toàn bộ lĩnh vực những quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị ta đều tỏ ra là cách mạng “ghê gớm”. Nhưng về mặt cấp bậc, về mặt tôn trọng những hình thức và những thể lệ về thủ tục hành chính thì “tính cách mạng” của chúng ta lại hay nhường chỗ cho tinh thần thủ cựu hủ bại nhất.

…Bởi vậy, cuộc sống hiện tại của chúng ta là một sự tập hợp hết sức  rõ rệt những tính táo bạo phi thường với mọi tâm lý rụt rè trước những thay đổi nhỏ nhặt nhất”(14).

6. Văn hoá quản lý và pháp luật

Công cụ của nhà nước dùng để quản lý là pháp luật. Mọi người dù là chủ thể quản lý hay khách thể quản lý cũng đều phải phục tùng pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chính nguyên tắc đó sẽ đảm bảo cho xã hội một sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kỷ cương để phát triển bền vững. V.I.Lênin đã viết rằng: “Pháp luật Xô viết rất tốt, vì những pháp luật này đã đem lại cho mọi người cái khả năng chống tệ quan liêu và bệnh lề mề…”(15). Nhưng Người cũng phàn nàn rằng pháp luật Xô viết vẫn chưa được thực hiện, ít người biết sử dụng khả năng đó, “không những nông dân mà chính cả một số rất lớn đảng viên cộng sản cũng không biết dùng pháp luật Xô viết để đấu tranh chống bệnh lề mề và quan liêu, hoặc ngay cả cái điển hình của Nhà nước Nga là nạn hối lộ”(16). Người cũng chỉ ra rằng căn nguyên không phải do nước Nga thiếu luật, hoặc thiếu phương tiện tuyên truyền pháp luật, ngược lại, người ta đã thảo ra nhiều văn bản luật nhưng hô hào suông mà không nâng cao được trình độ văn hoá của quần chúng và dựa vào sự giúp đỡ của họ để thực thi pháp luật.

7. Văn hoá quản lý, đoạn tuyệt với chủ nghĩa cơ hội.

V.I.Lênin đặc biệt quan tâm đến việc làm trong sạch tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài đòi hỏi phải thanh trừng ra khỏi tổ chức của Đảng và của các cơ quan nhà nước những kẻ cơ hội, bọn quan liêu và nhận hối lộ vì chính bọn này đã làm vẩn đục tình hình để “buông câu trong đám nước đục” và trên thực tế “họ đã câu được trong đám nước đục ấy đến mức chỉ có những người đui mù trong chúng ta mới không thấy được là họ đã câu như vậy trên một quy mô rộng lớn tới chừng nào”(17), Người đòi hỏi phải qua thực tiễn mà đánh giá đạo đức và năng lực thực tế của cán bộ, công chức, đem so sánh với cấp bậc và chức quyền họ đang giữ.

Mấu chốt của văn hoá quản lý là vấn đề nhân sự và “Điều kiện đầu tiên của người Cộng sản chân chính là đoạn tuyệt với chủ nghĩa cơ hội”(18).

Việc dùng người thể hiện tâm và tầm văn hoá của nhà quản lý.

_____

(1, 2, 4, 8, 9, 10, 11, 12, 18) V.I.Lênin toàn tập, NXB Tiến Bộ, M.1978, tập 44, tr.217, 218, 207, 208, 22. (3) Sđd, tập 36, tr.214. (5, 6, 7). Sđd, tập 54, tr.339, 340, 294. (13, 14, 15, 16, 17) Sđd, tập 45, tr.138, 453, 454, 112.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất