Khi giai cấp vô sản ra đời, xã hội đặt dưới sự thống trị của giai cấp tư sản. Phong trào vô sản đấu tranh chống giai cấp tư sản và các thế lực bóc lột cũng bắt đầu ngay từ đó, nó liên tiếp diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc, cho tới nay. Trong tất cả các hình thức và các giai đoạn đấu tranh của giai cấp vô sản khi chính quyền nhà nước còn nằm trong tay giai cấp tư sản thì đều là các cuộc đấu tranh chính trị với ý nghĩa như là một sự tập dượt, rèn luyện để trưởng thành; những người cộng sản đều phải nắm lấy và hướng dẫn nó. Khi nói về mối quan hệ giữa những người cộng sản với toàn thể những người vô sản, C.Mác đã chỉ rõ: “Trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào”(1). Đó là chân lý hiển nhiên, là lẽ bình thường mà những người cộng sản chân chính cách mạng phải hiểu và vận dụng. Nhưng trên thực tế, ngay từ thời C.Mác đã có những “lý luận gia” và không ít những nhà hoạt động chính trị thờ ơ với các hình thức đấu tranh của giai cấp vô sản. Họ coi các hình thức đấu tranh của giai cấp vô sản chống chính quyền của giai cấp tư sản và giới chủ tư bản bóc lột giai cấp công nhân như là một sự vụn vặt, thấp kém, trái với nguyên tắc và mục đích tối cao, cuối cùng của đảng cộng sản. Họ đưa ra những lý thuyết viển vông, mơ hồ để ru ngủ phong trào công nhân trước sự bất công, tàn bạo của giới chủ được bênh vực và bảo vệ bởi nhà nước tư sản. Chẳng hạn, họ cho rằng mục đích cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ nhà nước, vì vậy “Giai cấp công nhân không cần phải tự tổ chức thành chính đảng; giai công nhân không được viện bất cứ lý do gì để làm chính trị, vì tiến hành đấu tranh chống nhà nước tức là thừa nhận nhà nước và như vậy là trái với những nguyên tắc vĩnh cửu! Công nhân không nên tiến hành bãi công, vì phí sức mình để giành cho được tăng lương hoặc để ngăn chặn hạ lương có nghĩa là thừa nhận chế độ làm thuê, như thế là trái với những nguyên tắc vĩnh cửu của việc giải phóng giai cấp công nhân!
... Công nhân không nên thành lập các công đoàn, vì như vậy công nhân sẽ làm cho sự phân công lao động xã hội, như hiện có trong xã hội tư sản, tồn tại mãi; chính sự phân công ấy làm cho công nhân chia rẽ và là cơ sở thực sự của tình trạng nô lệ hiện nay của họ... Tóm lại, công nhân nên khoanh tay đứng nhìn và không nên lãng phí thời gian của mình vào việc tham gia phong trào chính trị kinh tế. Loại hoạt động đó chỉ có thể mang lại cho họ những hậu quả trực tiếp... Trong khi chờ đợi sự thanh toán xã hội tuyệt đẹp ấy, giai cấp công nhân phải tỏ ra hiền từ nhã nhặn như đàn cừu ăn no, không được quấy rầy chính phủ, phải sợ sệt luật pháp, phải chịu nhẫn nhục... dù sao họ cũng không được chống đối chế độ tư bản, ngoài việc cao đàm về cái xã hội tương lai không còn chế độ đáng ghét ấy nữa”(2). C.Mác gọi đó là “chủ nghĩa thờ ơ chính trị”.
“Chủ nghĩa thờ ơ chính trị” mà C.Mác phê phán là tư tưởng phản động và hèn hạ của nhà kinh tế học tư sản Pru-đông P.J (Paris xuất bản năm 1868). Nó đã bị C.Mác phê phán và bị vứt vào sọt rác của lịch sử. Tuy vậy nó cũng vẫn còn ảnh hưởng với những mức độ khác nhau ở những nước có nền kinh tế thị trường. Ngay ở nước ta hiện nay cũng không phải không có nhiều nơi coi thường việc xây dựng tổ chức đảng và tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Không phải là không có sự ươn hèn và thoái hoá, biến chất của một số người được cử đại diện phía Việt Nam tham gia trong lãnh đạo các liên doanh… Phải nhận rõ rằng những người công nhân chúng ta trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay, xét về mặt chính trị xã hội thì họ là một bộ phận của giai cấp đang lãnh đạo xã hội, họ có tổ chức đảng tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Như vậy, họ đang là chủ nhân có tổ chức của xã hội, có Đảng lãnh đạo, có Nhà nước pháp quyền XHCN đang quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân (trong đó có khu vực kinh tế ngoài nhà nước). Nhưng xét về mặt sở hữu thì bản thân những người lao động Việt Nam hiện nay trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn là người vô sản (với ý nghĩa là người không có tư liệu sản xuất) đang làm thuê cho giới chủ. Mặc dù vậy, như trên đã nói, họ khác xa cái giai cấp vô sản “trần như nhộng” của thế kỷ 19, bối cảnh ra đời của chủ nghĩa Mác. Đây là một bộ phận của giai cấp vô sản đặc thù trong một xã hội có nền kinh tế thị trường chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Vậy thì Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cần có sự đầu tư trí tuệ, tâm lực và trách nhiệm nghiên cứu và hoạch định chính sách để tổ chức, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Nếu khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân thì bộ phận giai cấp vô sản ở đây cũng ngày càng quan trọng. Không thể để tình trạng “Chủ nghĩa thờ ơ chính trị” xuất hiện một cách tự phát như vừa qua ở một số nơi. Ví dụ có doanh nghiệp, giới chủ mạt sát, thậm chí sỉ nhục người lao động, có nơi quỵt lương công nhân, tự ý tăng giờ làm nhằm bóc lột sức lao động; hoặc không ít nơi giới chủ không tôn trọng luật pháp Việt Nam về những điều kiện bảo hộ lao động để xảy ra chết người…, về giữ vệ sinh môi trường lao động; về đảm bảo những phúc lợi xã hội như y tế, sinh hoạt văn hoá, nơi ăn ở (không ít nơi công nhân bị ngộ độc hàng loạt khi ăn cơm ở bếp tập thể), phương tiện đi làm khó khăn, trường học cho con em không có… Đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có hành động làm ô nhiễm môi trường ở các mức độ khác nhau, có nơi rất nghiêm trọng, nhưng các nhà quản lý thì có nơi còn bao che, có nơi chỉ xử phạt chiếu lệ, gượng nhẹ; đặc biệt, các chế tài hoặc thiếu, hoặc chưa đủ mạnh và việc khắc phục rất trì trệ. Như thế thì có phải là sự lặp lại “chủ nghĩa thờ ơ chính trị” của Pru-đông P.J một cách có ý thức hay vô thức không?
Theo thiển nghĩ của chúng tôi, trong công tác xây dựng đảng về tư tưởng và lý luận thì cần đấu tranh, vạch trần, lên án những biểu hiện của “chủ nghĩa thờ ơ chính trị”; trong hoạch định chủ trương, chính sách cần đặt vấn đề chống một cách nghiêm túc, cần thể hiện một cách quyết liệt trong hoạt động thực tiễn; trong tổ chức thì cần nghiên cứu một cách khoa học, sát với thực tiễn để xây dựng và củng cố các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội ở các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Không thể bằng vào kinh nghiệm tổ chức, xây dựng và phương thức hoạt động ở thời kỳ đã qua - thời kỳ cơ chế quản lý tập trung bao cấp - để ứng dụng trong các doanh nghiệp hiện nay. Đảng cần có chỉ đạo cụ thể trong xây dựng và hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và lãnh đạo các cơ quan nhà nước xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các hoạt động của giới chủ và cả với người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cần có sự cân nhắc thận trọng khi cử cán bộ vào làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, nhất là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài; cần giáo dục và quản lý chặt chẽ tư tưởng và đạo đức của họ để họ thực sự là người của giai cấp công nhân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Phải trừng trị thích đáng những ai chỉ vì lợi ích cá nhân mà hy sinh lợi ích của quốc gia và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hơn bất cứ ở đâu, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đang đòi hỏi một đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa vững về chính trị, vừa có tâm trong sáng, vừa có trí tuệ và bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về phía những người lao động, cần phát huy ý thức và bản lĩnh của người làm chủ đất nước, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong và kỹ thuật lao động công nghiệp, đặc biệt là nắm vững pháp luật để có quan hệ đúng mực với giới chủ, làm cho giới chủ phải tôn trọng người lao động. Đề cao lòng tự tôn dân tộc, biết tự trọng và tuân theo kỷ luật, luật pháp là cách tốt nhất để giới chủ phải khâm phục và tôn trọng.
Đảng và Nhà nước đã và sẽ phải tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách và hệ thống các quy phạm pháp luật để đảm bảo cho những người vô sản trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước được làm chủ - làm chủ bằng Nhà nước và pháp luật,
---------
(1) Tuyển tập Mác - Ăngghen, NXBST, H.1980, tập 1, tr.557.
(2) Sđd, tập 4, tr.345-347.
Trần Đình Huỳnh