Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu của Tỉnh ủy Quảng Bình
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể có nhiều thành tích trong công tác tổ chức xây dựng đảng.
Công tác tham mưu luôn đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho các cấp ủy đảng có tầm nhìn chiến lược, đưa ra các phương án xử lý chính xác và các quyết định đúng đắn, tối ưu nhất trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội với tư cách của một Đảng duy nhất cầm quyền. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, cần phải nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc, trong đó quyết định nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc có chất lượng.               

Đại hội XI của Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó có nhấn mạnh nhiệm vụ: “Kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu...”[1]. Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm việc xây dựng các cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác tham mưu cho cấp ủy các cấp. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có các Quy định số 222-QĐ/TW ngày 8-5-2009 và Quy định số 219- QĐ/TW ngày 27-12-2013 xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh, thành ủy.                

Ở Tỉnh ủy Quảng Bình hiện có hơn 180 cán bộ, công chức, nhân viên làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trên các lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, tuyên giáo, dân vận, nội chính và văn phòng cấp ủy. Nét nổi bật của đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy tỉnh Quảng Bình là có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có ý thức phục vụ nhân dân. Hiện, có 2 đồng chí có trình độ tiến sĩ, 23 thạc sĩ, 156 đại học, cao đẳng; khoảng trên 60% cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị. Khả năng tham mưu, đề xuất từng bước được nâng lên góp phần giúp cấp ủy chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trên địa bàn và các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong từng thời kỳ. Nhiều cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành nhanh.                

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn xây dựng Đảng hiện nay, xét về chất lượng, số lượng và cơ cấu, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, tham mưu ở các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy Quảng Bình nhìn chung còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên, từng bước được chuẩn hóa, song tính chuyên nghiệp chưa cao. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng công chức ngày càng tăng nhưng vẫn còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, tuy đông nhưng không đồng bộ. Năng lực công tác của nhiều cán bộ nghiên cứu, tham mưu còn hạn chế, như: khả năng phân tích - dự báo, khả năng nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn; thiếu chủ động, nhạy bén trong công tác, nhất là trong tham mưu, đề xuất ý kiến, vận dụng chủ trương, chính sách còn máy móc, giáo điều. Một bộ phận tinh thần trách nhiệm, khả năng hợp tác và phong cách làm việc còn yếu và chậm đổi mới; chất lượng tham mưu, soạn thảo các loại văn bản chưa cao. Một số ít chưa thực sự phát huy hết năng lực, sở trường của mình trong công tác, có biểu hiện cầm chừng, chủ quan, tự thỏa mãn, chủ nghĩa kinh nghiệm; tuy có tâm huyết nhưng chưa thực sự yên tâm gắn bó với cương vị công tác của mình...                 

Những năm qua, cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy Quảng Bình đã quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ bằng nhiều hình thức, biện pháp. Tuy đã có một số kết quả tích cực, nhưng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục. Trong đó, vấn đề cốt yếu nhất là chưa xây dựng được tiêu chuẩn riêng cho từng loại chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, làm hạn chế công tác tuyển chọn, đánh giá, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ... Việc thực hiện các khâu trong công tác cán bộ từ tuyển dụng, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ chưa đồng bộ, đầy đủ và chất lượng; vẫn thực hiện theo quy định chung mà ít chú ý đến tính chất đặc thù của cán bộ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho cấp ủy.              

Đáng chú ý là, chưa tạo được cơ chế thực sự hấp dẫn thu hút những cán bộ giỏi, các chuyên gia về công tác tại các cơ quan đảng. Quá trình tuyển dụng chưa thực sự gắn với công tác kế hoạch hóa nguồn nhân lực, nhu cầu cán bộ của cơ quan, chưa dựa trên nguyên tắc “việc cần người” mà còn từ người phát sinh công việc. Việc xác định vị trí việc làm chưa thật sự đầy đủ, thiếu yêu cầu cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến việc trong một số trường hợp bằng cấp chuyên môn của người trúng tuyển chưa thực sự phù hợp với vị trí việc làm. Qua thi tuyển đã chọn được cán bộ có kiến thức, có kết quả học tập tốt nhưng chưa có điều kiện đánh giá được năng lực công tác thực tiễn trong lĩnh vực công tác đảng, đoàn thể. Sau một thời gian dài ít tuyển dụng được người trẻ hơn, do đó có sự hẫng hụt thế hệ, người cũ về hưu nhưng người trẻ lại chưa đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ. Việc bố trí, sử dụng trong một số trường hợp cán bộ còn biểu hiện tính bất hợp lý giữa bằng cấp chuyên môn và lĩnh vực công tác, chưa dựa vào năng lực thực tiễn để có cán bộ có thể phát huy năng lực, sở trường. Số lượng bằng cấp, chứng chỉ tăng, nhưng không thực sự tỷ lệ thuận với chất lượng và hiệu quả công việc, chất lượng thật sự của cán bộ có bằng cấp, chứng chỉ đang là vấn đề đáng lo ngại. Số cán bộ theo học các lớp cử nhân chuyên ngành về xây dựng Đảng còn rất ít; bồi dưỡng theo lĩnh vực công tác còn khiêm tốn và thụ động. Điều kiện làm việc khó khăn; chế độ, chính sách đối với cán bộ còn thiếu sự hài hòa; kết quả đào tạo, bồi dưỡng chưa được đánh giá một cách đầy đủ, kịp thời và khách quan.             

Hiện nay việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc ở Quảng Bình đang gặp một vài khó khăn, vướng mắc. Do biên chế của khối các ban đảng theo Quyết định 219-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư giảm hơn so với trước đó trong khi chức năng, nhiệm vụ ngày càng nhiều, mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc nên khi thực hiện công tác gặp nhiều khó khăn (từ rất nhiều năm nay khối cơ quan Đảng tỉnh không được bổ sung biên chế). Một số cán bộ không có năng lực công tác hoặc công tác kém hiệu quả nhưng không thể cho nghỉ việc hoặc thay thế được vì vướng biên chế và không có chính sách để tinh giản dẫn đến vừa thừa vừa thiếu cán bộ. Một số nội dung, chương trình đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước còn trùng lắp gây lãng phí thời gian và kinh phí đào tạo cán bộ ví dụ như đã được đào tạo cử nhân hành chính hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính nhưng khi đi thi nâng ngạch vẫn phải học bồi dưỡng về quản lý nhà nước hoặc đã có bằng cử nhân hành chính nhưng phải học toàn bộ nội dung chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính... Việc bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh công tác, hoặc vị trí việc làm đối với đội ngũ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy còn rất hạn chế. Những năm vừa qua, việc bồi dưỡng chức danh mới chỉ đươc tiến hành đối với một số cán bộ là lãnh đạo ban, chưa triển khai đến các cán bộ cấp dưới, nhất là đối với chuyên viên. Một số chủ trương, văn bản hướng dẫn, quy định về công tác tổ chức cán bộ do chưa được ban hành đồng bộ, thống nhất nên khó khăn trong việc triển khai, thực hiện. Quảng Bình vẫn đang là một tỉnh nghèo của cả nước, vì vậy việc đảm bảo ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện các chế độ, chính sách cũng như cải thiện điều kiện làm việc đối với đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy nói riêng còn hạn chế.                 

Xuất phát từ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho cấp ủy tỉnh; từ những yêu cầu mới rất cao trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, để từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế hiện nay, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy Quảng Bình, thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu, đó là:          

1. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

2. Cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.

3. Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, giúp việc của cấp ủy tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần khẩn trương cụ thể hóa, ban hành tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và bộ tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, làm cơ sở cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

4. Nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức.  
       
5. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.          

6. Vận dụng, cụ thể hóa cơ chế, chính sách và tạo điều kiện làm việc tốt cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.          

7. Thực hiện tốt công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức…         

Để Quảng Bình thực hiện được các giải pháp trên, đề nghị các ban đảng ở Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng các chương trình bồi dưỡng cụ thể cho từng nhóm chức danh cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của các tỉnh, thành ủy. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng ở Trung ương nên tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định về các mặt công tác đảng, công tác tổ chức, cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác nội chính... nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.               

Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, ban hành luân chuyển đối với cán bộ làm công tác tham mưu các cấp (hiện nay, chúng ta mới chỉ chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý), nhằm trang bị kiến thức thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, phục vụ cấp ủy. Đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu và sớm ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến một số nội dung về công tác tổ chức cán bộ như đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và một số nội dung mà Trung ương đã lấy ý kiến các tỉnh, thành phố như: Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; hướng dẫn về chế độ thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương; Quy định về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ... để các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, nhất là Ban Tổ chức có cơ sở để tham mưu cho lãnh đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả.                       

Trước những yêu cầu mới rất cao về năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, nhất là đối với tỉnh Quảng Bình - một địa phương vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn trên đường phát triển, thì việc xây dựng một đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu, giúp việc cho cấp ủy đủ mạnh đang là vấn đề vừa cấp thiết trước mắt và lâu dài, nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

-------------------------------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, H.2011, tr.258-259.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất