Xây dựng sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng là bài học sống còn của một Đảng cầm quyền, là nguồn gốc của sức mạnh, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta. Kinh nghiệm thực tiễn xây dựng Đảng cho thấy, lúc nào, nơi nào tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng được quán triệt và thực hiện đày đủ, thì khi đó, nơi đó cách mạng đạt được thành tựu.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là vấn đề xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong mỗi giai đoạn của cách mạng, Người đều nhắc nhở phải chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Người coi việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (1). Người chỉ rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (2).
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 84 năm qua Đảng ta càng ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ sống còn của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ mới, Đảng ta luôn coi trọng chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Sự nghiệp đổi mới đất nước đã thu được kết quả rất quan trọng, khẳng định sự trưởng thành vững mạnh của Đảng về mọi mặt. Nhờ đó, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng đã đoàn kết nhất trí một lòng, không sợ khó khăn gian khổ phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ bản xây dựng được bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định trước khó khăn, thách thức; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh….
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng… như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã khẳng định. Tình hình quốc tế hiện nay có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hoà bình”, đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là phải tăng cường xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm nhằm củng cố lòng tin của dân với Đảng là một đòi hỏi cấp thiết trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Theo đó:
Trước hết phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trọng tâm là giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, nhất trí trong Đảng và tầm quan trọng của việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Gắn tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng với củng cố khối đại toàn kết toàn dân, trên cơ sở mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên đối với việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Mở rộng dân chủ trong Đảng đi đôi với nắm vững nguyên tắc đoàn kết, nhất trí trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm, Điều lệ của Đảng và trên cơ sở tình cảm cách mạng trong sáng của người cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”(3). Đảng chỉ mạnh thực sự khi trong Đảng có sự đoàn kết thống nhất cả trong tư tưởng, hành động và tổ chức. Chỉ trên cơ sở đoàn kết thống nhất, dân chủ thì đảng viên mới thực sự trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau giúp nhau nhận rõ khuyết điểm sai lầm để cùng tiến bộ. Đặc biệt, phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình, phê bình và cần phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, độc đoán chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng cục bộ, địa vị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan chính quyền. Thực tiễn cho thấy ở địa phương, cơ sở nào cán bộ đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thật sự tiên phong gương mẫu, biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, thì ở đó nội bộ đoàn kết thống nhất, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền không ngừng được giữ vững và nâng lên. Ngược lại, nếu cán bộ lãnh đạo yếu kém về phẩm chất, năng lực, lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, vun vén cá nhân, thì ở nơi đó đoàn kết trong tổ chức đảng bị rạn nứt, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền bị giảm sút, nhân dân thiếu tin tưởng, tình trạng mất đoàn kết nội bộ, dân khiếu kiện xảy ra kéo dài chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng lớn đến vai trò, uy tín của Đảng trước quần chúng.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Đảng. Đây là hoạt động rất quan trọng của tổ chức đảng, nhất là trong tình mới nhằm phát hiện sớm và kiên quyết giải quyết dứt điểm mọi hiện tượng gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Mặt khác, củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành, đồng thời cần có cơ chế, quy chế cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là trách nhiệm của các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(4).
-------------------------------
(1) (2) (3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr. 611.(4) Sách đã dẫn, tập 15, tr. 612.
Trần Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị