Đại thắng Mùa Xuân 1975 và những dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ gặp gỡ Đoàn đại biểu Anh hùng Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang quân Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, tháng 1-1965.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trọng đại này trước đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo như một kết cục tất yếu ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng 30-4, giải phóng miền Nam, ngày toàn thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta cùng ôn lại những dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và diễn biến lịch sử của cuộc kháng chiến đã qua.

Dự báo về việc đế quốc Mỹ trực tiếp tiến hành xâm lược nước ta

Với trí tuệ thiên tài, tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rất sớm âm mưu đen tối và hành động xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 7-5-1954, sau khi quân ta giành được toàn thắng tại Điện Biên Phủ, trong thư gửi cán bộ, chiến sỹ mặt trận Điện Biên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là bắt đầu”, không được “chủ quan, khinh địch”[i]. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi nhắc nhở đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Người chỉ rõ: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mắt ta còn kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn đó là đế quốc Mỹ”. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về gặp Bác, chúc mừng chiến thắng xong, Người nói ngay “còn phải đánh Mỹ nữa”[ii].

Những gì xảy ra sau đó đúng như dự báo của Người, đế quốc Mỹ đã tìm cách thay chân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mở đầu bằng các hoạt động phá hoại cuộc tổng tuyển cử, dựng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và từng bước mở rộng sự hiện diện quân sự ở miền Nam Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử đã không bao giờ diễn ra, lính Mỹ và trang bị chiến tranh liên tục được gửi tới miền Nam Việt Nam. Nhận định về kẻ thù và dự báo cục diện đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đã trở nên chính xác. Cả dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với một kẻ thù hung bạo nhất thế giới là đế quốc Mỹ. Chiến tranh ngày càng gia tăng về cường độ, quy mô. Đến năm 1965, Mỹ đã ồ ạt đổ bộ quân viễn chinh và quân chư hầu vào trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam, đồng thời chúng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thời điểm cao nhất ở miền Nam có tới 60 vạn quân Mỹ và quân chư hầu, gần 1 triệu quân ngụy với trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.

Tuy phải đối phó với một đội quân hùng mạnh với những kế sách nham hiểm, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn vững vàng một niềm tin, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về dân tộc ta. Niềm tin sắt đá đó được thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài nói, lời tuyên bố của Người.

Dự báo về việc Mỹ đưa máy bay chiến lược B52 ra đánh phá Hà Nội

Sau 10 năm giúp ngụy quân, ngụy quyền tiến hành bình định miền Nam thất bại, Mỹ đứng trước nguy cơ bị sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam. Để cứu vãn tình hình, chính quyền Mỹ tiếp tục triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ vào tham chiến tại miền Nam, đồng thời tiến hành “chiến tranh phá hoại” bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm “răn đe”, ngăn chặn miền Bắc chi viện, tiếp sức cho miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ - Ngụy.

Việc Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ rất sớm. Năm 1962, khi giao nhiệm vụ Tư lệnh bộ đội Phòng không cho đồng chí Phùng Thế Tài, Bác đã hỏi: “… Chú có biết gì về B52 chưa?”[iii]. Chỉ 4 năm sau đó, lời cảnh báo của Bác về  khả năng Mỹ sẽ dùng máy bay chiến lược B52 để đánh phá ta trở thành hiện thực. Ngày 12-4-1966, lần đầu tiên Mỹ dùng B52 đánh phá đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), sau đó đánh phá Vĩnh Linh. Đầu năm 1968, trong buổi nói chuyện với lãnh đạo quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra dự báo chiến lược: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua”, từ đó Người chỉ đạo: “Phải dự kiến hết mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị”.[iv] Và Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nhớ là trước khi thua ở chiến tranh Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.[v]

Lịch sử đã diễn ra đúng như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù chấp thuận đàm phán ở Pa-ri và tiến trình đàm phán đang diễn ra, nhưng đế quốc Mỹ vẫn dùng không quân, mà máy bay B52 là chủ lực ném bom miền Bắc, trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng trong suốt 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972. Trong trận chiến này, Mỹ đã huy động gần 200 máy bay B52, gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, trút 10 vạn tấn bom xuống các trường học, bệnh viện và các khu dân cư. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trước những hành động quân sự điên cuồng của Mỹ, nhưng được dự báo đúng và chuẩn bị từ trước, quân và dân miền Bắc, trong đó tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội đã chủ động, kiên cường chiến đấu và chiến thắng, làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy, buộc phải quay trở lại bàn hòa đàm và ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Dự báo về thời điểm giải phóng hoàn toàn miền Nam

Không chỉ tiên định về thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn những dự cảm chính xác về thời điểm giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - ngụy, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1960, sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 soi sáng, cách mạng miền Nam đã giành thắng lợi to lớn bằng phong trào Đồng Khởi, giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược và bình định miền Nam của Mỹ - ngụy. Tuy kẻ địch vẫn mạnh, nhưng với nhãn quan chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy nguy cơ sụp đổ tất yếu của những tham vọng mà Mỹ - ngụy muốn tiến hành trong tương lai không xa. Trong Diễn văn bế mạc lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tài liệu hiện đang lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh), có đoạn: “Trong lúc chúc mừng Ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm 15 năm nữa Tổ quốc ta sẽ nhất định thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. 15 năm sau, dự đoán này đã được lịch sử kiểm chứng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đã có rất nhiều những nhận xét, cảm phục về tầm cao trí tuệ, sự mẫn tiệp, khả năng dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiến sĩ A. Át-mét, Giám đốc UNESSCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, người có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã có những nhận xét về Người như sau: “… Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[vi]. Rất nhiều nhà cách mạng, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, nhiều chính khách lỗi lạc trong nước và quốc tế cũng đã giành những lời tương tự để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tài liệu tham khảo:

[i]  Hồ Chí Minh, Toàn tập,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 7, tr.272

[ii] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 2001, tr.62

[iii] Phùng Thế Tài: Sđd, tr.212

[iv] Phùng Thế Tài: Sđd, tr.232

[v] Hồ Chí Minh, biên niên những sự kiện v tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội , 1990, tr.203

[vi] Trần Đương, Hồ Chí Minh – Nhà dự báo thiên tài, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2004, tr.7

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất