Bài học từ tác phẩm “Thà ít mà tốt” với đổi mới bộ máy Nhà nước hiện nay

Tác phẩm “Thà ít mà tốt”[1] được V.I. Lê-nin viết tháng 3-1923 và công bố lần đầu tiên trên báo “Sự thật”, số 49, ngày 4-3-1923. Từ đó đến nay, hơn 9 thập kỷ trôi qua nhưng tư tưởng của V.I. Lê-nin về tổ chức bộ máy Nhà nước XHCN vẫn giữ nguyên giá trị. Trong điều kiện Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, qua nghiên cứu tác phẩm này, chúng ta rút ra được một số bài học quý báu:        

Thứ nhất, tiến hành đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, cần phân tích, đánh giá một cách khách quan tình hình để có quyết sách phù hợp.          

Khi đặt vấn đề về đổi mới tổ chức bộ máy, V.I. Lê-nin đã đi từ sự phân tích bối cảnh cách mạng; tình hình bộ máy Nhà nước với yêu cầu đổi mới; nguyên nhân dẫn đến tình hình đó cũng như những điều kiện để tiến hành đổi mới. V.I.Lê-nin không hề che dấu về những yếu kém của bộ máy Nhà nước Xô-viết lúc đó, mặc dù trong bối cảnh các nước đế quốc đang tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của Nhà nước Xô-viết - Nhà nước XHCN đầu tiên và duy nhất trên thế giới tại thời điểm đó. Người thẳng thắn chỉ ra rằng: “Tình hình bộ máy Nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”[2]. Theo V.I.Lê-nin, bộ máy đó là kết quả của một quá trình cải tiến không hiệu quả: “Thế là đã 5 năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy Nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động, qua 5 năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác. Nhìn hoạt động phí công ấy thì tưởng là chúng ta công tác, nhưng thực tế, hoạt động đó đã làm cho những cơ quan và đầu óc của chúng ta đóng cáu lại”[3]. Đây là một sự thừa nhận rất dũng cảm, rất cách mạng mà dường như ngay chính về lâu dài, ở nhiều lúc, nhiều nơi, những người cộng sản không hẳn đã có được. Vì lý do này, lý do khác, nhiều đảng cộng sản đã không dám nhìn thẳng vào những hạn chế trong tổ chức bộ máy đảng, bộ máy nhà nước và trong phương thức lãnh đạo, quản lý của mình, “tô hồng” chế độ để rồi, sau những biến cố dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng hệ thống XHCN trên thực tế ở hàng loạt nước, nhìn nhận ra thì đã muộn. Đó là cái giá phải trả cho bài học thiếu khách quan, thiếu dũng khí trong việc nhìn nhận và sửa chữa những hạn chế của chính mình ở một số đảng cộng sản. Đảng ta trong thời khắc khủng hoảng ấy đã kịp thời đề ra chủ trương “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, để từ đó tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng từ Đại hội của Đảng lần thứ VI (1986). Bài học về thái độ dũng cảm trong việc nhìn nhận và sửa chữa những hạn chế của chính mình mà V.I.Lê-nin để lại đã được Đảng ta quán triệt và vận dụng, góp phần mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thành tựu đạt được cũng nhiều nhưng những hạn chế cũ và những khuyết điểm mới phát sinh cũng không phải ít. Bộ máy Nhà nước của ta vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả và hiệu lực; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân vẫn chưa khắc phục được. Vì vậy hiện nay, những người đảng viên chân chính vẫn cần phải tiếp tục trau dồi bài học của V.I.Lê-nin, thực hành tiếp bài học của Người để chỉnh đốn lại đội ngũ, tổ chức bộ máy đảng, nhà nước để có thể tiếp tục giữ vững, giương cao ngọn cờ cách mạng.      

Thứ hai, đổi mới bộ máy Nhà nước phải tiến hành một cách kiên quyết, nhưng vững chắc từng bước, không được nóng vội.        

Để tiến hành đổi mới một cách có hiệu quả bộ máy Nhà nước, V.I.Lê-nin yêu cầu “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào”[4]. Một bộ máy, một tổ chức mạnh không phải do số lượng, do quy mô mà chủ yếu là ở chất lượng của nó. Đội ngũ cán bộ và bộ máy nhà nước phải có chất lượng cao và thật sự gương mẫu – “thà ít mà tốt”. V.I.Lê-nin cũng dự liệu trước những khó khăn trong việc thực hiện đổi mới bộ máy Nhà nước: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn. Tôi biết là quy tắc ngược lại thế sẽ tự mở cho nó một con đường bằng muôn nghìn ngõ ngách. Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự lại một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường; rằng công tác ấy, ít nhất là trong những năm đầu, sẽ vô cùng ít hiệu quả”[5]. V.I.Lê-nin đã nhìn thẳng vào những khó khăn trong chặng đường tới mà hành động, không chủ quan, xem thường nhưng cũng không một chút bi quan, nao núng. Tư tưởng cách mạng đã vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức. 

Thứ ba, phải biết chọn khâu đột phá trong tổ chức bộ máy Nhà nước để tiến hành đổi mới.    

Việc đổi mới một cách toàn diện và triệt để bộ máy Nhà nước, nhất là trong hoàn cảnh phức tạp của nước Nga Xô-viết lúc đó là một việc không đơn giản. Thiên tài của V.I.Lê-nin thể hiện qua việc Người đã biết chọn khâu đột phá để qua đó, tác động tới bộ máy Nhà nước. Đó chính là bộ máy cơ quan Bộ Dân ủy thanh tra công nông, Người đánh giá rằng: đây chính là “công cụ để cải tiến bộ máy (nhà nước) của ta”. Trong một tác phẩm khác, Người đã coi cơ quan này là “trung tâm của hệ thần kinh” mà nếu tác động đến, nó sẽ làm rung chuyển toàn bộ bộ máy Nhà nước. Ở nước ta, khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã kế thừa và phát triển bài học của V.I.Lê-nin về việc biết lựa chọn khâu đột phá để đổi mới, đó chính là lĩnh vực kinh tế. Qua đổi mới kinh tế, chúng ta từng bước thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển; vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; vừa giữ vững được định hướng chính trị, ổn định xã hội… Tuy nhiên, trong lĩnh vực đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung cũng như trong lĩnh vực đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nói riêng trong những năm qua vẫn còn hạn chế.        

Thứ tư, phát huy tối đa nội lực, trong đó, con người là yếu tố quyết định thành công của việc đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước.          

Khi đề cập đến việc đổi mới Bộ Dân ủy thanh tra công nông, với quan điểm “tất cả cái gì thật sự là ưu tú trong chế độ xã hội của chúng ta phải được đem sử dụng một cách hết sức trân trọng, có suy nghĩ và với một sự am hiểu cặn kẽ”[6]. Trong các yếu tố nội lực, theo V.I.Lê-nin đó là “những công nhân hăng hái đấu tranh cho CNXH… Hai là: những yếu tố kiến thức, học thức giáo dục”. “hai” nhưng thực chất là “một”. Đó là những con người có phẩm chất cách mạng và tri thức tốt. Như vậy, yếu tố con người - theo V.I.Lê-nin là yếu tố  quyết định hiệu quả hoạt động, của việc đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước. Đây cũng là một bài học có ý nghĩa to lớn mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang vận dụng hiện nay. Để phát huy được yếu tố này, V.I.Lê-nin cũng chỉ ra những biện pháp cần thực hiện như: “Nên quan tâm chỉnh đốn bộ máy đó một cách thật đặc biệt chu đáo, quan tâm tập trung cho Bộ Dân ủy thanh tra công nông một số nhân viên có phẩm chất cao, nghĩa là không kém gì những nhân viên kiểu mẫu giỏi nhất ở tây Âu”[7]. “Phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ Dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được” [8] và “Những công nhân mà chúng ta chỉ định là ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương phải là những người cộng sản không thể chê trách được”.V.I.Lê-nin chỉ ra những biện pháp rất cụ thể để thực hiện như: “Mở ngay một cuộc thi soạn hai cuốn sách giáo khoa, hoặc nhiều hơn nữa, viết về tổ chức công tác nói chung, và đặc biệt là về công tác quản lý”[9]; “Cử một vài người có năng lực và tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề[10]. “Cử một tiểu ban chịu trách nhiệm thảo chương trình sơ bộ cho những kỳ thi tuyển người muốn vào làm việc ở Bộ Dân ủy thanh tra công nông; cũng như cho những người định tuyển vào chức vụ “ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương”[11]. “Đồng thời phải cử ra một tiểu ban trù bị có trách nhiệm tìm những người để tuyển vào chức vụ ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương” [12] . Trong những biện pháp đó, V.I.Lê-nin đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh các biện pháp liên quan đến công tác cán bộ.         

Thứ năm, phải gắn tri thức, lý luận với hoạt động thực tiễn.          

Trong tác phẩm, V.I.Lê-nin cho rằng, “Muốn đổi mới bộ máy Nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta” [13]. Một lần nữa, V.I.Lê-nin khẳng định vai trò của tri thức trong công cuộc đổi mới bộ máy Nhà nước, đồng thời với việc nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi đảng viên cộng sản là phải không ngừng học tập, nâng cao tri thức, lý luận. Nhưng điều quan trọng hơn, theo Người là phải đưa tri thức, lý luận đó vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cuộc sống chứ không phải là những tri thức vô hồn “trên giấy”. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, tính hiệu quả và chất lượng thực còn rất thấp. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa sát với từng đối tượng, còn chồng chéo, lạc hậu; gây lãng phí rất nhiều. Còn tồn tại sự xa rời giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng trong mọi lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Thứ sáu, coi trọng thanh tra, kiểm tra trong hoạt động của bộ máy Nhà nước.          

V.I.Lê-nin cho rằng, “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”[14]. Theo Lê-nin, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với các quyết định, chủ trương của mình mà từng phút, từng giây luôn phải nghĩ đến việc kiểm tra tính đúng đắn của các chủ trương, quyết định đó. Thông qua kiểm tra, thanh tra mà phát hiện, sáng tạo ra cái mới, cái tốt hơn. Người viết: “không quên kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần, mà sáng tạo ra một cái gì thực sự không chê trách được, một cái gì có thể làm cho tất cả từng người phải tôn trọng”[15]. Như vậy, trong công tác quản lý nhà nước, nội dung thanh tra, kiểm tra phải luôn được quan tâm, đề cao và coi đây là một trong những nội dung cơ bản nhất.     

Thứ bảy, trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, cần kết hợp giữa tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước với cơ quan đảng tương ứng.            

Trong tác phẩm, V.I.Lê-nin đặt câu hỏi: “Làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô-viết?”[16] và Người tự trả lời: “Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Phải chăng chưa bao giờ có ai nhận xét chẳng hạn rằng trong bộ dân ủy như Bộ Dân ủy ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới thành lập ?... Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố Đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta? Tôi tin rằng điều gì đã được chứng thực là đúng, đã đứng vững chắc trong chính sách đối ngoại của ta và chắc trong chính sách đối ngoại của ta và đã ăn sâu vào trong phong tục tập quán đến mức không còn gây ra một chút hoài nghi nào về phương diện ấy nữa, thì ít ra cũng sẽ thích hợp như thế (và tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp nhiều hơn) với toàn thể bộ máy nhà nước của ta”[17]. Từ bài học về sự kết hợp giữa Bộ Dân ủy ngoại giao với cơ quan đối ngoại của Đảng trên thực tế, V.I.Lê-nin liên hệ tới các cơ quan kiểm tra của Đảng và của chính quyền, đặt ra câu hỏi: “tại sao, đối với cơ quan ấy lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền?”. “Về phần tôi, tôi thấy là làm như vậy không có trở ngại gì cả. Hơn nữa, tôi tin rằng sự kết hợp nhất ấy là điều đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có kết quả. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi hoài nghi đối với điểm đó điều phát ra mọi hoài nghi đối với điểm đó đều phát ra từ những xó xỉnh bụi bặm nhất của bộ máy nhà nước của chúng ta, và những hoài nghi ấy chỉ đáng có một điều là: đem ra mà chế giễu”[18].    

Yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay càng đòi hỏi  phải quán triệt lại quan điểm này của V.I.Lê-nin để sao cho hệ thống chính trị của chúng ta tinh, gọn, thống nhất, hoạt động nhịp nhàng và có hiệu quả.

..............................................
[1] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va [2] V.I. Lê-nin: sđd, tr 442 - 443 [3] V.I. Lê-nin: sđd, tr 445 [4] V.I. Lê-nin: sđd, tr 445 [5] V.I. Lê-nin: sđd, tr 445 [6] V.I. Lê-nin: sđd, tr 444 [7] V.I. Lê-nin: sđd, tr 442 [8] V.I. Lê-nin: sđd, tr 446 [9] 11  12  13   V.I. Lê-nin: sđd, tr 449       [13] V.I. Lê-nin: sđd, tr 444 [14] V.I. Lê-nin: sđd, tr 443 [15] V.I. Lê-nin: sđd, tr 447 [16] V.I. Lê-nin: sđd, tr 452 [17] V.I. Lê-nin: sđd, tr 452 [18] V.I. Lê-nin: sđd, tr 453

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất