Bản thân sự giáo dục cũng cần phải được giáo dục

1. Sự cần thiết của giáo dục

Con người sinh ra là bắt đầu một sự phát triển, chưa hoàn thiện, cần phải có thời gian để hấp thụ sự giáo dục do trao truyền, dạy dỗ, khởi đầu là cha mẹ, gia đình và trường học, đồng thời với sự giáo dục của xã hội, của các tổ chức, nghề nghiệp và chế độ xã hội. Song song với giáo dục là tự giáo dục để ngày càng phát triển và hoàn thiện. Mọi tổ chức chính trị - xã hội khi ra đời cũng là khi bắt đầu sự phát triển, nó cũng đều chưa hoàn thiện. “Tất cả những gì đang phát triển đều là chưa hoàn thiện”(1) - C.Mác đã nói thế và thực tiễn lịch sử nhân loại chứng minh ông nói đúng. Cái gì ra đời và tồn tại cũng đều chưa hoàn thiện. Chính vì sự không hoàn thiện ấy mà cần giáo dục, một nền giáo dục luôn luôn phải là quốc sách gắn liền với sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc như hình với bóng. Số lượng, đặc biệt là chất lượng của nền giáo dục luôn được coi là chỉ số đánh dấu sự nỗ lực hoàn thiện của các thành viên trong mọi gia đình, tổ chức xã hội và mỗi quốc gia, dân tộc. Nhìn tổng quát, chính vì không có gì ngay từ đầu đã hoàn thiện nên nó cần đến sự giáo dục. Một trong những tác phẩm đầu tiên của sự nghiệp khoa học vĩ đại của mình, C.Mác đã khẳng định điều đó. Ông viết: “Sự không hoàn thiện cần đến giáo dục”(2).

Ý thức về tầm quan trọng của giáo dục lý luận cách mạng trong việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nên những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều buổi giảng về lý luận cho lớp cán bộ trẻ của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những bài giảng ấy năm 1927 đã được tập hợp in thành cuốn Đường cách mệnh. Sau khi chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), trong nhiều năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài Người vẫn thường xuyên gửi thư nhắc nhở các đồng chí ở trong nước phải chú ý giáo dục và tự giáo dục để nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, vì chỉ có như vậy mới tránh được sai lầm, khuyết điểm khi đề ra quyết sách, chỉ đạo và hành động cách mạng. Người nói nếu không được giáo dục lý luận, không có lý luận cách mạng thì Đảng sẽ như người không có trí khôn, trong hoạt động cán bộ, đảng viên sẽ như người mò mẫm đi trong đêm không đèn đuốc, dễ mắc sai lầm. Chính Nguyễn ái Quốc trong những năm hoạt động ở Liên Xô đã bằng nhiều cách giới thiệu và đề nghị với Quốc tế Cộng sản nhận và giúp đỡ một số thanh niên ưu tú của Việt Nam sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông, sau này một số người như Trần Phú, Lê Hồng Phong... đã trở thành lớp cán bộ cao cấp đầu tiên của Đảng.

Thể chế chính trị nào cũng cần có giáo dục để đào tạo ra những con người ngày một hoàn thiện theo hình mẫu của nó. Vì vậy, thể chế chính trị có ảnh hưởng quan trọng đến chiều hướng của sự phát triển. Hồ Chí Minh đã từng nói về nền giáo dục phản tiến hóa dưới ách thống trị của thực dân Pháp ở nước ta trước năm 1945 rằng nó đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, nguy hiểm hơn cả sự dốt nát. Vì thế Người đã tập hợp, tổ chức nhân dân cả nước ta đấu tranh để giành lấy chủ quyền. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Cần phải giáo dục lại nhân dân ta. Chính phủ do Người đứng đầu đã tuyên bố: Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Đó là “một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam... làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có”(3) của người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, tương lai của Việt Nam có phú cường sánh vai cùng các cường quốc 5 châu hay không đều trông cậy vào nền giáo dục mới và sự nỗ lực học tập của thanh, thiếu niên và nhi đồng.

Trong kháng chiến gian lao, Người đã nhìn thấy những nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa đất nước sau khi giành lại chủ quyền. Người nói: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”(4). Trước khi qua đời, trong Di chúc, Người căn dặn chú trọng giáo dục đào tạo cán bộ trẻ, đặc biệt là: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.

Giáo dục quyết định đến sự biến đổi tư tưởng, tâm lý và nâng cao trình độ nhận thức của con người. Giáo dục trở thành điều kiện, tiền đề cho việc hình thành và phát triển các lực lượng bản chất của con người. Nó là vũ khí rất sắc bén để giúp chúng ta cải tạo con người. “Lành dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (thơ Hồ Chí Minh). Trong thời đại ngày nay, nhân loại đã bước vào thời kỳ kinh tế tri thức, đương nhiên giáo dục có vai trò quyết định cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, cho toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đang lãnh đạo, chỉ đạo cải cách cơ bản nền giáo dục quốc dân, chấn hưng và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao phẩm chất đội ngũ giáo viên... chính là theo tinh thần sự giáo dục cũng cần phải được giáo dục của C.Mác.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền luôn cần chỉnh đốn, đổi mới để tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Tư tưởng của C.Mác và Hồ Chí Minh đã soi sáng cho ta hiểu rõ: Đảng đang phát triển, đất nước ta, nhân dân ta cũng đang phát triển, chưa hoàn thiện, tất yếu cần được giáo dục. Giáo dục là quốc sách hàng đầu - quan điểm đó của Đảng là mệnh lệnh cuộc sống.

2. Giáo dục để phát triển, hoàn thiện

C.Mác đã chỉ ra một hiện tượng tất nhiên nhưng nhiều khi do chủ quan, tự mãn, tự huyễn hoặc nên trong chúng ta, không ít người hiểu được rằng: “Theo bản tính của nó, con người vốn không hoàn thiện, xét riêng từng người cũng như xét chung cả đám đông”(5). Người nêu câu hỏi mà ai cũng dễ dàng hiểu được rằng, bản thân sự giáo dục, một hoạt động của con người cũng chưa hoàn thiện, chính nó cũng cần phải được giáo dục: “Sự không hoàn thiện cần đến sự giáo dục. Nhưng phải chăng giáo dục không phải là công việc của loài người, do đó là một công việc không hoàn thiện? Phải chăng bản thân sự giáo dục cũng không cần đến sự giáo dục?”(6).

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền Việt Nam là trụ cột của hệ thống chính trị, cả hai đều là bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng cũng đang phát triển, chưa hoàn thiện. Đảng và Nhà nước ta vừa là đối tượng của giáo dục, vừa là chủ thể lãnh đạo và quản lý giáo dục. Thấm nhuần tư tưởng của C.Mác: bản thân sự giáo dục cũng cần phải được giáo dục và của Hồ Chí Minh: Đảng ta không phải từ trên trời rơi xuống, Đảng cũng từ trong xã hội mà ra nên trong mỗi đảng viên cũng có cái xấu, cái tốt, Đảng làm việc cũng có ưu, có khuyết. Vì thế phải thường xuyên giáo dục và tự giáo dục bằng cách chỉnh đốn, huấn luyện, tự phê bình và phê bình. “Nếu Đảng đã thập toàn, thập mỹ thì tại sao phải chỉnh?”(7).

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là đối tượng của giáo dục, vừa là chủ thể của giáo dục, tức là Đảng tự giáo dục mình, tiếp thu sự giáo dục của nhân dân, dựa vào nhân dân xây dựng Đảng và đồng thời là lực lượng lãnh đạo giáo dục quốc dân. ý thức được sứ mệnh vẻ vang, đầy trọng trách, mỗi nhiệm kỳ Đảng lại có nghị quyết về chỉnh đốn, đổi mới Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một lần nữa thể hiện rõ sự trung thành và kế tục sáng tạo học thuyết của C.Mác và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Đồng thời, Trung ương Đảng phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”. Từ đó đề ra những giải pháp khắc phục. Đặc biệt, Trung ương Đảng nhấn mạnh cần: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.

ánh sáng tư tưởng của C.Mác và Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục soi đường cho Đảng ta đi tiếp trên con đường cách mạng chân chính của mình.

Trần Đình Huỳnh và Hà Ngọc Hoàn

-----

(1), (2), (5), (6) Mác và Ăng-ghen, toàn tập, H.1978, tập 1, tr.71, tr.73, tr.72, tr.73. (3), (4), (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 4, tr.32, tập 8, tr.184, tập 7, tr.30.

Phản hồi (1)

Vi Đình Nghĩa 07/05/2015

Bài rất hay. Không sa vào lý luận chung chung, đọc thú vị mặc dù đề tài khô khan.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất