Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Việc thực hiện dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân có nhiều tiến bộ. Không ít cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiền phong, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt thực hiện công cuộc đổi mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên được quan tâm, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay trong Đảng xuất hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra 27 biểu hiện cụ thể nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, cần thực hiện tốt những biện pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng với nhiệm vụ đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
Cán bộ, đảng viên dù công tác ở lĩnh vực, cương vị nào, đều nằm trong một tổ chức đảng và phải chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có liên quan tới trách nhiệm của tổ chức đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) đã chỉ rõ: Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nắm chất lượng cán bộ, đảng viên không chắc, thiếu kịp thời, tính chiến đấu không cao; công tác rèn luyện cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, tổ chức đảng các cấp cần xác định trách nhiệm chính trị, đề ra những biện pháp thiết thực, cụ thể phòng, chống, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng chủ động nắm chắc tình hình, nhạy bén, phát hiện và chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái đang tiềm ẩn hoặc đã xuất hiện ở cơ quan, đơn vị mình để có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời, hiệu quả.
Cấp ủy các cấp quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng cấp ủy, chi bộ thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở để quản lý chặt chẽ, toàn diện cán bộ, đảng viên. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng đối với tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm.
Hai là, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền. Hằng năm, cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; lấy kết quả thực hiện cam kết để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác; tự phê bình và phê bình; giải quyết hài hòa các mối quan hệ; trách nhiệm trong công tác; nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ...Trong công tác, cần đề cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả tri thức khoa học, công nghệ hiện đại trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ khi giải quyết công việc. Đồng thời, chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua; tư tưởng cục bộ, bè phái, biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải có năng lực tham gia, quyết định và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý; có năng lực điều hành, tập hợp quần chúng, biết trọng dụng nhân tài, phối hợp công tác; khả năng tổng kết thực tiễn; phong cách làm việc khoa học, biết lắng nghe, nhạy bén trong công tác tư tưởng và vận động quần chúng.
Ba là, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên
Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đề cao lòng tự trọng, tự ý thức về những việc mình làm, thấy rõ những việc làm chưa đúng. Khi thấy những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu nảy sinh ở cơ quan, đơn vị, phải thể hiện rõ thái độ và dũng cảm đấu tranh. Mọi sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc nể nang, né tránh, không dám đấu tranh đồng nghĩa với việc dung túng, bao che tiêu cực, lạc hậu, để chúng có điều kiện tồn tại và phát triển. Tổ chức đảng các cấp tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác; khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Trong công tác, học tập, sinh hoạt, cán bộ, đảng viên phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ, luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không rơi vào vòng xoáy của tham vọng quyền lực, vun vén lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng. Đề cao ý thức trách nhiệm, tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp làm việc; tinh thần cầu thị tiến bộ, ham học hỏi. Thường xuyên tự đánh giá để rèn luyện, có thái độ nghiêm khắc trong tự phê bình, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cấp trên, cấp dưới, đồng cấp và quần chúng. Tự giác khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm để không ngừng tự hoàn thiện bản thân.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các tổ chức phải thường xuyên coi trọng rèn luyện cán bộ, đảng viên; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cá nhân trên từng cương vị công tác, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên bộc lộ, phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm; lấy kết quả hoạt động thực tiễn làm tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; kịp thời phát hiện, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; tạo dư luận lên án và kịp thời xử lý nghiêm những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị - xã hội
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy chế, quy định, các cấp ủy đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát toàn diện, cả về tư tưởng chính trị, động cơ, thái độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái hoặc giàu lên bất thường, phải tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ. Quá trình kiểm tra, giám sát, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của tổ chức đảng, các cơ quan chức năng và quần chúng để có thông tin đầy đủ, chính xác; kiên quyết khắc phục bệnh hình thức, làm chiếu lệ. Thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, hình thức đối thoại, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện suy thoái. Phát huy vai trò của báo chí, các phương tiện thông tin và dư luận xã hội trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; có cơ chế khen thưởng và biện pháp bảo vệ các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh. Khi phát hiện biểu hiện suy thoái ở cơ quan, đơn vị mình, nhanh chóng làm rõ và kiên quyết xử lý; tránh tình trạng chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc xử lý nội bộ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào tổ chức đảng và cơ quan kiểm tra, giám sát.
Đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ thực sự xứng đáng là những công bộc tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 1