Thành lập các tổ chức đảng trong hệ thống hội theo quy định của Điều lệ Đảng
Tổ chức Hội Nông dân Việt Nam có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở với 63 hội nông dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 681 hội nông dân cấp huyện, 10.575 Hội Nông dân cấp xã, 95.359 chi Hội, 158.938 tổ Hội và trên 10,532 triệu hội viên; 100% xã, phường, thị trấn có nông dân có tổ chức Hội, 100% thôn, ấp, bản có chi, tổ hội.
Thực hiện Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; theo Quy định số 172 - QĐ/TW, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam được Ban Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp thành lập và lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động, bao gồm các lãnh đạo chủ chốt của Hội và đồng chí trưởng ban tổ chức. Tại cấp tỉnh, đảng đoàn hội Nông dân các tỉnh được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp. Tại cơ quan chuyên trách hội các cấp, căn cứ số lượng đảng viên là cán bộ chuyên trách hiện có, đều có các tổ chức đảng phù hợp theo yêu cầu thực tiễn và quy định của Điều lệ. Đảng bộ Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, bao gồm đảng viên sinh hoạt tại 2 Đảng bộ bộ phận và 15 chi bộ trực thuộc. Hầu hết các cơ quan chuyên trách hội cấp tỉnh đều có các chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan cấp tỉnh. Cán bộ chuyên trách hội cấp huyện là đảng viên thường sinh hoạt đảng tại chi bộ Khối Dân hoặc chi bộ Khối Dân - Đảng trực thuộc Đảng bộ cấp huyện.
Nhiệm kỳ 2013 - 2018, trên cơ sở Quy định 172 - QĐ/TW, do tình hình thực tế biên chế cơ quan Trung ương Hội chưa thể thành lập Văn phòng Đảng đoàn, do vậy, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã quyết định phân công 1 đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội phụ trách công tác tổ chức - cán bộ kiêm phụ trách giúp việc cho Đảng đoàn, ngoài ra trưng tập thêm cán bộ trong Ban Tổ chức cùng tham gia giúp việc cho Đảng đoàn để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà không tăng biên chế.
Đảng đoàn thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp công tác với tập thể lãnh đạo cơ quan và Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các cấp Hội.
Thực hiện Quy định số 98 - QĐ/TW, ngày 22-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan; Quy định 314 - QĐ/TW ngày 1-7-2010 của Ban Bí thư quy định về quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảng đoàn các đoàn thể với tập thể lãnh đạo và đảng ủy cơ quan, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy; Quy định 172-QĐ/TW ngày 7-3-2013 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn với tập thể lãnh đạo cơ quan và đảng ủy cơ quan Trung ương Hội trong triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và trong công tác cán bộ tại cơ quan Trung ương Hội.
Thực hiện quy chế phối hợp, Đảng ủy đã cùng với Đảng đoàn triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên cơ quan Trung ương Hội, đồng thời lãnh đạo các ban, đơn vị, các chi bộ tham mưu xác định các nhiệm vụ trọng tâm từng năm của các cấp Hội, làm cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Hội thông qua. Thông qua báo cáo, phản ảnh tại các kỳ giao ban Đảng ủy định kỳ hằng tháng, đặc biệt đối với việc cụ thể hóa nhiệm vụ chuyên môn trong nội dung chương trình công tác năm của chi bộ, đảng bộ để phối hợp lãnh đạo thực hiện.
Những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị của các chi, đảng bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được Đảng ủy phản ánh kịp thời với Đảng đoàn, đồng thời cũng thông qua Đảng ủy, những ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn được triển khai tới các đơn vị. Từng chi bộ đều có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, đảng viên, trong đó mỗi đảng viên đều được giao đảm nhiệm nòng cốt trong các nhiệm vụ chuyên môn của ban, đơn vị.
Trên cơ sở chỉ đạo của thường trực đảng ủy, chi ủy phối hợp với lãnh đạo xác định nhiệm vụ cụ thể của ban, đơn vị, phân công trách nhiệm đến từng cán bộ, đảng viên ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, trong đó đảng viên luôn giữ vai trò nòng cốt, đảm nhận việc khó, việc mới, hoặc chịu trách nhiệm chính đối với một nhóm công việc nhất định. Đảng ủy đã theo sát quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thông qua lãnh đạo, cụ thể hóa nhiệm vụ chuyên môn trong nội dung chương trình công tác năm của chi bộ, đảng bộ, định kỳ báo cáo, phản ảnh tại các kỳ giao ban hằng tháng. Chi bộ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên tại các kỳ sinh hoạt định kỳ, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, chỉ đạo và trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao.
Qua đánh giá khẳng định, cơ bản đội ngũ đảng viên là cán bộ chuyên trách tại Trung ương đã thể hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, bám sát cơ sở, tâm huyết với phong trào. Các tổ chức đảng trong cơ quan chuyên trách đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm lãnh đạo trong triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và chủ trương công tác Hội, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chi bộ, đảng bộ, lãnh đạo các ban, đơn vị được quy định rõ trong Quy chế của từng chi bộ và đều có quy định cơ chế đánh giá cụ thể. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hằng năm của cơ quan Trung ương Hội.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TW (Hội nghị TW 5 khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, về mặt nhận thức và kết quả tổ chức thực hiện trong hệ thống hội, đặc biệt tại cơ quan Trung ương Hội đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành những quy định, quy chế tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức đảng trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung, với Hội Nông dân Việt Nam nói riêng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hội, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là đảng viên là người đứng đầu trong các cơ quan chuyên trách đối với việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ chính trị của Hội.
Vẫn còn hạn chế, khó khăn
Việc thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng đoàn đôi khi chưa kịp thời và còn lúng túng, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, của hội viên và tổ chức Hội; việc phân định chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn và Thường trực có lúc chưa rõ, nhất là trong thực hiện trách nhiệm định hướng lãnh đạo hoạt động Hội. Chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ Hội hiệu quả chưa đạt mong muốn (công tác tập hợp, thu hút hội viên; hoạt động giám sát, phản biện xã hội…).
Nguyên nhân là do phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội chậm đổi mới. Sau hơn ba mươi năm đổi mới, đặc biệt là mười năm gần đây, thực tế đã có những biến đổi nhanh chóng về vấn đề đấu tranh giai cấp, về giai tầng xã hội, về những vấn đề liên quan đến tổ chức, cán bộ... Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác hội và tổ chức Hội chưa theo kịp sự biến đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Trong hệ thống chính trị, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế đầu tư của Đảng, Nhà nước cho Mặt trận và Hội Nông dân để thực hiện chức năng, nhiệm vụ (về con người, kinh phí, điều kiện làm việc, sự lãnh đạo chỉ đạo...) còn chưa tương xứng
Bài học kinh nghiệm
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của các cấp Hội Nông dân theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phải được tiến hành thường xuyên, xuất phát từ thực tiễn; đồng thời phải được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện cả về cơ chế lãnh đạo, sự điều hành, tạo được sự thống nhất trong ý chí và hành động trong các cấp hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cấp hội phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.
Chú trọng đổi mới công tác cán bộ của Đảng trong các cơ quan, tổ chức của hội, bảo đảm nâng cao trình độ, năng lực, sâu sát với nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cấp hội.
Kịp thời đổi mới việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành các văn bản pháp luật chỉ đạo, quản lý hoạt động của các cấp hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào các phòng trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội, Hội Nông dân Việt Nam chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ của Đảng đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ứng cử, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của hội. Tăng cường các hoạt động quản lý cán bộ, giáo dục vai trò nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên của Đảng trong mọi hoạt động. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, Đảng đoàn đưa ra 10 tiêu chí cho cán bộ cam kết thực hiện, chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Coi đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua cán bộ, đảng viên cuối năm. Chỉ đạo đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với cán bộ, phát động cán bộ Hội các cấp đăng ký mỗi cán bộ phải có sáng kiến, sáng tạo để nâng cao chất lượng tham mưu công tác hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập.
Diệp Chi