Sự gặp gỡ lịch sử hai lãnh tụ vĩ đại

Tháng 5 về, người Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung lại bồi hồi tưởng nhớ đến công lao của hai vĩ nhân đã có những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người thoát khỏi “đêm trường nô lệ”, đó là Các Mác và Hồ Chí Minh. C.Mác được coi là người dẫn đường cho các dân tộc tiến đến mục đích cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, xây dựng một xã hội hạnh phúc, ấm no, công bằng, dân chủ và văn minh. Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của C.Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có công truyền bá học thuyết Mác-Lênin vào phong trào cách mạng các nước phương Đông và triệt để vận dụng nó sát hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể trên đất nước Việt Nam với ý chí tiến công mạnh mẽ, đầy tính năng động và sáng tạo.

Cùng tháng sinh và sinh ra trong thế kỷ XIX, nhưng Hồ Chí Minh sinh sau C.Mác tới sáu con giáp. C.Mác sinh ngày 5 - 5 - 1818 tại Trèves - một thành phố nhỏ nằm trên bờ sông Môden của Đức. Hồ Chí Minh chào đời ngày 19 - 5 - 1890 ở vùng quê nghèo huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Khi Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, C.Mác đã qua đời 28 năm. Nhưng, dường như lịch sử đã có sự sắp đặt để những tư tưởng vĩ đại gặp nhau, kế thừa, bổ sung, phát triển, làm thay đổi lịch sử nhân loại.

Với C.Mác, nơi đầu tiên ông đến sống lưu vong để hoạt động ở hải ngoại là thành phố Pa-ri (Pháp) - “trái tim của cách mạng” đương thời. Gia đình C.Mác sống sáu năm trong một căn nhà nhỏ ở phố Vannô, tả ngạn sông Xen. Tại đây, C.Mác đã dốc sức nghiên cứu khoa học và hoạt động cách mạng rất sôi nổi. Nhờ phương pháp luận biện chứng và thế giới quan duy vật khoa học, C.Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội và khẳng định loài người rồi sẽ đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa như là một quá trình lịch sử tự nhiên. Chủ nghĩa Mác với mục tiêu cao nhất là giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng con người, giải phóng nhân loại thoát khỏi sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới - XHCN tiến tới xã hội cộng sản. Đặc biệt, với học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C.Mác đã chỉ ra lực lượng xã hội có thể tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới; đó là giai cấp vô sản. C.Mác chỉ ra cho giai cấp vô sản, trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản - chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới - chế độ cộng sản chủ nghĩa. Với những tác phẩm tiêu biểu như: “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, bộ “Tư bản”… tư tưởng C.Mác mang tính thời đại, soi sáng, có giá trị và sức sống trường tồn. Tư tưởng, lý luận của C.Mác cần được khám phá, vận dụng và phát triển.

Là học trò xuất sắc, đồng thời là người thừa kế sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản. Tháng 3 năm 1919 tại Mat-xcơ-va, Đại hội Quốc tế Cộng sản được thành lập Quốc tế 3 (Quốc tế Cộng sản), thống nhất Chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa Lênin thành chủ nghĩa Mác-Lênin. V.I.Lênin đánh giá học thuyết của C.Mác là một học thuyết cách mạng và khoa học, nó trang bị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức toàn thế giới những nguyên lý cơ bản và phương pháp đấu tranh để giải phóng khỏi chế độ tư bản, vững bước xây dựng thành công CNXH.

Trước sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Tất Thành quyết tâm sang phương Tây tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách áp bức của thực dân Pháp và tay sai. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, người thanh niên ấy là người Việt Nam đầu tiên tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì vậy, sau C.Mác 69 năm - vào cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc đã tới Pa-ri và sống tại đây sáu năm, trong một buồng chật hẹp tại số 9 ngõ Com-poăng. Ở đây, Người đã hòa mình vào làn sóng đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Người khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng học thuyết cách mạng nhất và chủ nghĩa chân chính nhất là chủ nghĩa Lênin. Muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đặc biệt, những di sản vô cùng quý giá của C.Mác và Ăngghen về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được V.Lênin phát triển rực rỡ trong “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” chính là chiếc cẩm nang thần kỳ cứu nước, cứu dân mà Người hằng mong ước. Vì vậy, khi được đọc toàn văn bản luận cương này đăng liên tiếp trên hai số báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xúc động viết: “Luận cương đã làm cho tôi cảm động, phấn khởi và tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng tối mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào đang bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Đó chính là ngày lịch sử mà Người đã đến với C.Mác, với chủ nghĩa Mác - Lênin sau mười năm bôn ba đi tìm đường cứu nước. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 với Cương lĩnh đầu tiên vạch ra đường lối cách mạng Việt Nam đã tạo nên những chiến thắng thần kỳ: thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 với việc khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp đưa miền Bắc đi lên CNXH làm hậu phương lớn cho miền Nam chống Mỹ cứu nước thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả nước tiến hành xây dựng, bảo vệ CNXH trên quy mô cả nước từ sau năm 1975 đến nay mà đặc biệt những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử về lý luận cũng như thực tiễn của công cuộc đổi mới ở nước ta trong hơn 30 năm qua là minh chứng sinh động về sự kiên định và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh C.Mác, 128 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất