Nhân quyền

Nhân quyền nói nôm na là quyền con người, là những quyền tự nhiên của con người (quyền Tạo hóa ban cho một cách bình đẳng đối với tất cả mọi sinh linh ra đời mang đẳng cấp Người - Con Người). Đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền ấy theo luật tự nhiên thì nó không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai, bởi bất cứ chính thể nào. Loài người đã từng được hưởng quyền bình đẳng ấy trong thời bình minh của xã hội do nó kiến tạo một cách sơ khai, thuần khiết, trong sáng, hoàn toàn không có sự tư túng, không có sự chiếm hữu của lòng tham ích kỷ. Thời kỳ ấy đã một đi không trở lại nhưng nó đã ghi dấu ấn vàng son về quyền con người mà Tạo hóa đã ban tặng, để từ khi bước vào xã hội có nhà nước cho tới nay, nhân loại đã từng tốn bao nhiêu giấy mực, tiền của và máu xương để tìm kiếm lại cái quyền thiêng liêng ấy. Chính luật tự nhiên đã bị mọi chính thể vi phạm bởi các luật thực định, luật thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền.

Hãy thử nói về quyền được sống

Đã được sinh ra mang danh hiệu Con Người thì ai chả muốn sống, ai chả muốn có nhu cầu về miếng ăn, thức uống, ai không muốn có quần áo để che thân khi trời nóng lạnh, ai không muốn có được một mái nhà để cư ngụ khi mưa nắng, ai không muốn được học hành…? Nhưng than ôi! Như dân tộc Việt Nam ta đã có lịch sử mấy ngàn năm dựng xây và bảo về sơn hà của mình, đã từng xây nền văn hiến từ lâu mà tại sao đã bao đời đại bộ phận nhân dân ta vẫn đói rách cơ cực? Cha ông ta đã từng vùng lên, vật vã, kiếm tìm nhưng tìm mãi mà vẫn chưa có đường ra. Nhà thơ lớn - tác giả của thi phẩm Điêu tàn viết trong thuở nô lệ dân ta mất nước - đến cách mạng mùa thu dựng nền dân chủ cộng hòa  mới ngộ ra vì sao “Cha ông ta từng đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời. Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa” (Chế Lan Viên, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”). Chính vì thế lòng mong muốn tột cùng của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh rằng mọi người ai cũng có việc làm, ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành, cho tới nay vẫn là mơ ước của hàng tỷ người trên trái đất.

Thiết nghĩ, các thế hệ người Việt Nam ta, bất cứ ai - trừ những người bị thiểu năng trí tuệ - đều không thể không thừa nhận đoạn nghị luận có giá trị như là một “Thiên cổ hùng văn” sau đây: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng,dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. (Hồ Chí Minh, “Tuyên ngôn Độc lập”).

“Không có  gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là cốt lõi của nhân quyền. Chính vì thế mà nhân dân ta đã hy sinh biết bao tiền của, máu xương suốt trong 30 năm dài đấu tranh để giành và giữ vững chủ quyền quốc gia. Hơn bất cứ ai, những người cần lao - lao động trí óc và lao động chân tay Việt Nam hiểu rằng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì.

Cố gắng vật vã, kiếm tìm, Đảng và Nhà nước Việt Nam nguyện làm công bộc của nhân dân, thành tâm mong muốn đất nước mau chóng thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Có thành công, có thất bại, sai lầm. Nhưng cái đáng ghi nhận là những người cách mạng Việt Nam đã biết nhận ra những điều sai lầm, quyết tâm đổi mới, sửa chữa để tiến lên. Thái độ đúng đắn nhất là phải xây dựng cho được mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà nước phải làm đầy tớ thật trung thành cho nhân dân và nhân dân sử dụng nhà nước để làm việc cho mình, nếu nhà nước có sai lầm thì phải phê bình nhưng phê bình không có nghĩa là chửi bới.

Xây dựng nhà nước dân chủ và pháp quyền, nâng cao dân trí và nâng cao quan trí để ai ai cũng phải đặt mình dưới Hiến pháp và pháp luật; mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, được làm tất cả mọi việc mà pháp luật không cấm; còn nhà nước từ người đứng đầu cho đến nhân viên chính phủ, nhân viên hành chính xã, phường chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép. Đó là vấn đề cấp bách của vấn đề nhân quyền của nước ta hiện nay, cụ thể là nhiệm vụ cải cách tư pháp trọng tâm là sửa đổi Hiến pháp và cải cách hành chính - những công việc mà Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và quyết tâm lãnh đạo thực hiện.

Còn vấn đề tự do?

Tự do, như mọi người đều biết, nó không phải là sự tưởng tượng đối với các qui luật tự nhiên mà là nhận thức được các quy luật đó và ở các khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những qui luật đó tác động một cách hợp lý nhằm những mục đích nhất định. Luận điểm trên còn đúng trong đời sống xã hội lẫn ý chí, tư duy của con người. Như vậy, tự do của ý chí chẳng qua chỉ là các năng lực quyết định một cách hiểu biết. Do đó, sự phán đoán của một nguời về một vấn đề nhất định, càng tự do bao nhiêu thì nội dung của sự phán đoán sẽ được quyết định với một tính tất yếu càng lớn bấy nhiêu; còn sự không quả quyết, do không hiểu biết mà ra… chứng tỏ rằng nó không có tự do, nó bị chi phối bởi đối tượng mà lẽ ra nó phải chi phối. Vì vậy, tự do là sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên; do đó nó tất yếu là một sản phẩm của lịch sử. Vì vậy, mỗi  bước tiến trên con đường văn minh lại là một bước tiến tới tự do.

Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra mục tiêu phấn đấu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là khẳng định: xã hội chúng ta tiếp tục một bước phát triển mới, tiến tới tự do. Xã hội không phải là những cá nhân riêng lẻ, mà là tập hợp của cả cộng đồng trong mối quan hệ đan xen và tác động lẫn nhau giữa cá nhân - gia đình - dân tộc - Tổ quốc và Nhà nước. Song, xã hội vận động và phát triển bao giờ cũng do những cá nhân sống và hoạt động, theo đuổi những lợi ích khác nhau. Nhưng, chính những nhu cầu, lợi ích, mục đích, hoạt động ấy của con người lại bị ràng buộc trong mối quan hệ với những người khác, với xã hội. Do đó, nó luôn luôn bị chi phối bởi cái tất yếu trong mối quan hệ nhân quả. Giải quyết thoả đáng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội là vấn đề cốt lõi của động lực phát triển xã hội. Lịch sử chế độ xã hội ở bất cứ quốc gia nào, vấn đề lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội cũng đều có xung đột ở những mức độ khác nhau. Giải quyết những xung đột ấy, điều chỉnh nó sao cho có sự hài hoà tương đối, “cùng chấp nhận được”, để không phá vỡ cấu trúc xã hội, để “quốc thái, dân an”, “dân giàu nước mạnh" là vấn đề thường nhật và không hề dễ dàng của một chế độ nhà nước cũng như của mỗi cá nhân.

Xã hội càng phát triển thì ý thức cá nhân về nhu cầu, lợi ích càng tăng, con người ngày càng đòi hỏi thoả mãn những nhu cầu ngày càng cao của mình. Nhưng xã hội phát triển bao giờ cũng thông qua hành động của các cá nhân. Và, như vậy động lực thúc đẩy con người trong hành động để thoả mãn nhu cầu, lợi ích (vật chất và tinh thần) của họ cũng chính là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Song cần lưu ý là: động lực thúc đẩy xã hội tuy là động lực của các cá nhân nhưng không phải là động lực của một số cá nhân riêng lẻ mà là động lực lay động, thôi thúc hàng triệu, hàng chục triệu con người, cả một cộng đồng quốc gia - dân tộc trong những thời điểm lịch sử nhất định.

Xã hội chính trị lành mạnh luôn luôn hướng dẫn, khích lệ, cổ vũ động lực đúng đắn của mỗi cá nhân, khi cá nhân hành động với động cơ phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng thì khi ấy xung đột xã hội giảm thiểu, tạo ra sự hài hoà, đồng thuận cùng phát triển. Ngược lại, những cá nhân đi ngược dòng sự phát triển chung sẽ bắt buộc phải “dừng lại”, quay lại, xác định lại nhu cầu, lợi ích để hành động hợp với quy luật chung của sự tiến hoá, nếu không cá nhân đó sẽ bị đào thải, bị cầm tù trước cái tất yếu, tức là không có tự do. Nhận thức được mối quan hệ nhân quả này để hướng hành động của mỗi cá nhân, của xã hội sao cho phù hợp, đó chính là quá trình “xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Trong giai đoạn hiện nay, ở nước ta, nền kinh tế thị trường đang phát huy tác dụng, lợi ích cá nhân được tôn trọng, pháp luật tạo cho mọi người đều có cơ hội làm giàu, mà dân giàu thì nước mạnh. Như vậy, lợi ích của mỗi người đang có cơ sở để thống nhất cao với lợi ích của xã hội. Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước là sự bảo đảm về chính trị - pháp lý, để ai ai cũng được tự do làm giàu chính đáng. Bởi vì tự do, suy cho cùng, là ai muốn làm gì thì làm nhưng không được vi phạm tự do của người khác, của xã hội. Kỷ luật của Đảng (đối với đảng viên) và pháp luật của Nhà nước là tất yếu của sự phát triển của mỗi người phù hợp với từng bước tiến của cả xã hội. Chúng ta cần nhận thức rõ điều đó để hoàn toàn có tự do trong hành động. “Tự do là sự nhận thức được cái tất yếu”. Chỉ dẫn đó phải là kim chỉ nam cho động cơ và hành động của tất cả mọi người.


Phản hồi (1)

Trí Cường 12/12/2011

Đã lâu lắm rồi mới đọc được bài viết mang tính triết học sâu sắc đến như vậy. Dụng ý quả là sâu xa! Xim cảm ơn tác giả rất nhiều!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất