Những dấu ấn mãi nhớ về người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta
Dấu ấn đáng quý đầu tiên mà lớp trẻ bây giờ cần phải học tập và noi theo đó là, mặc dù mồ côi cha, mẹ từ khi còn rất nhỏ, nhưng đồng chí đã có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập và cuộc sống. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia “Hội Tu tiến” để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Năm 18 tuổi, đồng chí đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Quốc Huế và được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh (Nghệ An). Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, đồng chí nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết với các đồng nghiệp và biết khơi đậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Tại ngôi trường này, đồng chí đã tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua sách báo truyền vào Việt Nam lúc đó. Cũng tại ngôi trường Cao Xuân Dục này, năm 21 tuổi, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên là Hội Hưng Nam) và được phân công thâm nhập vào trường học và nhà máy để nắm tình hình, qua đó đề ra sách lược hoạt động. Hội Hưng Nam sau đó đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng, khởi xướng phong trào đòi ân xá cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu cho cụ Phan Chu Trinh.
    
Dấu ấn tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là việc đồng chí được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây đồng chí đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý, được giới thiệu sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt trao đổi với các đồng nghiệp của các Đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng chí đã có bước trưởng thành lớn đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công. Tháng 4-1930, đồng chí được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng. Lúc này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập vào ngày 3-2-1930. Sau một thời gian ngắn về nước, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được giao trọng trách dự thảo Luận cương Chính trị và thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất này họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Có thể nói, đồng chí là người được cử giữ chức vụ Tổng Bí thư khi tuổi đời còn rất trẻ (26 tuổi).
    
Mới 26 tuổi nhưng đồng chí đã tạo dấu ấn đặc biệt của mình vào bản Luận cương Chính trị tháng 10-1930 của Đảng. Dẫu vẫn biết rằng, bản Luận cương Chính trị là sản phẩm của trí tuệ tập thể, nhưng đồng chí chính là người trực tiếp khởi thảo và hoàn chỉnh. Luận cương chính trị là kết quả của sự vận dụng đúng đắn những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối Quốc tế Cộng sản với thực tiễn cách mạng Việt Nam; bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hóa “Chính cương và Sách lược tóm tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo hồi tháng 2-1930. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới và trong nước, đặc điểm xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương, bản Luận cương đã nêu rõ tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa phát triển tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Bản Luận cương cũng đã khẳng định hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của Đảng ta cũng như bản Luận cương Chính trị đã mở ra một thời đại nhân dân tat ham gia vào sự nghiệp vĩ đại giải phóng loài người. Đánh giá bản Luận cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”.
     
Vừa mới ra đời, ngay lập tức nội dung của Luận cương đã đi vào quần chúng. Công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng được đẩy mạnh ở cả ba nước: Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia. Để bảo đảm cho Đảng được trong sạch về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đảng đã và đang kiên quyết đấu tranh không để những phần tử cơ hội chính trị nằm trong tổ chức của mình. Công việc đang triển khai bề bộn thì người Tổng Bí thư trẻ tuổi đầu tiên của Đảng bị mật thám Pháp bắt vào ngày 18-4-1931 ở Sài Gòn. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí Trần Phú đã nêu cao chí khí đấu tranh, bình tĩnh và kiên cường làm cho kẻ thù phải kinh sợ và khâm phục. “Đó là sức mạnh niềm tin ở lý tưởng cộng sản, là trọng trách và sứ mạng của người lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng cao cả của Tổ quốc và nhân dân” (Chu Huy Mân). Ngày 6-9-1931, Tổng Bí thư Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở Nhà thương Chợ Quán. Trước khi mất, Tổng Bí thư căn dặn: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Khí phách anh hùng nghĩa hiệp của Trần Phú trước kẻ thù hung hãn đã nêu tấm gương sáng cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài nhưng nhất định thắng lợi của dân tộc ta. Theo hồi ức của cố Đại tướng Chu Huy Mân thì: Sau khi lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư như ngọn lửa truyền kỳ lan đi thì khắp nơi trên đất nước ta, nhất là ở Nghệ An - Hà Tĩnh, đảng viên và quần chúng đứng hàng giờ đối mặt với chính sách “khủng bố trắng” của chính quyền thù địch, đã nhất quyết biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu. Mặc dù trong vòng vây cấm đoán, khủng bố ráo riết của quân thù, ở những nơi có chi bộ Đảng đều tổ chức dâng hương mặc niệm đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Đánh giá công lao của đồng chí Trần Phú, Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5-1932, đã viết: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng”; “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”(*).

Chúng tôi xin dẫn lời của cố Đại tướng Chu Huy Mân, rằng: “Tuổi trẻ ngày nay, sống và hoạt động trong môi trường mới, mỗi người có thể tự xác định lấy chí hướng và vươn lên sáng tạo, cần phải coi trọng và phát huy tinh thần và nghĩa khí của tổ tiên ông cha, của các thế hệ đi trước. Điều quan trọng, quyết định đối với tuổi trẻ là tự mỗi người suy nghĩ, chân thành học tập noi gương sáng của các thế hệ đi trước để thấy mình rõ hơn”.
                            
-----------------------------
(*) “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương” (thư của một chiến sĩ cộng sản gửi từ Sài Gòn, ngày 26-2-1932, tiếng Pháp). Hồ sơ Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495.154.648. Bài đã đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5-1932.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất