Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Đoàn Thanh niên
Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, quyết định tương lai đất nước, vận mệnh dân tộc. Bác Hồ từng nói “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là ở thanh niên”. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đặt niềm tin vào thanh niên, trao cho thanh niên trọng trách là người chủ hiện tại và tương lai của nước nhà. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên. Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế - một trong những mặt công tác chính và quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tiến trình hội nhập quốc tế là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Kết quả và hạn chế

Những năm gần đây công tác quốc tế thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có bước phát triển mới với nhiều kết quả nổi bật: Các hoạt động chính trị đối ngoại, giao lưu hữu nghị được đẩy mạnh, đa dạng về đối tác, quy mô và loại hình hoạt động. Đoàn đã tổ chức thành công nhiều hoạt động quy mô lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng; đã khôi phục quan hệ với một số đối tác truyền thống bị gián đoạn trước đây. Hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường xuyên duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức thanh niên, sinh viên, tổ chức thuộc chính phủ, tổ chức phi chính phủ cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Đặc biệt là các hoạt động giao lưu hữu nghị, học tập, trao đổi kinh nghiệm với thanh niên các nước láng giềng trong khu vực, các tổ chức thanh niên cánh tả, tiến bộ; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đoàn được quan tâm triển khai. Việc khai thác các nguồn lực quốc tế ngày càng theo hướng hiệu quả, thiết thực và có chiều sâu. Công tác thanh niên ngoài nước được chú trọng triển khai, có bước tiến mới, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết hướng về quê hương.

Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước, thanh niên Việt Nam có nhiều cơ hội học tập, tiếp cận với thế giới, tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ; những tinh hoa văn hoá của nhân loại; tích cực tham gia quảng bá về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá Việt Nam; giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước... Công tác quốc tế thanh niên của Đoàn đã được triển khai toàn diện và đạt được hiệu quả thiết thực: Quan hệ chính trị đối ngoại tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; các chương trình giao lưu hữu nghị được tăng cường và nâng cao chất lượng; công tác thanh niên ngoài nước được đầu tư; tham gia vào phong trào chung của thanh niên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... góp phần tích cực trong việc chuẩn bị, định hướng và tổ chức cho thanh niên tham gia hội nhập quốc tế, thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của thanh niên Việt Nam.

Tuy vậy, hoạt động hợp tác quốc tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng còn những hạn chế: Hiệu quả và chất lượng của một số hoạt động quốc tế chưa cao; việc nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại có mặt còn hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chưa chuyên nghiệp; việc khai thác, sử dụng, phát huy kết quả, kinh nghiệm từ các hoạt động quốc tế, công tác thanh niên ở nước ngoài còn hạn chế; cơ chế phối hợp trong và ngoài nước để làm tốt công tác thanh niên ở nước ngoài chưa phù hợp, thiếu đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể; sự phối hợp chỉ đạo, định hướng và tổ chức các phong trào hành động trong thanh niên Việt Nam ở nước ngoài chưa thường xuyên; cơ chế thông tin, phối hợp giữa Trung ương Đoàn và các cấp ủy ngoài nước chưa kịp thời; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung các hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, các quy định về quản lý đoàn viên, hội viên, sinh hoạt đoàn, hội ngoài nước còn chậm...

Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thanh thiếu nhi sẽ tiếp xúc nhiều hơn với thông tin, văn hoá đa dạng và phức tạp từ bên ngoài; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chia rẽ, lôi kéo, khiêu khích nhằm vào thanh niên để thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”. Do đó, hoạt động hợp tác quốc tế của Đoàn đứng trước cả cơ hội mới và thách thức mới.

Giải pháp

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong những năm tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, củng cố, phát triển quan hệ có chiều sâu theo hướng thiết thực với thanh niên các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước ASEAN, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại; tiếp tục mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước trên thế giới.

Rà soát, đánh giá về mục đích, tính hiệu quả các chương trình, hoạt động đã triển khai trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với đối tác nước ngoài. Trên cơ sở đó, chủ động đề xuất và tổ chức các hoạt động chính trị đối ngoại, giao lưu hữu nghị phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực.

Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với thanh niên các nước láng giềng, thông qua việc xác định phương hướng và nội dung hợp tác dài hạn phù hợp với từng đối tác.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc tế thanh niên song phương và đa phương với các nước trong khu vực; chủ động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị thanh niên giữa các nước thành viên ASEAN.

Củng cố, tăng cường quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, các tổ chức thanh niên dân chủ và tiến bộ thông qua hoạt động của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới và hợp tác song phương. Tiếp tục đóng góp trách nhiệm vào các hoạt động của Liên đoàn, thúc đẩy định hướng tiến bộ, tăng cường sự đoàn kết thanh niên khu vực và thế giới.

Củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ với thanh niên các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực.

Mở rộng quan hệ với các đối tác khác, đặc biệt là tại châu Âu và châu Mỹ. Khai thác và tăng cường hiệu quả việc tham gia các hoạt động của cơ cấu Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Pháp ngữ (CONFEJES). Tăng cường quan hệ với các cơ quan Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác liên chính phủ, liên châu lục.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên trách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, với các đoàn thể nhân dân tích cực tìm kiếm, mở rộng quan hệ giao lưu hữu nghị với các đối tác mới.

Hai là, nâng cao năng lực cán bộ, đoàn viên thanh niên trong hội nhập quốc tế. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đoàn viên thanh niên trong quá trình hội nhập. Tiếp tục đổi mới, tăng cường năng lực cho thanh niên tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quốc tế thanh niên.

Ba là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và công tác thanh niên ngoài nước, làm cho thanh niên các nước ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước 0và sự nghiệp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của thanh niên Việt Nam về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu. Xây dựng, củng cố và phát triển các cơ sở đoàn, hội ở nước ngoài.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất