Đảng bộ Đồng Nai lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân
Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam bộ - vùng kinh kế trọng điểm phía nam, có diện tích 5.907, 24 km2. Tính đến năm 2010, dân số tỉnh Đồng Nai có 2.575.060 người phân bố trên 9 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố. Năm 2005, số dân trong độ tuổi lao động là 1.097.927 người (49,58% dân cư) thể hiện dân số trẻ có khả năng cung ứng lao động cho các ngành kinh tế.

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn coi trọng lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân. Điều đó được thể hiện trước hết trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ qua các nhiệm kỳ. Sự lãnh đạo kịp thời của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai là cơ sở thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân không ngừng phát triển. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX nhiệm kỳ 201- 2015 chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng, cơ cấu ngành nghề và hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực”.[1]                    

Sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong việc tạo mối quan hệ rộng khắp với các địa phương khác trong nước cũng như trên thế giới, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo ra lượng hàng hóa nông sản dồi dào, phục vụ cho tiêu dùng và chế biến xuất khẩu ngày càng lớn. Đồng thời, kinh tế tư nhân góp phần tạo ra tầng lớp doanh nhân mới với số lượng hơn 16.000 người, có trình độ chuyên môn cao, nhạy bén với thị trường, dám nghĩ dám làm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường đầu tư và tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nhân, đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai đã có sự phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 15.000, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.                     

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh cũng bộc lộ những hạn chế: “Kinh tế tư nhân ở Đồng Nai mới tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, lại thiếu quy hoạch định hướng rõ ràng, chủ yếu phát triển tự phát, vốn đầu tư thấp, lao động ít, trình độ công nghệ lạc hậu (chỉ có 1,4% số cơ sở đạt trình độ công nghệ tiên tiến), lại không nhận thức đầy đủ về thị trường, không chủ động đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, không có chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh trung và dài hạn, do vậy, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh yếu và hiệu quả kinh tế thấp”[2]                 

Những hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó cần nhận thấy sự biến động của tình hình kinh tế thế giới. Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật của Trung ương chậm được ban hành, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện việc lãnh đạo đối với khu vực kinh tế tư nhân. năng lực lãnh đạo của một số cán bộ kinh tế của tỉnh còn hạn chế. Một số doanh nghiệp tư nhân còn thụ động trong việc nắm bắt những diễn biến của tình hình kinh tế trong nước và thế giới…                     

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với kinh tế tư nhân, tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức về vị trí vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời sớm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế tư nhân.              

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, hiện nay vẫn còn tồn tại những định kiến cho rằng: Kinh tế tư nhân là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản và thừa nhận sự tồn tại của nó tức là thừa nhận sự bóc lột trên đất nước ta. Chính vì vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyên, phổ biến quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về vị trí vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và chủ trương tiếp tục khuyến khích phát triển khu vực kinh tế này tạo môi trường tâm lý xã hội thuận lợi, thúc đẩy kinh tế tư nhân ngày càng phát triển. Đồng thời thể chế hóa các nghị quyết bằng các văn bản pháp luật đồng bộ của các cấp chính quyền.

Hai là, tiếp tục hoạch định chiến lược phát triển trung và dài hạn đối với kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Hoạch định chiến lược phát triển là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng. Đặc biệt trong chiến lược thì vấn đề hàng đầu là qui hoạch ngành nghề và địa bàn ưu tiêu để kêu gọi sự đầu tư. Có chủ trương chính sách phù hợp nhằm kích thích kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh các khu công nghiệp nên tiếp tục qui hoạch mặt bằng bên ngoài cụm công nghiệp để thu hút ngàỳ càng nhiều các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những ngành nghề phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Nhất quán quan điểm chiến lược phát triển kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ba là, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân. Phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, đảng viên, vai trò của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức cộng đồng doanh nghiệp (liên minh hợp tác xã và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hiệp hội ngành nghề…) nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo đúng chủ trương đường lối của Đảng.                
Làm tốt công tác xây dựng đảng, củng cố các tổ chức đảng hiện có, phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Từng đảng viên đang công tác trong các doanh nghiệp tư nhân phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, góp phần cùng chủ doanh nghiệp phát triển đơn vị, hoạt động đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, quan tâm xây dựng các tổ chức chính trị xã hội như: Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội nông dân… Đặc biệt củng cố, tăng cường điều kiện và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của liên minh hợp tác xã, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bảo đảm liên minh có đủ điều kiện phát huy tốt vai trò đối với kinh tế tư nhân. Chú trọng phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề để tư vấn, phản ánh đề xuất, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Cần có cơ quan  đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình, chủ trì và phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân, hạn chế phát sinh những tiêu cực về kinh tế-xã hội. Sớm phát hiện, điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế cho phù hợp với tình hình phát triển của khu vực kinh tế này trên địa bàn tỉnh.             

Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một xu hướng tất yếu, một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng ta. Sự phát triển kinh tế tư nhân đã đang và sẽ giữ vai trò đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng quá trình giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế của Đồng Nai.

-----------------
[1] Tỉnh ủy Đồng Nai: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX nhiệm kỳ 201- 2015, tr.15 [2] Tỉnh ủy Đồng Nai (Ban kinh tế Tỉnh ủy): 30 năm xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai (1975 – 2005), Nxb Lý luận chính trị, tr.178

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất