Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm là đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện đã cùng dân tộc Việt Nam làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; là lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Suốt chặng đường lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội, Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc cơ bản:“Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội” nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm quân đội luôn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đảng lãnh đạo quân đội bằng cơ chế và phương thức thích hợp, đồng thời luôn coi trọng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo cho phù hợp với sự phát triển của tình hình xây dựng và chiến đấu của quân đội trong mỗi giai đoạn cách mạng để quân đội ta đã trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất trong tình hình mới.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới đặt ra, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế; ra sức củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là quân đội nhân dân, an ninh nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của quân đội đáp ứng yêu mới đặt ra. Mặt khác, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng của quân đội trong điều kiện mới phải được thể hiện ở việc nhận thức rõ mục tiêu chiến đấu, tích cực đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, không dao động trước những diễn biến phức tạp của tình hình và sự tiến công hiểm độc của các thế lực thù địch. Nhạy bén, sắc sảo và kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu của chúng hòng “phi chính trị hóa” quân đội, chia rẽ Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân. Phải làm cho quân đội ta mãi mãi là của dân, do dân, vì dân, luôn xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân đã phong tặng. Vì vậy, đáp ứng yêu đòi hỏi đó, ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Nghị quyết 51-NQ/TW về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Nghị quyết Nghị quyết 51 ra đời có ý nghĩa lịch sử, là kết quả của việc tổng kết sâu sắc thực tiễn 20 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa V) và kế thừa, phát triển truyền thống, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội qua các thời kỳ; đánh dấu bước tiến trong tư duy lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong giai đoạn mới của cách mạng.

Ngày nay, trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Nguyên tắc “Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam” của Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn là nguyên tắc bất di bất dịch. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, không chỉ trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến thần thánh của của dân tộc mà còn là lực lượng đi đầu, tiên phong trên mọi lĩnh vực, cánh tay đắc lực của Đảng cùng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu“Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, cụ thể hoá đường lối quân sự, khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam

Đảng lãnh đạo quân đội trước hết bằng đường lối quân sự, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cần chú trọng đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, cụ thể hoá đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại. Đường lối quân sự của Đảng trong giai đoạn hiện nay phải tăng cường hơn nữa tiềm lực quốc phòng của đất nước, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, gắn quốc phòng, an ninh với đối ngoại; xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, làm cho quân đội có để sức mạnh đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững hoà bình, ổn định, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế.

Hai là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt

Quân đội là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của quân đội có tác dụng răn đe kẻ thù, ngăn ngừa chiến tranh, tạo môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, xây dựng quân đội vững mạnh, trang bị vũ khí cho quân đội và nuôi dưỡng bộ đội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các thành phần kinh tế và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo phát huy vai trò trách nhiệm của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các địa phương và mọi thành phần kinh tế cùng chăm lo xây dựng quân đội. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước cụ thể hoá bằng cơ chế, chính sách, ban hành, thực thi và hoàn thiện Luật quốc phòng, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật nghĩa vụ quân sự, thực hiện vai trò quản lý, điều hành của mình đối với quân đội. Nhà nước có kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nâng cấp, cải tiến các loại vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện có trong biên chế của quân đội, đầu tư mua sắm một số loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại trang bị cho quân đội, tạo điều kiện cho quân đội đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị

Đảng lãnh đạo quân đội thông qua hệ thống tổ chức đảng và thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong quân đội, thông qua việc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội. Vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trực tiếp là phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT. Điều này đòi hỏi trước hết, phải đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả tư tưởng, củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định với mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hoá quân đội” của kẻ thù. Hơn lúc nào hết, quân đội phải thực sự trở thành pháo đài kiên cố trong cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vức chính trị tư tưởng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng phải thường xuyên giáo dục, xây dựng quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, làm cho quân đội thực sự tinh nhuệ về chính trị. Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu và khi nào tổ chức đảng không mạnh thì ở đó đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thấp, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ, đôi khi còn phải trả giá đắt bằng máu và sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ.

Bên cạnh đó, tiếp tục đưa Nghị quyết 51 vào điều kiện cụ thể từng đơn vị, phát huy đầy đủ trách nhiệm của hệ thống cấp ủy, tổ chức chỉ huy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc thể chế hóa Nghị quyết 51 bằng hệ thống quy chế, quy định, điều lệnh, điều lệ và chính sách; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa cấp trưởng và cấp phó, để việc thực hiện Nghị quyết 51 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho CU,CTV, cán bộ đảm nhiệm CTĐ, CTCT và cấp phó của các chức danh đó thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong quá trình thực hiện, cần gắn thực hiện Nghị quyết 51 với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, tập trung xây dựng các tổ chức đảng, nhất là ở cơ quan chiến dịch, chiến lược, đơn vị chiến đấu, bảo đảm có sức chiến đấu cao, năng lực lãnh đạo toàn diện và tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên kiện toàn chặt chẽ tổ chức, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp ủy viên với cán bộ chủ trì các cấp. Đồng thời, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của từng cấp ủy, chi bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Bốn là, xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp vững mạnh

Cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị là người đảm nhiệm chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị. Chất lượng chính trị của quân đội, của đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp uỷ, người chỉ huy các cấp có đến được với mọi cán bộ chiến sỹ hay không, có biến thành hành động cách mạng của cán bộ chiến sỹ và được thực hiện đầy đủ trong thực tế hay không phần lớn là do cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Trọng trách này thuộc về cán bộ, đảng viên của Đảng hoạt động trong lĩnh vực quân sự, những người đem tiếng nói của Đảng đến với quần chúng, đồng thời là cầu nối để Đảng nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng, từ đó đề ra chủ trương, chính sách sát, hợp với thực tế. Cơ quan chính trị và cán bộ chính trị là cầu nối liền Đảng với quần chúng, là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận chính trị tư tưởng đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, “phi chính trị hoá quân đội” của kẻ địch, chống những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, biểu hiện tiêu cực phát sinh trong nội bộ, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai. Xây dựng cơ quan chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất và năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu hoạt động CTĐ, CTCT là biện pháp quan trọng nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Để xây dựng cơ quan chính trị vững mạnh, trước hết phải củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng cán bộ chính trị các cấp. Lựa chọn người đứng đầu cơ quan có đủ các tiêu chuẩn “tài, tâm, tầm”, coi trọng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, thực sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo, linh hoạt trong xử lý các tình huống chính trị. Bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trợ lý, nhân viên cơ quan chính trị có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của từng ngành trong cơ quan chính trị và sự phối hợp hoạt động của cơ quan chính trị với các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt chế độ công tác của cơ quan chính trị. Làm tốt công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện và sử dụng đội ngũ cán bộ chính trị một cách đúng đắn và khoa học, kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tập trung tại các học viện, nhà trường với bồi dưỡng, rèn luyện tại đơn vị, cơ quan công tác. Cấp trên bồi dưỡng, hướng dẫn cấp dưới, cấp dưới học tập cấp trên. Gắn lý luận với thực tiễn công tác, thực hiện nhiệm vụ theo cương vị, chức trách được phân công, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện năng lực thực hành CTĐ, CTCT cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, nhất là cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sơ.

Trước những thời cơ, vận hội cũng như khó khăn, thách thức đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt vẫn là một tất yếu khách quan, mang tính quy luật. Qua đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của quân đội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất