Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TUvề phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND để triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 1 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng.
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, với gần 418.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 65,6% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Những năm gần đây, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng như: Phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tiếp tục diễn ra phức tạp làm cho chất lượng rừng ngày càng bị suy giảm. Việc rừng bị tàn phá đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá và các tác hại về môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 24-4-2017 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 21-6-2017 để triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Sau 1 năm thực hiện Lào Cai đã đạt được một số kết quả bước đầu: Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh đã tiến hành giao rừng, đất rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý, sử dụng đúng mục đích và thực thi chính sách bảo vệ rừng thông qua các dự án phát triển rừng kinh tế. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; từ năm 2011 đến 2018 đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 5.321 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, nộp ngân sách nhà nước trên 49 tỷ đồng; rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng và kiểm soát quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng rừng trồng và trồng rừng thay thế luôn được quan tâm, bảo đảm tiến độ; nâng tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Lào Cai tăng từ 53,97% (năm 2017) lên 54,85% (năm 2018). Đồng thời, tạo ra được bước chuyển căn bản về nhận thức của người dân: Từ việc coi rừng là nguồn tài nguyên vô tận, khai thác bừa bãi đến hiểu được lợi ích to lớn của rừng về giá trị kinh tế và môi trường do rừng mang lại; nhận thức chung về bảo vệ rừng của người dân từng bước được nâng cao, người dân đã tự nguyện và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng tại cộng đồng dân cư, dần từ bỏ thói quen khai thác, sử dụng tài nguyên rừng trái phép; mức sống của người dân sống gần rừng và ven rừng từng bước được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền đặc biệt coi trọng việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các nghị quyết, chị thị, quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng của tỉnh từng bước được tổ chức, sắp xếp, kiện toàn, đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; lồng ghép chương trình bảo vệ và phát triển rừng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mục tiêu chung của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai trong thời gian tới là:
Thứ nhất, phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường: Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hằng năm 4 - 5%; nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy hải sản từ 2 đến 3%; giá trị chế biến lâm sản tăng bình quân khoảng 5% đồng thời tăng giá trị xuất khẩu.
Thứ ba, xác định ổn định cơ cấu đất lâm nghiệp, diện tích đất rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đồng thời đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt trên 56%.
Thứ tư, xác định các khu vực sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, phù hợp với tái cơ cấu ngành kinh tế và ngành nông nghiệp, giải quyết thỏa đáng nhu cầu đất sản xuất cho người dân đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn bản, sự nhất trí, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai tiếp tục sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020.
Trương Minh Nguyện