Đảng bộ huyện Thanh Oai lãnh đạo xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu

UBND huyện Thanh Oai trao Giấy chứng nhận các danh hiệu văn hóa năm 2018. Ảnh: TL

Trọng tâm thực hiện được các cấp ủy trong huyện xác định là Chương trình số 09-CTr/HU ngày 5-5-2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thanh Oai, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 193/ĐA-UBND về thực hiện việc tang văn minh tiến bộ giai đoạn 2015-2020 và đặc biệt là Đề án số 91/ĐA-UBND ngày 15-6-2012 về nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa giai đoạn 2011-2016 và những năm tiếp theo.

Để hỗ trợ cho các thôn, tổ dân phố (TDP), ngoài tiền khen thưởng theo quy định, Huyện ủy chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ, cụ thể: thôn, TDP đạt danh hiệu văn hóa lần đầu được hỗ trợ 30 triệu đồng/1 cơ sở; công nhận lại 10 triệu đồng/1 cơ sở; hỗ trợ 3 triệu đồng cho 1 cơ quan đạt và công nhận lại danh hiệu văn hóa. Hằng năm, tổng kinh phí chi cho hỗ trợ và khen thưởng các danh hiệu văn hóa của huyện từ 500 triệu đến 800 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Thanh Oai có 48.999/56.321 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (87%); 95/118 làng, TDP đạt danh hiệu làng, TDP văn hóa (80,5%); 90/150 đơn vị đạt danh hiệu cơ quan đạt chuẩn văn hóa (60%). Trong 5 năm qua, đã có hàng trăm nghìn lượt hộ gia đình, hàng trăm lượt thôn, tổ dân phố và cơ quan được công nhận các danh hiệu văn hóa. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Oai.

Nhằm tạo điểm nhấn trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cuối năm 2017, Huyện ủy Thanh Oai đã chủ trương xây dựng 4 làng, TDP văn hóa kiểu mẫu tại 4 cụm kinh tế trên địa bàn huyện (mỗi cụm 1 làng). Mô hình làng, TDP văn hóa kiểu mẫu sẽ là nơi làm điểm để các thôn, TDP khác trong huyện tham quan, học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đưa chủ trương vào thực tiễn

Để đưa nghị quyết của cấp ủy nhanh chóng đi vào cuộc sống, BCH Đảng bộ huyện đã giao cho UBND huyện ban hành quyết định giao chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Thanh Oai hoàn thành chỉ tiêu 4 làng, TDP đạt danh hiệu văn hóa kiểu mẫu gồm: thôn Minh Kha (xã Bình Minh), thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng), tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài), thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương). Đây đều là những địa phương điển hình về xây dựng đời sống văn hóa, có đời sống kinh tế ổn định và nhiều năm giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Huyện ủy cũng chỉ đạo HĐND, UBND, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện có cơ chế hỗ trợ ban đầu mỗi thôn, TDP 250 triệu đồng; đồng thời vận động xã hội hóa tạo nguồn kinh phí để động viên, khích lệ các thôn, TDP xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương. Từ chủ trương, nghị quyết của Huyện ủy, đảng ủy các xã, thị trấn, chi bộ các thôn, TDP ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở địa phương mình. Huyện thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí theo lộ trình, bước đi cụ thể.

Tiêu chí để xây dựng làng, TDP văn hóa kiểu mẫu được đề ra cao hơn so với việc công nhận làng văn hóa của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Một số tiêu chí phải nâng cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 27-4-2012 của UBND TP. Hà Nội, ví dụ như: Thu nhập bình quân đầu người, số hộ có mức sống trung bình, số hộ có nhà ở bền vững; số hộ dân dùng nước sạch; số hộ gia đình văn hóa; tỷ lệ mua bảo hiểm y tế; mỗi thôn có ít nhất 1 mô hình chuyển đổi đất nông nghiệp từ 5000m2 trở lên/1 mô hình; 100% vụ việc phải được tổ chức hòa giải thành công ngay tại thôn, tổ dân phố. Khẩu hiệu “Việc cưới văn minh, việc tang tiến bộ” phải được thực hiện tốt trong cộng đồng dân cư. Cùng với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Thanh Oai đã bổ sung tiêu chí cho các làng văn hóa, trong đó đặc biệt quan tâm và thực hiện: công tác quy hoạch và thực hiện các quy hoạch; diện tích đất xây dựng nhà văn hóa thôn tối thiểu 1500m2; nhà văn hóa xây dựng ít nhất có 300 ghế ngồi; mỗi thôn có ít nhất 1 sân vận động, 1 bãi tập kết vật liệu xây dựng diện tích nền 1000m2; ít nhất 2 bãi đỗ xe tĩnh, mỗi bãi tối thiểu 200m2; có ít nhất 1 bãi tập kết rác phế thải; có các điểm vui chơi giải trí, lắp đặt dụng cụ thể thao, ghế đá tạo nơi vui chơi giải trí cho người cao tuổi, thiếu niên nhi đồng và nhân dân địa phương. Về cảnh quan môi trường, thực hiện khẩu hiệu sáng, xanh, sạch, đẹp, mỗi thôn có ít nhất 2 tuyến đường hoa, cây xanh dài từ 200 đến 500m/đường; thực hiện lắp đặt biển số nhà, biển chỉ dẫn, các tuyến đường tự quản; thực hiện phân loại rác thải. Thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng được coi là tiêu chí quan trọng để xét làng, TDP văn hóa kiểu mẫu.

Các cấp ủy chỉ đạo phải xác định rõ trách nhiệm của cấp huyện, xã và thôn trong thực hiện các tiêu chí. Trong đó, quan trọng là phát huy được nội lực của mỗi địa phương, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể rõ người, rõ việc, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Mọi việc đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thường xuyên thực hiện chế độ giao ban, phản ánh công việc. Hằng tháng, thôn đều họp bàn, đánh giá những việc đã làm được, góp ý, nhắc nhở những việc còn tồn tại để các cá nhân, hộ gia đình rút kinh nghiệm cùng phấn đấu hoàn thiện. Nhờ vậy, công cuộc xây dựng làng, TDP kiểu mẫu ở Thanh Oai nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Qua gần 2 năm triển khai, với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều tiêu chí của mô hình làng, TDP kiểu mẫu đã được các địa phương cơ bản hoàn thành.

Làng quê đổi mới

Đến thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng), cảnh quan đã thay đổi rõ rệt: đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa sạch đẹp với 400m đường hoa, cây xanh. 100% ngõ xóm, hộ gia đình ở thôn đã được gắn biển đường, số nhà. Hệ thống cống rãnh được hoàn thiện, khơi thông, các hồ nước được cải tạo sạch sẽ mang lại cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho nông thôn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở thôn Hưng Giáo đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt nhờ việc hoàn thiện việc nâng cấp nhà văn hóa đạt chuẩn, bổ sung dụng cụ tập luyện cơ bản cho sân tập thể thao cộng đồng; tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, rèn luyện sức khỏe… Thôn Minh Kha (xã Bình Minh) cũng đạt kết quả ấn tượng với 2km đường hoa, cây xanh; bãi tập kết rác thải được bố trí gọn gàng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Minh Kha cũng là thôn tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội với phương châm “giảm số mâm trong việc cưới, giảm số vòng hoa trong việc tang”. Những năm gần đây, hầu hết các đám cưới trong thôn được tổ chức gọn nhẹ tại nhà văn hóa thôn, 66% số đám tang ở thôn thực hiện hỏa táng. Trên 90% hộ gia đình trong thôn 3 năm liên tục được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; 90% số người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ở thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương), người dân trong thôn tình nguyện đóng góp 500 triệu đồng mua dụng cụ tập thể dục thể thao, ghế đá... đặt ở nơi công cộng. Thôn quy hoạch được 2 điểm đỗ xe tĩnh, 2 điểm tập kết vật liệu xây dựng và 1 điểm tập kết rác; 4 tuyến đường hoa, cây xanh, cổng làng được xây dựng mới… đã làm bộ mặt làng quê đổi mới, khang trang.

Những ngày này, ở các thôn, TDP được chọn làm điểm ở Thanh Oai đang sôi nổi phấn đấu để “về đích” làng, TDP văn hóa kiểu mẫu. Với quyết tâm của các cấp ủy đảng, sự đồng thuận giữa ý Đảng – lòng Dân, bộ mặt làng quê đã đổi mới, văn minh hơn, tươi đẹp hơn, trở thành vùng quê đáng sống để mỗi người dân Thanh Oai đều thấy tự hào.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất