Nhằm giải bài toán được mùa mất giá và tăng cường quảng bá hình ảnh nông sản địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch phát triển thị trường thương mại phi truyền thống, qua đó từng bước đưa nông sản chủ lực của Thái Nguyên “cất cánh”.
|
Sở Công thương công bố Website tích hợp truy xuất nguồn gốc chè Thái Nguyên.
|
Những tín hiệu tích cực
Chương tình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tại Thái Nguyên, nhờ phối hợp hiệu quả giữa chương trình OCOP và chuyển đổi số đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, giá trị kinh tế sản phẩm trong tỉnh tăng từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP và quảng bá qua kênh thương mại số.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% đến 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số 70% - 100%.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch www.thainguyentrade.vn; đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 72 sản phẩm nông nghiệp, tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 1.545 giao dịch, đã có 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn; phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”. Theo thống kê, sau 4 giờ livestream các chủ thể na đã bán 1.650 đơn trong đó bán trực tuyến 6,3 tấn na và bán trực tiếp 2,5 tấn cho khách tham quan; ngoài ra đã bán 500 đơn cho các sản phẩm khác như: trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc...
… từ tăng hàm lượng CNTT trong nông nghiệp
Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên ngày càng mạnh mẽ. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng, Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP, đặc biệt thông qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường. Các chủ thể OCOP chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR; giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội. Từ kết quả đạt được cho thấy, chuyển đổi số đã giúp Ngành Nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường thế giới.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã đề ra một số định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của Ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Từ những định hướng này, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên xác định, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chè, quả (na, nhãn, bưởi), gỗ, quế, lợn, gà, trứng; các sản phẩm OCOP…
Thái Nguyên đặt mục tiêu, giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh sẽ có trên 200 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, tập trung phát huy lợi thế các địa phương, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn: Vietgap; Organicl GlobalGap; GMP; ISO, HACCP…, tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể tham gia chu trình sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, bảo đảm quy trình chất lượng để xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ bộ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP… Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
PV