Việc thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) và công tác chuyển đổi số đã giúp Thái Nguyên tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 9/63; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
|
Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra hệ thống đăng ký, kích hoạt ứng dụng VNeID mức độ 2.
|
Đa dạng ứng dụng, đa dạng nền tảng
Thái Nguyên là địa phương thứ 5 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng TP. Thái Nguyên thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực quan trọng trong quy hoạch với phương hướng là phát triển mạng lưới viễn thông hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, mạng kết nối vạn vật liên thông, đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trước đó, Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai nhiều ứng dụng, nền tảng chuyển đổi số tiêu biểu như: Sổ tay đảng viên điện tử, lọt vào Top 2/63 tỉnh; Ứng dụng Công dân số “C-ThaiNguyen” với trên 104.537 lượt đăng ký tài khoản; Ứng dụng Thái Nguyên ID tích hợp các tiện ích xã hội số của tỉnh với 74.480 lượt cài đặt, 2.983 tài khoản eKYC, 605 hồ sơ việc làm, 9.598 tin thuê nhà, 8.702 tin tuyển dụng, 20.800 tin rao vặt, 2.925 tin voucher, 184 tin phản ánh hiện trường…
Hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được phát triển đánh giá thông qua tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng. Thái Nguyên hiện có 6 doanh nghiệp viễn thông với 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động; Tổng số thuê bao điện thoại di động là 1.758.000 thuê bao, trong đó có 251.000 thuê bao truy nhập in-tơ-nét cố định băng rộng qua cáp quang, mang về tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 1.734 tỷ đồng trong năm 2022.
Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc. Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên được vận hành ổn định. Từ đầu năm đến 22-5-2023, hệ thống đã nhận/gửi hơn 850.000 văn bản điện tử giữa 1.936 đơn vị; cấp hơn 7.730 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đơn vị, địa phương. Bảo đảm trang bị 100% chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ một cửa và cán bộ tham gia giải quyết thủ tục hành chính.
Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với 760 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.005 dịch vụ công trực tuyến một phần đạt tỷ lệ 100%. Tính đến hết ngày 22-5-2023 tỷ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn đạt 99,62%; trong đó, tỷ lệ xử lý hồ sơ toàn trình đạt 79,38%.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp từ ngày 10-4-2023. Tất cả các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính…
Bệ phóng để Đề án 06 triển khai hiệu quả
Có thể nói, Thái Nguyên là tỉnh tiên phong trong thực hiện Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đến nay tỉnh đã hoàn thành triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó hoạt động cập nhật, làm sạch và số hóa dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành sớm hơn 47 ngày so với kế hoạch; cấp 98% thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Tích hợp thông tin bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) vào thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và ứng dụng VNEID đã được BHXH Việt Nam và Bộ Công an thực hiện; 100% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD có gắn chíp điện tử. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD với tổng số 47.077 lượt tra cứu; 100% công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia.
Đến hết 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có trên 440.000 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt (tài khoản dùng trên ứng dụng VssID và cổng DVC BHXH Việt Nam). BHXH tỉnh đã xác thực 1.148.705/1.190.032 người đang tham gia BHXH, BHYT.
Công tác triển khai tạo tài khoản an sinh chi trả chính sách xã hội cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội cũng được Thái Nguyên triển khai hiệu quả. Tính đến 14-5-2023, Thái Nguyên đã tạo tài khoản đối với 25.629/26.869 hộ nghèo, cận nghèo, đạt tỷ lệ 95,38%; tạo tài khoản đối với 14.460/19.201 người có công, đạt tỷ lệ 76,3%; tạo tài khoản đối với 31.571/40.740 đối tượng trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 77,5%. Thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội hawfng tháng trên toàn tỉnh với 41.391 đối tượng.
Nhờ chỉ đạo đồng bộ, sát sao, cách thức triển khai hiệu quả, UBND tỉnh Thái Nguyên đã được nhận giải tại hạng mục “Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số” tại Lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards” năm 2023 (do Liên hiệp Các kội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức)… Hơn hết, việc thực hiện hiệu quả Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số nói chung, đã giúp Thái Nguyên tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
PV