Bước vào năm 2017, Thành ủy Hà Nội xác định sẽ hoàn thành việc phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 giảm tối thiểu 10% số biên chế được giao, đặc biệt tại những đơn vị giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp nhằm tăng tính trách nhiệm, rõ việc để phục vụ tốt hơn.
Đột phá về sắp xếp tổ chức bộ máy
Trong những ngày cuối cùng của năm 2016, công việc nổi bật nhất trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội là sáp nhập các ban quản lý dự án và phân công, bổ nhiệm cán bộ đảm đương các chức vụ trưởng các ban quản lý. Đến thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố thành 5 ban quản lý dự án theo lĩnh vực thuộc thành phố, 3 ban quản lý dự án đặc thù, 3 ban quản lý dự án thuộc 3 sở và 30 ban quản lý dự án khu vực thuộc các quận, huyện, thị xã. Như vậy, thành phố đã giảm được 29 ban quản lý dự án. Đây có thể coi là một đột phá về sắp xếp tổ chức bộ máy. Hệ thống các ban quản lý dự án đã tinh gọn, rõ nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, giảm chồng chéo. Hiện nay, thành phố cũng đã hoàn thành Đề án kiện toàn Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố và các quỹ.
Ngoài ra, thành phố đã thống nhất ở mỗi UBND quận, huyện, thị có 12 phòng chuyên môn, riêng huyện Ba Vì có thêm Phòng Dân tộc. Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn, sau sắp xếp đã giảm từ 229 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 58%). Cụ thể, đã sáp nhập 3 trung tâm
là Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đài Phát thanh thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao; sáp nhập Chi nhánh Phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp vào Ban Quản lý dự án huyện. Ngoài ra, các ban quản lý chợ cùng địa bàn cấp huyện cũng hợp nhất thành một đơn vị; đổi tên Đội Thanh tra xây dựng thành Đội Quản lý trật tự đô thị và giao cho UBND cấp huyện thống nhất quản lý.
Theo đánh giá của các cơ quan trung ương, đến nay Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy đối với toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.
Tập trung khắc phục tình trạng chồng chéo
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, đặc biệt là sẽ ban hành cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích các đối tượng tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế. Hiện nay, UBND thành phố đang xin ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về cơ chế này.
Cùng với đó, Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện đề án vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính theo mô hình mới; hoàn thành đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở hướng dẫn của bộ chuyên ngành, làm cơ sở xác định biên chế, số lượng người làm việc và bố trí, sử dụng đúng cơ cấu, tiêu chuẩn, ngạch cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2017, thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế tự chủ, sang công ty cổ phần, trọng tâm là lĩnh vực giáo dục và y tế. Ngoài ra, cũng tập trung sớm hoàn thành xây dựng quy trình giải quyết các thủ tục hành chính liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4, từng bước tích hợp dữ liệu dùng chung, đồng bộ trên toàn thành phố nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý nhà nước, tăng minh bạch, giảm tối đa phiền hà, chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, năm 2017, trọng tâm tham mưu và tổ chức thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW sẽ là sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng chú trọng đến những lĩnh vực chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, “phình” biên chế, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp nhằm ngăn chặn tiêu cực.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, năm 2017, cùng với các cơ quan khối chính quyền, khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ phải hoàn thành đề án vị trí việc làm để bước vào triển khai thực hiện cụ thể. Kết hợp nhuần nhuyễn việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố, cấp huyện bảo đảm nguyên tắc “Một đầu mối - một việc xuyên suốt”, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, không rõ trách nhiệm trong giải quyết công việc. Các cơ quan, đơn vị đồng thời sẽ rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải tiến lề lối làm việc, tăng cường trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Võ Lâm