Đơn Dương chung tay xây dựng nông thôn mới

        

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (thứ hai, phải sang) trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhân huyện nông thôn mới Đơn Dương, tháng 10-2015.

Cả hệ thống chính trị “vào cuộc”

Xác định Chương trình quốc gia xây dựng NTM sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, ngày 30-11-2009, Huyện ủy Đơn Dương đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng NTM của huyện với 29 thành viên. Ngày 4-11-2009, UBND huyện Đơn Dương cũng đã ra quyết định thành lập Tổ công tác Chương trình xây dựng NTM của huyện với 10 thành viên để chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn huyện. Đến ngày 31-5-2013, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU “Tăng cường sự lãnh đạo, phát huy lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn quốc gia NTM vào năm 2015”. Theo đó, BCĐ Chương trình xây dựng NTM huyện đã tham mưu Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn quốc gia NTM vào năm 2015” và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. UBND huyện Đơn Dương cũng đã phê duyệt triển khai Đề án xây dựng NTM tại 8/8 xã trong toàn huyện. Trong đó, xã Ka Đô được chọn trong 11 xã điểm của tỉnh và các xã Lạc Lâm, Quảng Lập, Ka Đơn, Lạc Xuân được chọn ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2010-2020.

Để Đơn Dương sớm trở thành huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể chính trị của huyện đã vào cuộc rất quyết liệt, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM. Hàng loạt phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững”; “tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”… được phát động rộng khắp. UBND huyện Đơn Dương phát động phong trào “Đơn Dương chung tay xây dựng NTM”; việc ký kết giao ước thi đua tham gia xây dựng NTM được tổ chức sôi nổi từ các cơ quan, đoàn thể cấp huyện, đến cấp xã và đến từng thôn, khu dân cư.

Những kết quả nổi bật

Sau 5 năm (2010-2015) quyết liệt triển khai Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt mới của một huyện thuần nông đã thay đổi rõ rệt, kinh tế phát triển, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, thoáng rộng, nhà cửa, trường học, cơ quan được xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 72% đường đi lại trong thôn, xóm được đổ bê tông, chấm dứt tình trạng mưa bùn, nắng bụi; 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất; toàn huyện có 41 trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó 30 trường đạt chuẩn quốc gia…

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền huyện Đơn Dương đặc biệt chú trọng. UBND huyện triển khai Chương trình nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá. Toàn huyện hiện có 6.260 ha đất sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, chiếm 73%, tăng gấp 4 lần; đàn bò sữa 10.000 con, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân tăng từ 76 triệu đồng/ha/năm lên 170 triệu đồng (gấp 2,2 lần); giá trị sản xuất rau, hoa công nghệ cao đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 16,4 triệu đồng, năm 2015 tăng lên 48 triệu đồng/năm (gấp 3 lần). Hộ nghèo toàn huyện từ 11,47% (2011), đến nay giảm chỉ còn 1,5%; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 3%.

Đặc biệt, trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân, huyện Đơn Dương là địa phương đi đầu trong việc huy động xã hội hóa từ cộng đồng với 69 công trình văn hóa (Trung tâm văn hóa thể thao huyện, khu du lịch sân gôn, 2 đình di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 8/8 xã có sân bóng đá, 12 sân bóng đá mini, 45 sân bóng chuyền); hệ thống nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn được xây dựng khang trang, trang bị đủ âm thanh, vật dụng…. Toàn huyện có gần 3.580 điểm truy cập Internet, 100% số xã và thôn có đường truyền internet băng thông rộng; các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư được phát huy; 94,3% thôn, khu dân cư, 81,4% hộ gia đình, 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tình hình an ninh nông thôn được bảo đảm; các tiêu chí về y tế, bảo vệ môi trường… đạt yêu cầu theo quy định.

Hiệu quả từ Chương trình xây dựng NTM đã tác động trực tiếp đến công tác xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Đến nay, 100 % thôn, tổ dân phố và trường học đều có chi bộ, hằng năm trên 60% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phương thức và tư duy lãnh đạo của các cấp ủy đảng được quan tâm đổi mới; công tác xây dựng đảng được tăng cường, góp phần đấu tranh, ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp.

Tiếng nói người dân

Bên cạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng NTM ở Đơn Dương còn nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Trong 5 năm thực hiện, trên địa bàn Đơn Dương xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; nhiều công trình, dự án được thực hiện từ “sức dân”, sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Tiêu biểu như công trình xây dựng cầu dân sinh qua sông Đa Nhim và làm nhiều tuyến đường giao thông trong khu dân cư ở xã Lạc Lâm có 100% vốn do nhân dân đóng góp; xã Ka Đô xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, khu thể thao đa năng xã hơn 10 tỷ đồng, 100% vốn do tư nhân đóng góp; Xã Quảng Lập thực hiện xã hội hóa trong xây dựng chợ nông thôn, kinh phí đầu tư 11 tỷ đồng, trong đó 70% vốn do nhân dân, tiểu thương đóng góp; 70% kinh phí lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng các trục đường thôn, xóm tại các xã trong huyện do nhân dân đóng góp, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Chương trình xây dựng NTM đã mang lại những kết quả thiết thực, được nhân dân phấn khởi, tin tưởng và ủng hộ. Ông Đỗ Phú Tú (trưởng thôn Quảng Lợi, xã Quảng Lập) cho biết: “Trước đây đường làng, ngõ xóm lầy lội, tối tăm, môi trường bị ô nhiễm, đời sống nhân dân khó khăn; đến nay đổi mới hoàn toàn, bà con lao động rất phấn khởi và tích ủng hộ Chương trình”. Bà Nguyễn Thị Lụa (thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm) tâm sự, từ năm 2010 trở về trước đời sống, lao động của gia đình bà và bà con gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện nay khá giả gấp nhiều lần. Cha xứ ở đây luôn vận động bà con giáo dân tích cực ủng hộ chính quyền tham gia xây dựng NTM. Còn ông Bùi Ngọc Cung, chủ trang trại sản xuất rau, hoa ở xã Lạc Lâm hết sức vui mừng cho biết, nhờ đường sá được bê tông hóa đến tận ngõ ngách, vườn tượt nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển vật tư, nông sản thu hoạch, thương lái đến tận nhà vườn thu mua; nhờ đó, giá cả tăng lên, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại thu nhập cho nông dân trong vùng khá cao…

Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Đơn Dương, có 2 xã đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, trong đó xã Quảng Lập là 1 trong 27 xã của cả nước được Trung ương khen thưởng có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2013; 57 tập thể, cá nhân trong huyện được tôn vinh, biểu dương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất