Lâm Thao là huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên trên 9.769ha, 14 đơn vị hành chính gồm 12 xã (3 xã miền núi) và hai thị trấn. Đảng bộ huyện Lâm Thao hiện có 39 TCCSĐ với gần 6 ngàn đảng viên sinh hoạt tại 329 chi bộ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2010-2015, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng 5,1%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Là huyện đi đầu của tỉnh đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, tạo được nhiều mô hình kinh tế có thu nhập cao với các sản phẩm đa dạng. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, thu hút đầu tư phát triển gắn với chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đã huy động đầu tư đạt 5.175 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với giai đoạn 2005-2010. Nhiều công trình đầu tư được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu. Chương trình giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện…được thực hiện có hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Liên tục các năm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đánh giá là đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một điểm nhấn quan trọng về kết quả của huyện Lâm Thao là sự thành công trong lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đạt tiêu chí và được Chính phủ công nhận là huyện NTM năm 2015.
Xác định xây dựng NTM là đòi hỏi từ chính thực tiễn cuộc sống có tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực ở nông thôn, thực sự là “cuộc cách mạng” về nhận thức và hành động, Huyện ủy Lâm Thao đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và mỗi người dân tham gia các phong trào như: “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, “xây dựng huyện Lâm Thao sáng, xanh, sạch, đẹp, bình yên”... gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong quá trình lãnh đạo triển khai và thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Thao quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức để người dân tự nguyện tham gia xây dựng NTM. Chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa kết hợp bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bức tranh về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Thao có nhiều khởi sắc. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo hướng áp dụng khoa học, công nghệ, chất lượng cao, hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị lớn. Nhiều trang trại có số vốn trung bình từ 2,5 đến 3 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt 3,9%/năm. Bình quân giá trị trên đơn vị diện tích đạt 110 triệu đồng/ha, tăng trên 46 triệu đồng so với năm 2010. Phát triển kết cấu hạ tầng, toàn huyện đã có 7,5km đường đô thị, trên 50km đường nông thôn được nâng cấp, xây dựng mới, nâng tỷ lệ cứng bê tông hóa giao thông nông thôn đạt 72%. Các thiết chế văn hóa, giáo dục được đầu tư với 18 công trình trường học trên diện tích 8.000m2, 41 nhà văn hóa, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% được dùng nước sạch. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng, tăng 1,6 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 17,7%; sản lượng lương thực đạt 43 nghìn tấn, vượt 5 nghìn tấn. Đào tạo nghề cho 7.500 người, tạo việc làm mới 2.200 người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch, theo đó, lao động trong nông nghiệp chiếm 30%, công nghiệp, xây dựng 42%, dịch vụ 28%. Có 100% khu dân cư được thu gom rác thải. Hằng năm, tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt bình quân 90,1%.
Điều quan trọng nhất là các cấp ủy huyện Lâm Thao đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức, người dân hiểu, tin và chủ động tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ huyện Lâm Thao rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đó là chú trọng xây dựng sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm, khâu đột phá, chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, dự án, kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm và chọn ra giải pháp hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan tỉnh. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài gắn với khai thác nội lực, xem đây là yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phát huy dân chủ và khai thác sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chú trọng làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Lâm Thao chủ trương tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ - chuyên nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và bảo đảm an sinh xã hội. Huyện khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tiếp tục thực hiện khâu đột phá về “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, trọng tâm là hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học gắn với chế biến và tiêu thụ”, phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại.
Lại Tiến Thịnh
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ