"Hội quán"- Mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Đồng Tháp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, nói chuyện với các thành viên Hội quán Thuận Tân, Tân Quê (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh), nơi nổi tiếng với các đặc sản xoài, nhãn.

Đồng Tháp là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích khoảng 3.374 km2, 12 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số khoảng 1,7 triệu người. Là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp", đồng thời, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn xếp cao trong cả nước (năm 2015 xếp thứ 2, năm 2016 và năm 2017 xếp thứ 3) và đứng đầu các tỉnh trong khu vực nhiều năm liền.

Về mô hình “Hội quán”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, mô hình này giúp bà con nông dân có thể cùng nhau hợp tác, giúp nhau phát triển. Thông qua “Hội quán”, lãnh đạo tỉnh, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp đều có thể đến sinh hoạt cùng bà con. Vì vậy, có thể nói, "Hội quán" cũng là nơi giúp cấp uỷ, chính quyền đến gần dân hơn, lắng nghe dân được nhiều hơn, tương tác với người dân thường xuyên hơn. Thông qua các buổi sinh hoạt "Hội quán", đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến trực tiếp với dân, nơi "Nghe nhau nói, nói nhau nghe". Đây cũng là nơi đổi mới cách tiếp cận về phương pháp dân vận, tập hợp quần chúng. Là nơi người dân cùng nhau tạo lập môi trường nông thôn văn minh, an toàn, chủ động, tự giác tham gia xây dựng hạ tầng, an sinh xã hội, giảm tư tưởng ỷ lại, phó mặc cho cấp uỷ, chính quyền.

Được hình thành từ 2016, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 53 "Hội quán" với khoảng 2.800 thành viên; 4 hợp tác xã kiểu mới đã được thành lập trên nền tảng mô hình "Hội quán". Khảo sát cho thấy, thành phố Cao Lãnh là đơn vị hành chính có số lượng hội quán nhiều nhất với 11 “Hội quán” tập trung các ngành, nghề chính là nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái; có 15 chủ nhiệm “Hội quán” là đảng viên.

Qua đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao: "Hội quán nông dân là sáng kiến mới của tỉnh Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung cả nước". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình “Hội quán” đã đề nghị lãnh đạo địa phương nghiên cứu mô hình hợp tác xã kiểu mới để thu hút bà con tham gia, qua đó hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng vừa kết luận chỉ đạo nhân rộng mô hình "Hội quán" ra các địa phương khác.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã ban hành công văn lãnh đạo phát triển mô hình "Hội quán" trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã triển khai rộng khắp mô hình "Tổ nhân dân tự quản", cũng dựa trên nguyên tắc "tự nguyện, tự quản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư", trước mắt tập trung cho 2 nhiệm vụ chính: tham gia giữ gìn an ninh trật tự và khuyến học - khuyến tài.

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có thể thấy mô hình "Hội quán" ở Đồng Tháp là mô hình kiểu mới góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, giải pháp phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú để gắn bó mật thiết với nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất