Huyện ủy Tam Dương lãnh đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu nông sản
Lãnh đạo huyện ủy Tam Dương tham qua mô hình trồng lúa Thiên ưu 8 tại xã Hợp Thịnh.
Đặc điểm tự nhiên của huyện là vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi trung du với đồng bằng châu thổ sông Hồng, địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, huyện được chia ra làm ba vùng sinh thái chính: Vùng núi địa hình chủ yếu là gò đồi; vùng trung du đất đai và điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất, có nguồn nước tưới tự chảy, có hệ thống giao thông thuận lợi, hội tụ tương đối đủ các điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa như cây công nghiệp, cây thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế của huyệ; vùng đồng bằng đất đai bằng phẳng, phù hợp cho phát triển các loại cây trồng ngắn ngày có hiệu quả và giá trị kinh tế cao như rau sạch, cây vụ đông, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và công nghiệp, dịch vụ.

Huyện ủy Tam Dương đã tập trung lãnh đạo việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu nông sản và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng địa phương. Sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng lên, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Diện tích gieo trồng cây hàng năm luôn đạt kế hoạch đề ra, diện tích lúa ổn định từ 6.500-6.600 ha, diện tích trồng cây vụ đông đạt từ 2.300 - 2.500 ha; các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa như: Dưa chuột (400 ha), bí đỏ (200 ha), su su (30 ha), khoai tây (20 ha), ngô giống (50 ha), cà chua, ớt,…được triển khai thực hiện có hiệu quả và từng bước được mở rộng; diện tích trồng rau an toàn theo hướng VietGAP được nông dân tích cực triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Với việc triển khai một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 201 và Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, nông nghiệp Tam Dương tiếp tục có nhiều khởi sắc, tạo đà phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện đưa các giống lúa chất lượng như: Thiên ưu 8, QR1, HT1, TBR225, BC15 và RVT vào sản xuất đạt diện tích trên 50%, thay thế dần các giống lúa Khang dân 18; giống ngô biến đổi gen diện tích gieo trồng đạt trên 1.000 ha. Để giữ vững thương hiệu gạo Long Trì, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Dự án “Phát triển thương hiệu gạo Long Trì, huyện Tam Dương giai đoạn 2017-2020”; triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo Long Trì với quy mô 150ha đến năm 2020 tại thị trấn Hợp Hòa.

Đồng thời xây dựng kế hoạch dồn thửa, đổi ruộng, hình thành 3 vùng sản xuất lúa thương phẩm. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển thương hiệu gạo Long Trì, giúp người nông dân gắn bó hơn với cây lúa trên mảnh đất Tam Dương. Với thế mạnh về sản xuất rau quả, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP như: su su, bí đỏ, dưa chuột, bí xanh,… tập trung ở các xã: Vân Hội, Hoàng Lâu, An Hòa, Kim Long, Duy Phiên, thị trấn Hợp Hòa. Đến nay, trên địa bàn có 551ha rau quả sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có 20ha (10 ha rau ăn lá tại xã Vân Hội; 5 ha dưa chuột tại xã An Hòa và 5 ha su su, mướp tại xã Kim Long). Toàn huyện đã xây dựng được 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Mô hình trồng hoa ly, ớt ngọt ở xã Hoàng Lâu và mô hình trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua ở xã Kim Long, cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm. Việc nhân rộng mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP hay ứng dụng công nghệ cao đã tạo sự thay đổi trong kỹ thuật canh tác, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, đây được xem là tiền đề góp phần thay đổi tư duy của các nhà quản lý cũng như của người sản xuất về việc phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Trong chăn nuôi, ngoài các mô hình nuôi gà đẻ trứng, gà thả vườn, lợn thịt, bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình mới như: bò sữa, lợn rừng, thỏ, chim bồ câu Pháp, cá rô phi đơn tính, chép lai 3 máu,… Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khối lượng, giá trị, tỷ trọng ngành chăn nuôi ngày càng tăng lên. Xu hướng chăn nuôi trang trại, gia trại có quy mô vừa và nhỏ ngày càng phát triển và phổ biến. Đến nay, toàn huyện có 325 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được đặc biệt quan tâm, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, nhất là những bệnh nguy hiểm lây lan sang người. Những năm qua không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, tạo sự ổn định cho ngành chăn nuôi phát triển.

Có thể khẳng định tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 9,31%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 15,66%; nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 0,93%; thương mại - dịch vụ tăng 8,23%. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ở tất cả các ngành, thể hiện rõ hơn vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 1.521.079 triệu đồng, tăng 0,93% so với cùng kỳ, chiếm 28,69% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp huyện Tam Dương cũng còn nhiều khó khăn, thử thách: Một số mặt hàng nông sản tuy có thế mạnh nhưng trên thị trường còn ít người tiêu dùng biết đến các thương hiệu nông sản của Tam Dương. Phần lớn sản phẩm nông sản được bán ở các chợ, một số sản phẩm đã được Cục sở hữu Trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác nên khó cạnh tranh với thương hiệu nông sản của các tỉnh, huyện khác. Bên cạnh đó, hàng nông sản của huyện còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường,… cũng là những yếu tố cản trở việc xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

Để khắc phục những khó khăn và thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu nông sản đạt kết quả cao, Huyện ủy Tam Dương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, xác định việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu nông sản là nhiệm vụ quan trọng của địa phương; cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn; xây dựng trung tâm cung cấp dịch vụ, thu mua, chế biến nông sản.

Hai là, lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đảm bảo các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh điển hình như: Phát triển thương hiệu gạo Long Trì, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu dưa chuột An Hòa, dứa Hướng Đạo, Gà sạch Tam Dương,…

Ba là, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng theo quy hoạch, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đồng thời chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch,… nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bốn là, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP,…nhằm nâng cao chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng là cơ sở để phát triển và giữ vững thương hiệu trên thị trường.

Năm là, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân là chủ thể trực tiếp thực hiện.

Sáu là, thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản của huyện nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất