Năm 2014, xã Thượng Trưng (huyện Vĩnh Tường) được công nhận là đô thị loại V của tỉnh Vĩnh Phúc. Quá trình đô thị hóa ở Thượng Trưng, đặc biệt là kết quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thay đổi từng ngày diện mạo của xã: Kinh tế ngày một phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Từ việc khơi dậy và phát huy nội lực trong nhân dân, hệ thống chính trị ở Thượng Trưng ngày càng vững mạnh trên nhiều phương diện. Trên bản đồ phía Bắc của huyện Vĩnh Tường, xã Thượng Trưng đang hiển diện một màu sắc tươi mới.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thượng Trưng là “điểm sáng” về xây dựng Đảng và căn cứ cách mạng. Chi bộ đảng đầu tiên ở Thượng Trưng được thành lập năm 1939 với 5 đảng viên. Mặc dù kẻ địch khủng bố tàn bạo, nhưng nhân dân Thượng Trưng vẫn kiên trung, là một địa chỉ tin cậy của cơ quan Xứ ủy Bắc kỳ. Thực dân Pháp ra sức ngăn cản để Thượng Trưng không thể trở thành cái nôi của cộng sản. Thế nhưng, Đảng ở trong lòng dân, dân vững niềm tin với Đảng đã tạo thành sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Bước vào thời kỳ mới, Thượng Trưng hiện có gần 2.500 hộ với trên 9.000 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 467 đảng viên ở 19 chi bộ. Tiếp nối truyền thống cách mạng, Thượng Trưng đang dần đổi mới, vươn lên, thực hiện mục tiêu “Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội; giữ vững an ninh trật tự; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Thượng Trưng ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thượng Trưng lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện nay Thượng Trưng có tới 431 hộ kinh doanh dịch vụ, 1.473 lao động làm tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Những con số đã đánh dấu những bước chuyển mình đầu tiên của một xã thuần nông còn khó khăn. Những mục tiêu cụ thể đang dần thành hiện thực khi Thượng Trưng đặt ra quyết tâm phấn đấu: Thương mại - dịch vụ chiếm 43,33%, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 30,72%, nông nghiệp - thủy sản 25,95%, thu nhập bình quân đầu người 44-46 triệu đồng vào năm 2020.
Ít ai ngờ, năm 1998 Thượng Trưng mới dứt được cơ chế bao cấp - chia thịt theo khẩu phần. Vậy mà gần 20 năm sau, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhân dân Thượng Trưng đã đóng góp 160,34 tỷ đồng trong tổng số 260,93 tỷ đồng được huy động xây dựng nông thôn mới. Đó là chưa kể đến diện tích đất đai và ngày công lao động người dân Thượng Trưng tự nguyện đóng góp. Lịch sử xây dựng Đảng bộ Thượng Trưng từ xưa đến nay đã chứng minh thực tế: ý Đảng hợp lòng dân, Đảng luôn ở trong lòng dân thì nhiệm vụ khó đến mấy cũng thực hiện được. Năm 1997, Đảng ủy xã Thượng Trưng ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ. Nghị quyết được thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc rèn luyện, giáo dục đảng viên, ngăn ngừa sai phạm, giữ vững kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, đã nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng. Ở thời điểm hiện tại, thực hiện các nghị quyết của Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Các cấp ủy đảng đã coi trọng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo theo hướng sâu sát, toàn diện, sát thực tế, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Đảng viên trong Đảng bộ luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trong mọi hoạt động để làm gương cho nhân dân.
Ghé thăm nhà ông Bùi Văn Dung ở thôn Chùa Chợ, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trưng giai đoạn 1991-1996, nghe ông kể tôi được biết: Chỉ cách đây ít năm, lối vào nhà ông còn ngập bùn đất, giờ đã được đổ bê tông sạch sẽ. Ông bảo: “Mọi người tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, cùng chung tay góp sức xây dựng nên. Xóm nào cũng vậy, đảng viên đi trước, làng nước theo sau, cả xã như thế". Nhà ông Dung có truyền thống cách mạng, thân phụ ông là đảng viên đầu tiên của Chi bộ Thượng Trưng - năm 1939, từng làm Bí thư Ban Chấp hành Nông hội Khu tự trị Thái - Mèo, được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập. Ông Dung năm nay đã 76 tuổi đời, 54 năm tuổi Đảng. Bà Hiến vợ ông cũng đã 51 năm tuổi Đảng nhưng việc xã, việc làng ông bà chưa khi nào trễ nải. Giống như ông, nhiều đảng viên luôn “đi trước”, gương mẫu, nên mọi công việc ở thôn đều thuận lợi. Trong câu chuyện ở nhà ông Dung, thấy mọi người đều phấn khởi trước những thành quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại. Nhưng cũng thấy không ít ý kiến băn khoăn về ô nhiễm môi trường, về khó khăn tiêu thụ nông sản, về an ninh nông thôn... Trong đó, sôi nổi nhất là những bàn luận về lớp trẻ, về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trẻ. Câu chuyện dài, song ai cũng lạc quan: “Tre già măng mọc, lo gì! Quan trọng nhất là bản thân mỗi đảng viên phải gương mẫu”…
Trên con đường qua thôn Phú Thứ B, tôi ghé thăm gia đình chị Lê Thị Thịnh. Hỏi về sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây với các gia đình trong thôn, chị Thịnh tươi cười bảo: “Nói xa xôi thì tôi không biết, nhưng hễ nhà nào có công có việc là thấy bí thư chi bộ với trưởng thôn đều có mặt, thăm nom”. Bí thư chi bộ, rồi mỗi đảng viên nêu gương sáng nên nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ đều cố gắng noi theo. Nguyễn Xuân Thành - con trai chị Thịnh luôn phấn đấu, rèn luyện tốt nên được tham dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng từ khi còn là học sinh lớp 12, vinh dự kết nạp Đảng khi bước vào giảng đường đại học. Nhân ngày nghỉ cuối tuần về quê, khi được hỏi về tương lai, Thành chia sẻ: “Cháu luôn tự nhủ phải cố gắng học tập, rèn luyện để sau này được trở về công tác tại quê hương, làm được nhiều việc tốt cho gia đình và xã hội”.
Những câu chuyện, con người ở Thượng Trưng đã chứng tỏ: niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng là nền tảng vững chắc để Thượng Trưng ngày một thêm khởi sắc. Trước kia, Thượng Trưng đã ghi dấu ấn khi sản lượng lương thực đạt 7 tấn/ha và mô hình thâm canh tổng hợp năm 1985 đã đưa năng suất cao hơn nhiều năm sau đó. Ngày nay, những con đường quanh Thượng Trưng luôn tấp nập người, xe, rộn ràng với nhịp sống mới. Dẫn tôi qua những “phố làng”, bên cạnh niềm vui đổi mới, đồng chí Bí thư Đảng ủy Lê Văn Để vẫn thổ lộ âu lo: Chất lượng đảng viên không đồng đều, cấp ủy viên không phải ai cũng đủ năng lực, kinh nghiệm để đoàn kết, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nên khó khăn vẫn sẽ còn nhiều. Hiểu được trăn trở ấy, tôi cũng hiểu được ý của đồng chí Bí thư Đảng ủy, rằng trước hết phải nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên toàn tâm, toàn ý với công việc, làm tròn vai trò, trách nhiệm Đảng, nhân dân giao phó, thì dân sẽ tin Đảng, Đảng ở trong lòng dân thì nhiệm vụ khó đến mấy nhất định cũng thành công.
Hải Thanh
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc