Tổng kết 6 năm (2011-2016) triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Nam có 62 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Nhìn chung, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi có sự chuyển biến so với trước đây; người dân ngày càng nhận thức tốt hơn về thực hiện Chương trình NTM; các cấp, các ngành, các địa phương có sự tập trung, ưu tiên lồng ghép, bố trí nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho nông thôn từng bước phát triển. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, bộ mặt nông thôn ở những xã đã công nhận đạt chuẩn NTM vẫn chưa thật sự thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn vẫn còn khó khăn; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới vẫn chưa được phát huy đầy đủ; ở từng hộ nông dân (nhà ở, vườn tược, vệ sinh môi trường, cảnh quan...) vẫn chưa thật sự mới và chưa sạch đẹp.
Chủ động, linh hoạt
Ngày 26-7-2016, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2663/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (KDCNTMKM)” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020 (với 10 tiêu chí cụ thể). Việc xây dựng KDCNTMKM nhằm nâng chất các tiêu chí NTM, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tạo ra các thôn có kinh tế hộ phát triển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; có cảnh quan, môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”; an ninh trật tự được bảo đảm. Đặc biệt, xây dựng KDCNTMKM nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, những nét đặc trưng của từng vùng, miền; gìn giữ được “hồn quê” và cốt cách nông thôn ở Quảng Nam.
Công tác xây dựng KDCNTMKM được triển khai ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh, bao gồm những xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014-2016, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 và sau năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 135 thôn đăng ký xây dựng KDCNTMKM.
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp để triển khai thực hiện, như: Ban hành Bộ tiêu chí xây dựng KDCNTMKM, trình HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ (500 triệu đồng) cho 1 KDCNTMKM, ban hành nội dung hỗ trợ; quy trình thực hiện, lập, thẩm định, phê duyệt phương án xây dựng. UBND tỉnh cũng đã có quy định đánh giá, khen thưởng, xét công nhận thôn đạt chuẩn KDCNTMKM (một xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM - kể cả công nhận lại, khi có ít nhất 1 thôn đạt chuẩn KDCNTMKM). Kế hoạch triển khai thực hiện được ban hành, theo đó giai đoạn 2017-2020 phấn đấu có ít nhất 133 thôn được công nhận đạt chuẩn KDCNTMKM với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trên 66,5 tỷ đồng. Để nhân dân trong tỉnh hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng KDCNTMKM, cấp ủy, chính quyền ở Quảng Ngãi chú trọng tuyên truyền bằng trực quan sinh động. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, tham quan học tập kinh nghiệm ở những địa phương làm tốt trên địa bàn tỉnh và trong cả nước cho cán bộ liên quan, nhất là cán bộ cấp xã, thôn. Cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng NTM cấp tỉnh thường xuyên làm việc với cấp huyện, xã, thôn về tình hình xây dựng KDCNTMKM kiểu mẫu để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Các đơn vị báo, đài địa phương, Trung ương tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đăng các tin bài, phổ biến cách làm hay, sáng tạo; xây dựng các chuyên mục, phóng sự phát trên cổng thông tin điện tử, sóng truyền hình để tuyên truyền sâu rộng về chủ trương xây dựng KDCNTMKM. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng NTM, năm 2017, đã phối hợp với Tổ chức Làng mới của Hàn Quốc tại Tp.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về phong trào “Làng mới của Hàn Quốc” nhân ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam. Công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm được các cấp, các ngành ở tỉnh, các địa phương tổ chức thực hiện. Công tác thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng KDCNTMKM cũng được cấp tỉnh, cấp huyện chú trọng thực hiện, nhằm động viên, khích lệ kịp thời. Ở các huyện, xã đã thành lập Tổ thẩm định phương án xây dựng KDCNTMKM kiểu mẫu; tổ chức thẩm định, xét công nhận thôn đạt chuẩn. UBND các xã, các thôn thành lập BCĐ xây dựng KDCNTMKM; kiện toàn Ban phát triển thôn; lập và triển khai thực hiện Phương án; tổ chức các đợt phát động xây dựng KDCNTMKM trong nhân dân. Ngoài ra, một số huyện đã có Nghị quyết hỗ trợ thêm cho xây dựng KDCNTMKM, ngoài mức hỗ trợ của tỉnh.
Kết quả
Sau gần hai năm thực hiện xây dựng KDCNTMKM, việc thành lập ban chỉ đạo xây dựng KDCNTMKM, củng cố Ban phát triển thôn; việc xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án xây dựng KDCNTMKM được chỉ đạo thực hiện kịp thời đã tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện. Tại 135 thôn đăng ký xây dựng KDCNTMKM, đều đã thành lập ban chỉ đạo; 100% số thôn đã kiện toàn Ban phát triển thôn; 94,8% số thôn đã xây dựng phương án KDCNTMKM, trong đó, có 85,2% số thôn có phương án được phê duyệt. Một số địa phương đã huy động tốt sự tham gia của nhân dân; nhiều cấp huyện đã quan tâm bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện. Tổng kinh phí huy động được 258.827 triệu đồng (bình quân 1.917 triệu đồng/thôn). Trong đó: Ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ: 73.289 triệu đồng (28,3%); kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án: 90.844 triệu đồng (35%); kinh phí huy động từ cộng đồng, tổ chức, cá nhân: 83.534 triệu đồng (32,3%); nhân dân đóng góp (từ hiến đất, vật kiến trúc, lao động...) ước quy ra tiền: 11.159 triệu đồng (4,3%). Bên cạnh đó, nhiều huyện, xã đã bố trí thêm kinh phí trực tiếp để hỗ trợ xây dựng từ 50-200 triệu/khu; ngân sách tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng/khu (mỗi xã chỉ được hỗ trợ 1 khu để xây dựng mô hình, từ đó nhân ra diện rộng).
Với nỗ lực trong xây dựng KDCNTMKM, bình quân chung số tiêu chí đạt được của một KDCNTMKM là 4,2 tiêu chí/10 tiêu chí (cuối năm 2017), so với bình quân trước khi thực hiện là 3 tiêu chí. Hiện nay, đã có 20 thôn đăng ký đạt chuẩn KDCNTMKM năm 2017 được UBND cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn. Trong đó, có 5 thôn đạt chuẩn được UBND tỉnh tặng Bằng khen kèm theo phần thưởng 100 tấn xi măng/thôn để xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn. Cảnh quan, môi trường nông thôn sạch đẹp hơn, kinh tế vườn, kinh tế hộ có chuyển biến tích cực, bộ mặt của nông thôn được mới, rõ nét hơn, như: Khu dân cư thôn Kế Xuyên 1 (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình); Khu dân cư thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh, Tp.Tam Kỳ); Khu dân cư thôn Bến Đền Tây (xã Điện Quang, Thị xã Điện Bàn)...
Kinh nghiệm
Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức; đặc biệt phải chú trọng, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cở sở và toàn dân trong xây dựng KDCNTMKM, làm cho mọi người thấy rằng, việc xây dựng KDCNTMKM là việc làm cho chính lợi ích của cộng đồng, của người dân trong khu dân cư.
Từ thực tế cho thấy, nơi nào mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc với sự nỗ lực, quyết tâm cao thì ở nơi đó việc xây dựng KDCNTMKM sẽ có kết quả tốt. Chú ý phải phát huy tối đa vai trò, tinh thần, trách nhiệm của từng thành viên trong ban chỉ đạo xây dựng KDCNTMKM xã, đặc biệt là vai trò của đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn. Các cán bộ, đảng viên ở nơi xây dựng KDCNTMKM phải là những gia đình gương mẫu, là những điển hình trong xây dựng KDCNTMKM.
Việc xây dựng, tổ chức thực hiện phương án KDCNTMKM cần phải đúng trình tự quy định; thực hiện phải công khai, có sự tham gia bàn bạc, lựa chọn, ý kiến thống nhất của người dân; cần xây dựng khung kế hoạch, phương án, dự toán chi tiết, có lộ trình, có phân công người chịu trách nhiệm, có giám sát từng nội dung công việc theo tiến độ cụ thể.
Cần tạo được phong trào thi đua trong xây dựng KDCNTMKM (giữa các tổ đoàn kết, các xóm, giữa các tổ chức đoàn thể, giữa các cá nhân, hộ gia đình), kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, sáng tạo trong thực hiện; việc tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các xã, thôn trong và ngoài tỉnh cũng là biện pháp rất cần thiết để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, cách làm, qua đó nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ trong xây dựng KDCNTMKM.
Tuấn Minh