Sau gần hai năm triển khai, đến nay, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã hoàn thành các bước trong quy trình cổ phần hóa (CPH) theo đúng quy định. Ngày 30-3, Tổng công ty sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Sau CPH, đơn vị tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong nước, giữ vững vị thế là doanh nghiệp lớn của cả nước.
Doanh nghiệp hàng đầu trong xuất khẩu và kinh doanh thương mại
Tổng công ty Thương mại Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 129/2004/QĐ-TTg ngày 14-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 125/2004/QĐ-UB ngày 11-8-2004 của UBND Thành phố Hà Nội, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con trên cơ sở sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực thương mại, trong đó Công ty Sản xuất Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội được giao nhiệm vụ đảm nhận chức năng là Công ty Mẹ - Tổng công ty. Hơn 14 năm hoạt động và phát triển, đơn vị đã có bước phát triển và tăng trưởng đáng kể trên ba lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển hệ thống kinh doanh thương mại trong nước, khẳng định vai trò, vị thế là một đơn vị kinh tế lớn của thành phố Hà Nội, đóng góp đáng kể cho ngân sách. Giai đoạn 2012-2016, tổng doanh thu của Tổng công ty đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm. Nộp ngân sách nhà nước đạt trên 300 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho 800 lao động. Riêng năm 2017, doanh thu đạt 4.452 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 95,23 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 90,55 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế đạt 76,9 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 8% so với thực hiện năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước 90 tỷ đồng.
Phát huy ưu thế là một đơn vị hoạt động lâu năm và có bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu, trong những năm qua, Hapro đã xây dựng được một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực với năng lực sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu tới 70 nước và khu vực trên thế giới. Để tạo nguồn hàng xuất khẩu vững chắc, ngoài việc liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến các mặt hàng xuất khẩu, Tổng công ty cũng đã tập trung nguồn lực, thực hiện đầu tư và hình thành các cơ sở sản xuất tại các địa phương, tập trung vào ba mặt hàng có thế mạnh là: hạt điều, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ .
Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, Tổng công ty chú trọng phát triển hoạt động kinh doanh thương mại trong nước. Từ hệ thống kinh doanh thương mại truyền thống, cơ sở hạ tầng lạc hậu, nhỏ lẻ, bố trí phân tán do được hình thành từ nhiều đơn vị gộp lại, sau 14 năm thành lập, Tổng công ty đã sắp xếp, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống hạ tầng thương mại sẵn có, tập trung ưu tiên phát triển mở rộng hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, Đến nay hệ thống hạ tầng thương mại nội địa của Tổng công ty đã có 40 siêu thị, sửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood; hai trung tâm kinh doanh chợ, chợ đầu mối và các cửa hàng chuyên doanh điện máy, may mặc, dịch vụ ăn uống…tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía bắc. Đẩy mạnh sự liên kết nội bộ giữa các đơn vị trong Tổng công ty nhằm tiết kiệm chi phí, tạo hiệu quả kinh doanh cao. Tổng công ty cũng chú trọng mở rộng sự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, một số địa phương trong việc khai thác các đặc sản vùng miền và cung ứng hàng vào hệ thống phân phối như cam Cao Phong, vải thiều Thanh Hà, Bưởi Diễn,... Tổng công ty luôn là đơn vị nòng cốt của thành phố trong triển khai công tác dự trữ hàng hóa, chủ động, tích cực tham gia chương trình Bình ổn giá vào những thời điểm thị trường có nguy cơ bất ổn do mất cân đối “cung- cầu” như các ngày lễ, dịp Tết Nguyên đán, mùa mưa bão hàng năm, góp phần bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do Thành phố giao. Bên cạnh đó Tổng công ty đã cố gắng tận dụng cơ hội kinh doanh vào dịp Lễ, Tết nhằm tăng doanh thu, tăng hiệu quả kinh doanh. Năm 2018, doanh thu kinh doanh phục vụ Tết tăng 8% so với Tết nguyên đán 2017.
Về công tác đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại, trong giai đoạn vừa qua, Tổng công ty quan tâm, tích cực triển khai và đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng một số dự án lớn như: Trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê của Tổng công ty tại 11B phố Cát Linh; Trung tâm Thương mại Hapro Bắc Giang, Nhà máy giết mổ Gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm. Sau khi rà soát hiện trạng sử dụng mạng lưới, Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng địa điểm, mạng lưới như điều chuyển, hợp khối một số địa điểm kinh doanh để quy hoạch và tăng quy mô kinh doanh; chuyển dịch loại hình kinh doanh và hình thức kinh doanh một số địa điểm,... qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng mạng lưới, tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh nội địa của Tổng công ty.
Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ
Căn cứ Quyết định 58/2016/QĐ-TTG ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước và danh mục sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, theo đó Tổng công ty Thương mại Hà Nội nằm trong nhóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và thuộc nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội và trên cơ sở Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã triển khai thực hiện các bước trong quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn. Ngày 6-6-2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2908/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội, chỉ đạo Tổng công ty tiến hành các bước trong quy trình theo đúng quy định. UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 21-4-2017 phê duyệt Phương án sử dụng các cơ sở nhà đất sau cổ phần hóa, Quyết định số 2479/QĐ-UBND ngày 28-4-2017 phê duyệt giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ - TCT tại thời điểm ngày 30-6-2016. Trên cơ sở đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã tiến hành xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của Tổng công ty sau cổ phần hóa và đã được Hội nghị người lao động của Công ty mẹ - TCT thông qua. Các sở, ngành của thành phố đã tiến hành thẩm định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thương mại Hà Nội sau cổ phần hóa, thẩm định phương án lao động Công ty mẹ - TCT sau cổ phần hóa. Về phương án sản xuất kinh doanh sau CPH và phương án lao động, về cơ bản Tổng công ty Thương mại Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng trở thành doanh nghiệp thương mại chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu và nội địa lớn của thành phố, có khả năng cạnh tranh, tiếp tục tạo việc làm cho người lao động, nhất là đội ngũ CBCNV đã có thời gian cống hiến, gắn bó tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm với TCT. Ngày 26/10/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã có Tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án CPH Công ty mẹ - TCT, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ý kiến năm bộ, ngành có liên quan về Phương án CPH của Công ty mẹ - Tổng công ty và đã ban hành Quyết định số 1925/QĐ-TTg ngày 30/11/2017 phê duyệt Phương án CPH của Công ty mẹ - Tổng công ty
Ngày 30-3-2018, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Lần này, đơn vị dự kiến chào bán gần 76 triệu cổ phần, tức 34,51% vốn điều lệ tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Là doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội cổ phần hóa, tổng công ty này được định giá hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phần cho phiên đấu giá. Ngoài 34,51% vốn chào bán trong phiên IPO sắp tới, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Công ty Motor N.A Việt Nam (Vinamco) là cổ đông chiến lược mua 65% vốn và 0,49% bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị.
Sau CPH, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh hiện tại với 66 mã ngành kinh doanh như hiện nay, tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa, trọng tâm là phát triển hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, xây dựng Tổng công ty Thương mại Hà Nội thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững, với các mục tiêu cụ thể như sau: tập trung phát triển đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty; phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu. Đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty. Xây dựng thành công năm mặt hàng xuất khẩu gồm: gạo; hạt tiêu; hạt điều; cà phê và thủ công mỹ nghệ, nằm trong năm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại nội địa theo phương châm: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự khác biệt, ưu tiên tối đa cho hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Hapro và Việt Nam vào hệ thống kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều gắn với thương hiệu Hapro phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, công nghiệp tiêu dùng,… Đạt tới mô hình Tổng công ty có tính gọn nhẹ tối đa, linh hoạt, hiện đại và chuyên môn hóa cao cả về công nghệ quản lý, điều kiện phương tiện làm việc và chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Hy vọng rằng, với những thế mạnh sẵn có của một tổng công ty lớn của Thủ đô, bước sang giai đoạn mới, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội phát triển bền vững, giữ vững vai trò, vị thế của một doanh nghiệp lớn của Thủ đô và đất nước, bảo đảm việc làm thu nhập cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách.
Hải Phong