Quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách hành chính (CCHC), đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ động xây dựng các nghị quyết, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn.
Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27-6-2014 về tiếp tục đẩy mạnh CCHC. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương.
Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Tỉnh luôn quan tâm, sâu sát công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương theo kế hoạch được ban hành hằng năm. Riêng trong giai đoạn 2011-2015, thông qua việc kiểm tra, rà soát, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 13/188 văn bản có những dấu hiệu sai sót và đề nghị xử lý. Ngoài ra, Sở Tư pháp của tỉnh cũng đã kiểm tra, phát hiện 49/450 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp theo quy định của pháp luật do HĐND và UBND cấp huyện ban hành. Qua đó, giúp các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, hợp lý, đúng quy định.
Về cải cách thủ tục hành chính: UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan thực hiện đánh giá tác động đối với thủ tục hành chính trước khi ban hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chịu tác động từ các loại thủ tục hành chính. Công tác niêm yết, công khai thủ tục hành chính được 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện quan tâm thực hiện. Hiện có 11/18 sở, ban, ngành của tỉnh (đạt tỷ lệ 61,11%), 11/11 UBND các huyện, thị xã, thành phố (đạt tỷ lệ 100%) và 60/109 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 55%) triển khai, hoàn tất hệ thống một cửa điện tử, một cửa liên thông hiện đại.
Về công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Những năm gần đây, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30c về CCHC, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là quan tâm đổi mới công tác thu hút, tạo nguồn cán bộ (trong năm 2014 tỉnh đã thu hút được 68 sinh viên vừa tốt nghiệp về công tác ở cấp xã), tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức… Ngoài ra, đặc thù của tỉnh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên tỉnh luôn quan phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong đó nhiều người đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở địa phương.
Về cải cách tài chính công: Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện tốt các chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và các chính sách an sinh xã hội, thực hiện cơ chế đổi mới tài chính đối với cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình… tại địa phương.
Về công tác hiện đại hóa hành chính: Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị mình. Xây dựng và phát triển hệ thống mạng nội bộ, các trang thông tin điện tử,… Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng công tác đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan làm việc ở các địa phương, nhất là ở cấp xã, bảo đảm điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ người dân được tốt hơn.
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai các chương trình, kế hoạch về CCHC ở một số nơi còn chậm, nội dung chưa cụ thể. Tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính và yêu cầu bổ sung hồ sơ từ hai lần trở lên vẫn còn xảy ra, từ đó người dân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian. Chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa… Hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác vẫn còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, Sóc Trăng thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác CCHC, xem đây là nội dung then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CCHC đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, hình thức và cách làm khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể, từng bước tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thiết thực thúc đẩy nhanh tiến trình CCHC ở địa phương,
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cơ sở. Để triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về CCHC, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải là những người thật sự có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Theo đó có chính sách thu hút, tuyển dụng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Bốn là, coi trọng sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Các địa phương, đơn vị cần mạnh dạn, đề xuất cắt giảm những loại thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quá trình công tác; tăng cường và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến…
Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, khuyến khích các hình thức phản biện xã hội đối với hoạt động CCHC ở địa phương. Tăng cường sự giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến từ các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Trương Thế Nguyễn
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng
Số 88 Lê Hồng Phong, TP. Sóc Trăng