Sáng 3-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Liên hiệp quốc tại Việt Nam và Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.
|
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc sự kiện.
|
Sự kiện diễn ra với sự tham gia của trên 100 đại biểu là cán bộ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, một số địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan của Liên hiệp quốc tại Việt Nam…
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam khẳng định, tại Việt Nam, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-6-2020 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), đổi mới và công nghệ đã trở thành một ưu tiên của Chính phủ, các bộ, ngành trong những năm gần đây. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
"Bên cạnh đó, chuyển đổi số nhằm tạo sự thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin; trang bị cho phụ nữ các kỹ năng, hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số, bảo đảm phụ nữ không bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Bà Pauline Tamaris, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, nhiệm vụ xem xét lại các tác động mang yếu tố giới của đổi mới và công nghệ, đồng thời nêu một số khuyến nghị nhằm tạo điều kiện cho quá trình phát triển số bao trùm, công bằng hơn, bao gồm: Bảo đảm các quan điểm về giới trong các chính sách số quốc gia; thúc đẩy giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học; giảm thiểu các tác động bất lợi, mang yếu tố giới của quá trình số hóa; tăng cường thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn các khía cạnh đầy đủ về giới và đổi mới, công nghệ, đồng thời giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến.
|
Quang cảnh sự kiện.
|
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu cũng nêu bật tầm quan trọng của chuyển đổi số, coi đây là một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với đó, các đại biểu tập trung thảo luận thực trạng chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau.
Gắn liền với chủ đề toàn cầu của Ngày Quốc tế Phụ nữ “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”, đồng thời hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hiệp quốc (CSW67): “Đổi mới công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”, Đối thoại lần này nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong đổi mới, công nghệ, giáo dục kỹ thuật số, đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với những nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội.
Các thông tin chia sẻ, khuyến nghị tại Đối thoại chính sách sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên hiệp quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3-2023 tại Niu Óoc, Hoa Kỳ.
PV