Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tu dưỡng đạo đức cách mạng”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về vai trò, nội dung, yêu cầu và sự cần thiết mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để trở nên người cách mạng chân chính. Người nhắc nhở: “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, Tạp chí số này đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - nhìn từ góc độ xây dựng văn hóa đảng” của PGS, TS. Phạm Ngọc Anh (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Tác giả khái quát những nội dung cơ bản về bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 48 năm, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới bút danh T.L. Đó là một bài báo ngắn, chưa đến 700 từ, nhưng là một sự tổng kết về nội dung bản chất quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta, những quan điểm đó, theo tác giả, đạt đến chiều sâu triết lý và mang tầm vóc văn hóa.
Bài “Nội dung, phương thức xây dựng Đảng về đạo đức” của PGS, TS. Nguyễn Văn Giang (Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Bài viết đề cập đến nội dung xây dựng Đảng về đạo đức từ hai góc độ: đối với toàn Đảng, đối với từng cá nhân cán bộ, đảng viên và 6 phương thức xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là: bằng tuyên truyền, giáo dục về đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên; bằng sự tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; bằng quản lý tốt đội ngũ cán bộ, đảng viên; thông qua xây dựng Nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; bằng kiến tạo môi trường lành mạnh trong Đảng và xã hội; bằng kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Bài “Nâng cao đạo đức công chức, viên chức trong cải cách hành chính ở nước ta” của ThS. Lê Thị Thúy Bình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bài viết nhấn mạnh yêu cầu của cải cách hành chính Nhà nước hiện nay là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra là cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Bài “Để thực hiện có hiệu quả quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” của TS. Trần Thị Minh (Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, BTCTƯ). Tác giả đánh giá, sau 5 năm thực hiện Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” đã có những chuyển biến tích cực và chỉ rõ còn những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân của những khuyết điểm hạn chế đó. Tác giả đề xuất các giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt hơn Quy định này.
Bài “Phát huy vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân trong giám sát tổ chức đảng, chính quyền cơ sở” của Ths. Đoàn Mạnh Hùng (Học viện Chính trị khu vực I). Tác giả khẳng định: Thông qua hoạt động giám sát đã phát hiện những tồn tại, bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật cũng như các sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước.
Bài “Phải có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền giám sát” của Đình Tùng. Đây là một trong những nội dung được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đến nay vẫn tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Tác giả đưa ra 3 giải pháp: Xác lập cơ sở pháp lý, tạo và trao quyền pháp lý để phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận Tổ quốc các cấp, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng; Phải có quy chế bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; Phải đẩy mạnh tuyên truyền công khai về các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nhằm răn đe và phòng ngừa, tạo hiệu ứng tích cực từ xã hội.
Bài “Bước tiến trong phòng, chống tham nhũng năm 2017” tác giả Minh Anh vẽ lại bức tranh sau 10 năm nỗ lực triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bài “Cần đồng bộ và thiết thực hơn” của Trần Xuân. Tác giả viết về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Đây là chủ trương đúng, triển khai đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập, hạn chế. Bài viết bước đầu đưa ra những kinh nghiệm và giải pháp để công tác này thực chất và hiệu quả hơn.
Bài “Yêu cầu tất yếu rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên” của tác giả Nguyễn Văn Định (Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đảng viên, BTCTƯ). Tác giả khẳng định đây là vấn đề mang tính quyết định, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để xây dựng được đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.
Bài “Nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ” của TS. Quản Minh Cường (Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, BTCTƯ). Trong bài viết, tác giả triển khai theo các nội dung chính: Nội dung, biểu hiện của vấn đề chính trị hiện nay, hạn chế và một số giải pháp để nắm và giải quyết vấn đề lịch sử chính trị và chính trị hiện nay.
Bài “Dự án 600 phó chủ tịch xã - Phép thử trong công tác cán bộ” của Phan Nam. Tác giả nêu bật những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm triển khai Dự án của Bộ Nội vụ thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ, ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo.
Bài “Đồng Tháp: Đối thoại trực tiếp với nhân dân” của Sáng Thành. Bài viết nêu rõ kết quả thí điểm chế độ định kỳ bí thư, phó bí thư cấp ủy tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân ở tỉnh Đồng Tháp sau 10 năm triển khai, đến nay đã đi vào nền nếp. Qua mỗi cuộc đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Về tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp” của TS. Trần Duy Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Bài viết là những nghiên cứu của tác giả về sự cần thiết và những nội dung tăng thẩm quyền quyết định cho UBKT, tăng thẩm quyền chỉ đạo của UBKT.
Bài “Về cơ chế giám sát quyền lực trong công tác cán bộ” của Hồng Chương từ chỗ chỉ ra những biểu hiện phức tạp, tinh vi của sự lạm quyền, tác giả đưa ra 8 giải pháp để xây dựng cơ chế giám sát quyền lực có tính toàn diện, hệ thống và hiệu quả hơn.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “TP. Hồ Chí Minh: Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới”. Tác giả Đinh Thành đề cập đến những đột phá, kết quả và kinh nghiệm của thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về cán bộ và công tác cán bộ.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Những tín hiệu vui ở Lâm Đồng” của Nguyễn Hữu Khuyến (Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Tác giả phản ánh kinh nghiệm của các cấp ủy Lâm Đồng giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở cấp huyện và cơ sở.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Hồng Bàng thi đua làm theo lời Bác” của Mai Anh, viết về quận Hồng Bàng (TP. Hải Phòng) tiên phong thực hiện mô hình chính quyền điện tử và có hướng đi mới, cách làm độc đáo, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ quận trong sạch, vững mạnh.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Chuyện về một nữ đảng viên” của Hồng Văn. Từ một câu chuyện có thật, tác giả suy ngẫm những người làm công tác tổ chức xây dựng đảng luôn cần công tâm, khách quan, có công thì thưởng, có tội thì phạt; cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng nhất định phải được tổ chức đảng xử lý kỷ luật nghiêm minh, thận trọng, công khai, dân chủ, có lý, có tình.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Bình đẳng trước kỷ luật của Đảng” của Xuân Vinh bình luận qua sự kiện trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạo đã được xử lý kiên quyết, nghiêm minh, mọi đảng viên bất kỳ giữ chức vụ nào, dù ở Trung ương hay địa phương, đương chức hay nghỉ hưu đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Gặp người nữ đảng viên mang trái tim thiện nguyện”, tác giả Trần Thị Nền giới thiệu về đảng viên trẻ Hoàng Thị Hà, công tác tại Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Bắc Ninh kiêm Phó Bí thư Đoàn thôn Nghiêm Xá (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) hết lòng vì cộng đồng, vì những mảnh đời bất hạnh, khó khăn.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Giàu có và đạo đức” của Ma Văn Kháng. Từ những vụ việc cụ thể, tác giả chiêm nghiệm giàu có phải đi liền với đạo đức. Vấn đề đặt ra lúc này là kiên quyết chống lại sự giàu có bất chính. Kiểm soát, khống chế, loại trừ, trừng trị nó bằng lề luật, bằng sự nghiêm minh của pháp luật.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ” (Mai Anh), “89 tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo Giải Búa liềm vàng lần thứ hai - năm 2017” (Bá Thắng).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Điểm nhấn trong tiến trình hội nhập và đối ngoại đa phương” của Đình Anh. Tác giả khẳng định thành công tốt đẹp của APEC Việt Nam và Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11-2017 là điểm nhấn về thành tựu hội nhập quốc tế và mở rộng đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2017.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 1-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng