Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về quản lý cán bộ”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng về việc dùng người. Bác nhấn mạnh, Đảng phải biết rõ cán bộ, phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; phải khéo dùng cán bộ; phải phân phối cán bộ cho đúng; phải giúp cán bộ cho đúng; phải giữ gìn cán bộ. Muốn kiểm soát có kết quả tốt phải có hai điều: Một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín. Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống; một cách nữa là từ dưới lên.
Chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, Tạp chí số này đăng nội dung “Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Nêu cao trách nhiệm trí tuệ, phát huy đoàn kết, dân chủ”.
Kỷ niệm 197 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen PGS, TS. Lâm Quốc Tuấn - TS. Nguyễn Thị Tố Uyên (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) có bài “Người thầy lỗi lạc của giai cấp công nhân hiện đại”. Bài viết đánh giá khái quát những cống hiến của Ph.Ăng-ghen trong việc hình thành và phát triển Chủ nghĩa Mác, đã phác họa chân dung của nhà bác học, nhà cách mạng vĩ đại, người thầy lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. C.Mác đánh giá Ph.Ăng-ghen là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của CNXH hiện đại. V.I.Lê-nin viết: “Không thể nào hiểu được Chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được Chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen”. Nhóm tác giả khai thác 2 khía cạnh: Ph.Ăng-ghen - nhà bác học, lãnh tụ vĩ đại của phong trào công nhân quốc tế; vận dụng tư tưởng của Ph.Ăng-ghen ở Việt Nam hiện nay.
Bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội” của TS. Dương Văn Thắng đề cập đến những giá trị của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hướng sự phát triển của an sinh xã hội nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những tư tưởng đó soi sáng đường chúng ta tiến tới mục đích của Đảng: độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Bài “Mô hình “hai trong một” ở một số địa phương” của Xuân Vinh xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, một số địa phương đã và đang thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu khu dân cư, tinh giản cán bộ, rút ngắn việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở.
Bài: “Hà Giang lấy phiếu đánh giá mức độ quyết liệt trong công tác của cán bộ lãnh đạo” của Nguyễn Trung Tài (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang) đi sâu phân tích cách làm của Hà Giang về việc lấy phiếu đánh giá mức độ quyết liệt đối với cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo diện cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quản lý hoạt động, công tác trong các tổ chức của hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang.
Bài “Quảng Bình đổi mới quản lý cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)”, ThS. Trần Xuân Vinh (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) nêu và phân tích kinh nghiệm quản lý cán bộ của Quảng Bình sau hơn một năm triển khai quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng dầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng.
Bài viết “Kinh nghiệm lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo ở tỉnh Quảng Trị”, tác giả Trần Nhật Quang (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị) nêu bật cách làm, kết quả và kinh nghiệm của Quảng Trị trong việc thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương theo Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị.
Bài “Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế - Kinh nghiệm bước đầu ở Vĩnh Phúc”, tác giả Trần Vinh nhấn mạnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020. Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 01, với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ trong thực hiện, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Bài “Về vấn đề thực thi pháp luật trong cán bộ, đảng viên” của TS. Lê Xuân Lịch sau khi nêu ra thực trạng, nguyên nhân vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên còn diễn ra khá phổ biến, có một số vụ việc nghiêm trọng hiện nay, tác giả đã đề xuất một số giải pháp cơ bản, cần thực hiện đồng bộ để hạn chế và từng bước ngăn chặn việc không chấp hành pháp luật của các tổ chức và cán bộ, đảng viên.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Chuẩn mực đạo đức mới của đảng viên” của GS, TS. Vũ Văn Hiền (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương). Bài viết là những tham góp ý kiến về việc tại sao phải có chuẩn mực đạo đức mới của đảng viên. Chuẩn mực đạo đức mới của đảng viên, theo tác giả, cần được nhìn nhận rõ nét trên những vấn đề: Về lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị; Về nhận thức, kiến thức, năng lực toàn diện; Về lối sống, phong cách; Về quan hệ với quần chúng nhân dân.
Bài “Góp phần khắc phục những yếu kém trong quản lý cán bộ” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Theo tác giả, công tác quản lý cán bộ thiếu chặt chẽ nhất là ở “vùng giáp ranh” trong phân cấp quản lý và còn thiếu chặt chẽ ở khâu thông tin về cán bộ. Giải quyết được 2 vấn đề này mới có thể khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý cán bộ.
Bài “Giải pháp nào cho đánh giá cán bộ” của PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tác giả nhấn mạnh đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất và nhạy cảm nhất trong công tác cán bộ. Tác giả đi tìm nguyên nhân của những khuyết điểm trong đánh giá cán bộ và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện.
Bài “Để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ” của Phạm Văn Định. Tác giả tiếp cận dưới góc độ tổng hợp, khái quát hóa chỉ ra ba nguyên nhân dẫn tới đánh giá cán bộ chưa tốt, từ đó tác giả đề xuất bốn nội dung cơ bản, chủ yếu cần thực hiện để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ.
Bài “Biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái ,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Hồng Văn. Từ chỗ phân tích thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân, tác giả đề ra 6 giải pháp góp phần đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Chấp hành kỷ luật thời gian làm việc - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”. TS. Lê Thị Trúc Anh đề cập đến thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như làm việc riêng, đi muộn, về sớm… ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức; từ đó tác giả đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Bài “Để các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát huy hiệu quả” của ThS. Đỗ Thanh Giang (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh). Tác giả đi sâu phản ánh những chính sách mà Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, qua đó tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện ngoại thành chuyển đổi, phục hồi và phát triển; đồng thời tác giả cũng chỉ ra các yêu cầu hợp tác xã nông nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn, thông qua những cơ chế, chính sách cụ thể.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân từ thực tiễn Sóc Trăng” của Tô Nài Não. Tác giả phản ánh kinh nghiệm của các cấp ủy Sóc Trăng trong phát triển đảng viên luôn quán triệt sâu sắc phương châm phát triển đảng viên là trọng chất lượng hơn số lượng trong doanh nghiệp tư nhân và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tác giả nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp cần làm tốt để đạt mục tiêu mỗi năm kết nạp được khoảng 90 đảng viên, có 5% tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân từ nay đến năm 2020.
Số này cũng thông tin đến bạn đọc nội dung “Tập trung thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp” của tác giả Vân Thu.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Như những đóa hoa trong vườn Bác” của Xuân Tươi, viết về Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu gương; mỗi thầy cô là một tấm gương tận tụy trong sự nghiệp trồng người; mỗi học sinh đều có khát vọng học tập vươn lên đẹp như những đóa hoa trong vườn Bác.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài viết “Từ chuyện một cấp ủy viên” của Hồng Chương. Từ câu chuyện có thật về một đồng chí là đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã, khi tiến hành Đại hội Đảng bộ không trúng cấp ủy, sau đó được điều động, bố trí công tác khác, vẫn kiên trì phấn đấu để 15 năm sau lại được bầu vào BCH Đảng bộ huyện và Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, tác giả đặt ra những suy ngẫm cho người làm công tác tổ chức - cán bộ.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Xung lực mới” của Đinh Thành bình luận qua sự kiện vừa qua Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) họp và một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Bí thư chi bộ tuổi 80”, ThS. Nguyễn Hồng Sơn (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, TP. Hà Nội) giới thiệu về Bí thư Chi bộ 1 (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) – Đồng chí Tôn Quang Tính, một thầy giáo già nghỉ hưu, tuy ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn tận tụy, hết lòng chăm lo cho lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng nên một tổ dân phố ấm áp tình người, thanh lịch, văn minh giữa lòng Thủ đô.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Biết mình để sửa mình” của Ma Văn Kháng. Tác giả từ chỗ cảm nhận việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cảm nhận bài phát biểu phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để chiêm nghiệm lại một triết lý sống, một thái độ nghiêm túc là cần tự nhận ra mình để sửa chữa. Biết có lỗi mà không sửa thì đó chính là lỗi bởi dân gian ta thường nói “ngã ở đâu thì đứng lên từ chỗ đó”.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Bế giảng lớp bồi dưỡng về công tác tổ chức”, “Phòng, chống tham nhũng từ góc nhìn điều tra tham nhũng”.
Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2017), chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài: “Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga hữu nghị bền vững, đối tác chiến lược tin cậy” của Đình Tùng. Tác giả khẳng định mối quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga có khởi nguồn sâu xa từ Cách mạng Tháng Mười, dù thời gian và những biến đổi của lịch sử đã làm thay đổi nước Nga Xô-viết trước đây, nhưng mối quan hệ và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trân trọng gìn giữ, phát triển.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên; công tác bầu cử; chính sách cán bộ…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 11-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.