Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chính sách cán bộ”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về những điểm lớn trong chính sách cán bộ: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ. Người nhấn mạnh, giống như trong công tác lưu thông, phân phối, chính sách đối với cán bộ phải quán triệt phương châm: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.
Chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 28 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân Tạp chí số này đăng bài “Một số giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức trong Đảng bộ Quân đội” của Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền và Thượng tá, ThS. Nguyễn Văn Giới. Nhóm tác giả nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức trong Quân đội là: Kiên trì bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị; giáo dục và bồi dưỡng cho quân nhân về mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Quân đội, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH. Cần cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, Điều lệnh Quân đội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành đối với tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng Đảng về đạo đức trong Quân đội phải gắn với thực hành nêu gương, coi đó là một nội dung chính trong văn hóa quân sự, là hành động thiết thực để tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị.
Bài “Lai Châu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở” của tác giả Phạm Văn Huỳnh (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Bài viết đề cập đến cách làm và kết quả rõ rệt của Lai Châu trong việc xác định nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, trong đó chú trọng kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ trực thuộc và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bài “Giải pháp cải cách chính sách tiền lương” của ThS. Đỗ Chí Thành (Viện Khoa học - An toàn và vệ sinh lao động). Bài viết nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc của Đảng về chính sách tiền lương. Trong đó nhấn mạnh quan điểm cải cách chính sách tiền lương theo hướng từng bước làm rõ sự khác nhau giữa chính sách tiền lương của người đang làm việc với chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Từ đó, bài viết đề xuất những giải pháp cơ bản tiếp tục đẩy mạnh cải cách tiền lương trước yêu cầu mới hiện nay.
Bài: “Điểm mới trong quy định về thi đua, khen thưởng” của Hoàng Xuân Thoại (Vụ Chính sách cán bộ, BTCTƯ) đi sâu phân tích những điểm mới của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, bao gồm quy định về: Nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng; trình tự thủ tục khen thưởng; quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng.
Bài “Năm đầu phân cấp thi nâng ngạch công chức, xét nâng hạng viên chức cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CT-XH: Một số vấn đề cần quan tâm”, tác giả Đỗ Phương Đông (Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, BTCTƯ) đề cập đến kết quả bước đầu việc triển khai thực hiện phân cấp thi nâng ngạch chuyên viên chính, xét nâng hạng viên chức trong các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CT-XH. Đây là bước đi mới quan trọng để đổi mới phương thức lãnh đạo và đẩy mạnh cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, bài viết nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm về đối tượng dự thi ngạch công chức, về thành lập hội đồng thi nâng ngạch, hội đồng xét thăng hạng, về xây dựng đề thi và kinh phí.
Bài viết “Cao Bằng thực hiện chính sách cán bộ và người có công”, tác giả Hà Ngọc Giáp (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) nêu bật một số kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập của Cao Bằng trong thực hiện chính sách đối với cán bộ đương chức, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số; tuyển chọn đội ngũ trí thức trẻ, hỗ trợ nghỉ việc đối với cán bộ không đạt chuẩn; chính sách đối với cán bộ thực hiện tinh giản biên chế; thực hiện chính sách đối với cán bộ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9-3-2015 của Chính phủ; chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Bài “Tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập tại các tỉnh Đông Nam Bộ”, tác giả Phạm Văn Phong (Học viện Chính trị Khu vực II) nhấn mạnh đảng ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đã chủ động, tích cực, sáng tạo và đạt được một số kết quả tích cực trong đổi mới, kiện toàn, tinh gọn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Chiến khu 5 (16-10-1945), Trung tướng Trần Quang Phương (UVTƯ Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu) có bài viết “Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 5 vững mạnh về chính trị”. Bài viết đã nêu bật những kết quả và bài học kinh nghiệm trong 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã vượt qua mọi thử thách, lập nhiều chiến công vang dội, xây đắp nên truyền thống “Tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí sáng tạo, chiến đấu kiên cường, chiến thắng vẻ vang”.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Tiến cử, thu hút và trọng dụng nhân dài” của TS. Lê Thị Thu Hằng (Phó Vụ trưởng Vụ IV, BTCTƯ). Bài viết là những nghiên cứu của tác giả về nhân tài và cơ chế tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài trong lịch sử; cơ chế thu hút, sử dụng nhân tài ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, tác giả đề ra 5 giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc tiến cử, thu hút và trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Bài “Về bố trí và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý” của Phạm Văn Định từ chỗ chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong điều động, quy hoạch, bổ nhiệm thời gian qua, tác giả đã đưa ra 6 giải pháp cơ bản để có thể sớm khắc phục được những hạn chế, bất cập đó.
Bài “Thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở” của Trần Xuân nhấn mạnh đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở hiện nay đông nhưng không mạnh. Hiện nay đang có sự chênh lệch lớn về mức phụ cấp đối với từng chức danh không chuyên trách giữa các vùng, miền. Trên thực tế đã có nhiều địa phương trong cả nước thực hiện thành công nhất thể hóa các chức danh và có nhiều kinh nghiệm tốt. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện đồng bộ giữa việc sắp xếp, tinh giản về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở với chế độ, chính sách cho đội ngũ này.
Bài “Dựa vào dân nâng cao chất lượng công tác cán bộ” của Vũ Lân từ chỗ phân tích thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân, tác giả đề ra 4 giải pháp để phát huy sức mạnh, tai mắt của nhân dân, dựa vào dân xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ nói riêng.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Chuyển biến mới trong phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Đinh Thành đề cập đến công tác phát triển đảng viên trong các nhà trường ở TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ ở nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Bình Phước thiết thực hỗ trợ đảng viên nghèo” của Thảo Nguyên. Tác giả phản ánh kinh nghiệm của các cấp ủy Bình Phước trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo của địa phương nói chung, Tỉnh ủy đã có Đề án và biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ đảng viên nghèo phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh học và làm theo Bác” của Mai Anh, viết về tuổi trẻ Khối Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) từ góc nhìn của người làm nghề tổ chức” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Bài viết tiếp cận hai nghị quyết về công tác tổ chức - cán bộ từ góc nhìn của người làm nghề tổ chức. Tác giả nhấn mạnh cùng với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) còn đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Những người làm nghề tổ chức quán triệt yêu cầu của nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu này.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Cần một sự đột phá” của Huyền Anh bình luận qua sự kiện vừa qua Quốc hội dành gần một ngày để thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Qua thảo luận tại Quốc hội cho thấy đây là một lĩnh vực khó, phức tạp rất cần một sự đột phá trong nhận thức và cách làm để Luật trở thành công cụ đủ mạnh, có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Trưởng thành trong gian khó”, tác giả Phan Nam giới thiệu về Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), 1 trong 60 đội viên xuất sắc của Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. Với hành trang tri thức, sự tự tin, bản lĩnh và nhiệt huyết tuổi trẻ, Nguyễn Anh Khoa đã cống hiến sức mình, góp phần làm cho mảnh đất nghèo thay da đổi thịt.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Nhặt rác dưới chân mình” của Ma Văn Kháng. Từ những vụ việc cụ thể, tác giả chiêm nghiệm vì sao phải nói không với tiêu cực và nói không với tiêu cực cần phải làm những gì. Và quan trọng nhất là “Hãy bắt đầu bằng việc nhặt rác dưới chân mình. Hãy bắt đầu bằng việc tự mình nói không với tiêu cực”.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Tập huấn công tác tổ chức thi nâng ngạch công chức cơ quan đảng, đoàn thể năm 2017” (P.V), “Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ” (Lê Văn).
Nhân kỷ niệm 42 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2-12-1975 - 2-12-2017), chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu 2 bài viết: “Bảo vệ và kiến thiết đất nước phát triển bền vững” của Viêng-văn Khăm-pha-văn (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kosang Phăk) và bài “Rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào” của Chăn-tha-nom Ban-đa-vông.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về tổ chức cơ sở đảng; công tác bầu cử…
Số này, Tạp chí cũng giới thiệu Tổng mục lục 2017 phục vụ cho bạn đọc tiện tra cứu các tin, bài đã được đăng tải trong năm 2017.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 12-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng