Mở đầu cuốn tạp chí, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về phong cách làm việc của cán bộ”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng về phong cách làm việc của cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải xem xét kỹ lưỡng, phải bàn bạc kỹ lưỡng, phải hỏi dân kỹ lưỡng, phải giải thích kỹ lưỡng cho dân, phải luôn luôn gần gũi dân. Người đặc biệt nhiều lần nhấn mạnh tác phong cán bộ cần phải dân chủ, phải làm gương, nhìn xa, thấy rộng, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng.
Chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, PGS, TS. Phạm Ngọc Anh có bài “Sửa đổi lối làm việc” - tác phẩm kinh điển về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Bài viết nhấn mạnh 7 nội dung, yêu cầu khách quan vì sao phải “Sửa đổi lối làm việc”? Theo tác giả, giá trị bền vững và tính thời sự nóng hổi của “Sửa đổi lối làm việc” chính là ở những vấn đề Hồ Chí Minh đặt ra từ 70 năm trước vẫn là những nội dung, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển bảo hiểm y tế” của TS. Dương Văn Thắng (Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm xã hội). Bài viết đề cập đến quan điểm của Hồ Chí Minh về việc rèn luyện và bảo vệ sức khỏe; coi trọng y học dự phòng và ý thức tự giữ gìn, rèn luyện, bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt là y đức - cội nguồn tư tưởng và là định hướng cho công tác xây dựng, phát triển bảo hiểm y tế ở nước ta. Với chủ đề trọng tâm về đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với cải cách hành chính trong Đảng, tác giả Vũ Đăng Minh (Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) có bài “Tiếp xúc với nhân dân - một phương thức hoạt động mới của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Bài viết nêu bật việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là trực tiếp tiếp xúc thăm hỏi, làm việc với các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo; xác định rõ mục đích, nội dung của chương trình; kết quả đạt được, những kinh nghiệm rút ra sau khi tổ chức thành công 11 đoàn tiếp xúc. Bám sát hoạt động của các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Tạp chí Xây dựng Đảng giới thiệu loạt bài: “Đổi mới công tác theo dõi địa bàn ở Ban Tổ chức Trung ương” của nhóm tác giả Phan Thăng An - Lê Hữu Vinh (Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương) đi sâu phân tích sự cần thiết phải có “Quy chế công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn của Ban Tổ chức Trung ương”; kết quả bước đầu thực hiện Quy chế và những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để thực hiện Quy chế một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Bài “Xây dựng phong cách, lề lối làm việc của ban tổ chức cấp ủy các cấp - một nhiệm vụ cấp thiết” của Nguyễn Văn Định (Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương) đề cập đến yêu cầu cấp thiết của việc ban hành Quy định về “Phong cách, lề lối làm việc của ban tổ chức cấp ủy các cấp; tiêu chuẩn người cán bộ, công chức làm công tác tổ chức xây dựng đảng”, cung cấp cho độc giả những nội dung cơ bản của Quy định, nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng trong thời kỳ mới, khắc phục những hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng đảng. Bài “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cơ sở - từ thực tiễn các tỉnh đồng bằng sông Hồng”, ThS. Trần Bích Nhuần khẳng định đảng ủy các xã khu vực đồng bằng sông Hồng đã luôn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền xã trên các lĩnh vực, nội dung, đối tượng và đạt được những kết quả nhất định.Bài viết “Phú Yên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở”, tác giả Trần Xuân nêu bật cách làm, kết quả, kinh nghiệm của Phú Yên trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường thị trấn. Bài “Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công”, tác giả Nguyễn Văn Đồng (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh đây là một nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính, mang tính đột phá nhằm xây dựng nền hành chính công vững mạnh, chuyên nghiệp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Bài “Đảng bộ thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” của Nguyễn Tiến Thuận (Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Bỉm Sơn) nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng bộ thị xã, đã nêu bật nhiều giải pháp sáng tạo, những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ thị xã trong tuyên truyền và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (giai đoạn 2011-2015), đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Cần cụ thể hóa mối quan hệ giữa Đảng với Dân trong công tác cán bộ” của tác giả Phạm Văn Định. Bài viết là những tham góp ý kiến của tác giả để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cán bộ. Đó là: Tiếp tục cụ thể hóa, mở rộng, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ bằng nhiều hình thức để nhân dân tham gia vào công tác cán bộ; phải phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và mỗi cấp ủy viên, nhất là bí thư trong các quy trình công tác cán bộ; phải kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của tổ chức cũng như người có chức, có quyền trong công tác cán bộ; tiếp tục làm trong sạch bộ máy tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tổ chức - cán bộ. Bài “Về văn hóa từ chức” của TS. Hoàng Thị Hương (Trường Đại học Nội vụ) khẳng định ở nước ta hiện nay, việc nghiên cứu hiện tượng từ chức với tư cách là phạm trù văn hóa chính trị là cần thiết nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề này và phát huy mặt tích cực của nó trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Bài “Mô hình chi bộ cơ quan, quân sự xã - thực tiễn và vấn đề đặt ra” của Xuân Vinh. Tác giả đã khá công phu khi đi sâu phân tích, so sánh sự khác nhau khi triển khai mô hình chi bộ cơ quan xã, những bất cập trong hoạt động của chi bộ quân sự xã ở nhiều địa phương trên cả nước, từ đó đề xuất những giải pháp và kiến nghị nếu tiếp tục thực hiện hai mô hình này.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ môi trường”. ThS. Trần Thị Hà Vân (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh) đề cập đến kinh nghiệm của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải quyết có hiệu quả đối với công tác bảo vệ môi trường của thành phố lớn nhất cả nước.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Giải “bài toán” người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc” của Đinh Thành. Tác giả công phu khảo sát thực tế, tìm hiểu thực trạng báo động của việc gia tăng số người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc ở xã, phường, thị trấn một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để từ đó đi tìm lời giải. Theo tác giả: Trước hết, các tỉnh đã chủ động thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức vụ, hợp nhất chức danh và tăng mức phụ cấp; Trung ương cần có sự chỉ đạo tầm vĩ mô để vừa phát huy được tính tự chủ của các địa phương, vừa bảo đảm sự công bằng, thống nhất, phù hợp về chế độ, chính sách cho đối tượng này. Tác giả cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ sở và điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Bài “Cẩm Phả đưa nghị quyết vào cuộc sống” của Bảo Yến tập trung nghiên cứu kinh nghiệm, cách làm của Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) cùng nhau phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, xây dựng thành phố phát triển toàn diện, mang diện mạo của thành phố công nghiệp ngày càng khang trang, hiện đại.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Mái nhà của hội viên phụ nữ” của Mai Anh, viết về Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) học và làm theo Bác, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong chỉ đạo triển khai, thực hiện các phong trào; xây dựng nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài viết “Ngành Tổ chức trước đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Tác giả khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thách thức đối với nước ta, mà điểm trung tâm là vấn đề con người, nhân tố con người trong phát triển. Đây chính là dịp để người làm nghề tổ chức - với tư cách “đội cận vệ đỏ” của Đảng nghiêm túc đánh giá lại quá trình tham mưu của mình trong công tác cán bộ, qua đó xác định những trường hợp tham mưu đúng người - đúng việc - đúng lúc.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Một việc cần làm ngay” của Minh Anh bình luận qua sự kiện vừa qua Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mạnh mẽ kiến nghị Chính phủ cần phải có một cuộc tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ trong cả nước. Kiến nghị đã được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Gặp gỡ “hạt giống” của Dự án 600 phó chủ tịch xã…”, tác giả Diệp Chi giới thiệu về một trong 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học, tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. Đó là Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, Hương đã trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm cho vùng đất vốn có nhiều khó khăn ngày càng khởi sắc, thay da đổi thịt.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Của biếu là của lo” tác giả Ma Văn Kháng thông qua một số câu chuyện, sự vụ gần đây triết lý về một thành ngữ “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, không ai có thể lường trước được tác động có tính toán hoặc vô tình do món quà biếu, tặng gây nên, có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến quyết định của người có trách nhiệm.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đồng chí Phạm Minh Chính dự tổng kết, đánh giá kết quả các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp”.
Nhân kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài: “Kinh nghiệm của Trung Quốc về quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện” của Thu Huyền. Tác giả tổng hợp, giới thiệu 5 quan điểm chỉ đạo và Quy định 8 điểm quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là những kinh nghiệm có thể nghiên cứu, tham khảo và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên; công tác bầu cử; chính sách cán bộ… Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 10-2017, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.