Quà của người nhà
Tác giả Bùi Đức Lại (thứ tư từ trái sang) với cán bộ, phóng viên Tạp chí.

Do yêu cầu công việc và chia sẻ, trao đổi nhận thức, thỉnh thoảng tôi cũng viết một vài bài báo. Việc này tính ra kéo dài đến gần ba chục năm.

Từ khi về hưu tôi vẫn tiếp tục viết, chấp nhận những vất vả, phiền hà có thể nảy sinh từ đó. Đổi lại, tôi có niềm vui được chia sẻ với công luận những suy tư về đất nước và xã hội, đưa ra những kiến nghị cải thiện tình hình, cũng là một cách thực hiện trách nhiệm công dân và đảng viên của mình.

Bài viết của tôi không nhiều, tiếp nhận được cả tiếng khen, chê, tức là chúng được đọc, ít ra cũng đã làm được cái việc “đặt vấn đề lên bàn”, nếu không là bàn nghị sự của công luận thì cũng là cái bàn trong đầu của người đọc. Như thế cũng là điều may mắn đối với một người không chuyên viết báo, không phải là nhà báo, cả năm chỉ có mươi bài ngắn ngủi.

Người “ngoại đạo” như vậy mà được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia khen thưởng cũng là điều bất ngờ. Việc này chắc chắn có công lớn của “bà đỡ” mát tay là Tạp chí Xây dựng Đảng, nơi từ nhiều năm nay tôi được xem là người thân trong nhà.

Do tôi vắng mặt trong Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ V năm 2010, Tạp chí đã nhận giúp giải thưởng và tổ chức việc chuyển trao giải cho tôi. Thêm việc cho Tạp chí là điều lúc đầu cũng làm tôi áy náy. Nhưng không khí trang trọng, thân mật và chân tình của buổi gặp gỡ chuyển giải tại Tòa soạn Tạp chí khiến tôi thấy, nếu như lại có lần khác được trao giải, thì tôi vẫn thích được Tạp chí chuyển lại giải thưởng trong không khí bạn bè, anh em như thế này. Trong bầu không khí ấy, giải thưởng có thêm ý nghĩa là quà của người nhà.

Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày Tạp chí ra số đầu (8-1965 – 8-2011), tôi chúc mừng Tạp chí với tư cách một bạn đọc, cũng như tư cách một cộng tác viên lâu năm, một người thân trong nhà. Qua đây, tôi đồng thời tỏ lời cảm ơn chân thành đối với Tạp chí.

Có nhiều điều để viết về mối quan hệ mấy chục năm qua giữa Tạp chí và tôi, về tình cảm của tôi đối với các thế hệ cán bộ lãnh đạo, biên tập và nhân viên Tạp chí. Quan hệ đó không phải là vấn đề riêng tư, mà trước hết là từ nghĩa chung. Đối với tôi cũng như đối với đông đảo những người làm công tác tổ chức xây dựng đảng, Tạp chí ngày càng trở thành người bạn tin cậy, thủy chung, người hướng dẫn chu đáo, nhiệt thành, là diễn đàn để trao đổi ý kiến cởi mở. Tạp chí là nơi tin cậy để tôi chọn gửi nhiều bài viết, kể cả bài có các nội dung mà báo khác có thể né tránh đăng tải. Tôi cũng luôn sẵn lòng phối hợp với Tạp chí thực hiện nội dung và chương trình bài vở hằng năm của Ban Biên tập.

Trong buổi trò chuyện gần đây, các bạn trong Tòa soạn có đề nghị trao đổi về kinh nghiệm viết bài. Tôi nghĩ rằng, với tư cách là những nhà báo chuyên nghiệp, các bạn không thiếu gì kinh nghiệm. Điều mà các bạn muốn nói là kinh nghiệm của những người viết không phải là nhà báo. Tôi có vài điều tâm niệm  dưới đây thường tự nhắc mình khi viết, không biết có đủ để xem là kinh nghiệm có thể chia sẻ hay không.

Bên cạnh những khó khăn, người viết báo không chuyên có một cái sướng, một thuận lợi rất lớn so với các nhà báo trong biên chế là họ không bị ràng buộc bởi kế hoạch bài vở của Tòa soạn. Họ phải biết tận dụng thế mạnh đó. Họ có thể dành cho mình quyền chỉ viết bài khi trong đầu có một ý tưởng rõ ràng, và nên luôn luôn thực hiện như vậy. Những ý tưởng đó nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống, từ sự quan sát và nhận biết những mâu thuẫn giữa cuộc sống thực với những lý thuyết được thiết kế trong các nghị quyết. Họ cân nhắc, suy nghĩ, chiêm nghiệm, gạt bỏ những hiện tượng cá biệt, ngẫu nhiên để đi sâu vào bản chất sự vật, tìm nguyên nhân và giải pháp cải thiện. Đó là quá trình hình thành ý tưởng. Trong quá trình đó, họ phải tự giải phóng mình khỏi các cám dỗ cũng như những nỗi sợ hãi, mong muốn được an toàn. Khó có thể có ý tưởng thực sự nào nếu bị những điều này ám ảnh.

Gói ghém tất cả những điều đó trong khuôn khổ một bài báo để có thể đăng được là việc vất vả. Bên cạnh khả năng sử dụng linh hoạt, phong phú ngôn ngữ, rất cần lựa chọn cách diễn đạt đúng. Cũng có khi cần có điều chỉnh, có “nhượng bộ” nào đó về nội dung. Nhưng mọi nhượng bộ về nội dung cũng như sự uyển chuyển trong cách diễn đạt không được làm biến dạng hồn cốt của bài báo hoặc làm cho thông điệp không đến được với bạn đọc bình thường có suy nghĩ. Người viết phải cộng tác, phối hợp, phải chia sẻ, thông cảm với các tổng biên tập, họ có cái khó của họ. Nhưng đừng ngại rút bài về để cho vào ngăn kéo, nếu nó bị biến dạng đến mức xóa mất ý tưởng của bạn khi viết bài.

Đừng chạy theo tâm trạng người đọc giả tưởng để lấy lòng họ, cũng đừng chờ đợi mọi tiếng nói đồng tình thống nhất hưởng ứng của họ. Họ khác nhau về nhiều phương diện, do đó họ cũng khác nhau khi tiếp nhận thông điệp của bạn. Có khi chính vì sự yếu kém trong diễn đạt, ý tưởng của người viết đã không được truyền tải đúng. Có thể vui vì những lời khen đúng và đúng mức, nhưng nên coi trọng hơn những lời chê đúng đắn, thẳng thừng. Bài báo là một sản phẩm tinh thần, nhưng không phải là một bài thơ để tác giả bênh vực chằm chặp đứa con tinh thần của mình, dù nó đầy rẫy khuyết tật. Bài báo ngay khi ra đời đã là một sản phẩm xã hội, có đời sống và giá trị của nó. Giá trị của nó nằm ở vấn đề mà nó nêu ra để xã hội suy nghĩ và giải quyết. Nó không phụ thuộc vào tác giả nữa. Vì vậy, người viết nên coi trọng trước hết phân tích các lời khen chê để rút kinh nghiệm cho các bài viết sau.

Viết là trình bày ý tưởng và thuyết phục người đọc đồng tình với mình. Chỉ có thể thuyết phục thông qua thái độ bình đẳng, thực sự tôn trọng người đọc, cùng với họ suy nghĩ, với những lập luận sáng tỏ, chặt chẽ, có căn cứ thực tế xác đáng. Cao giọng thuyết giảng với tư cách bề trên thì khó thuyết phục được ai. Còn  thuyết giảng về những điều mà chính bạn còn đang phân vân, bằng giọng điệu làm như mình đang nắm độc quyền chân lý, thì chỉ làm cho vấn đề xấu thêm và tự làm xấu hình ảnh của chính mình mà thôi. Người đọc thông minh và bận rộn ngày hôm nay không mất thì giờ với bạn.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất